Để hôn nhân luôn nồng ấm

Hôn nhân không tránh khỏi những lúc bất đồng, đặc biệt khi người vợ là một phụ nữ sắc sảo, tài giỏi và thành công. Hãy biết cách chia sẻ để hiểu nhau hơn và yêu nhau hơn

Trong một lần đến nhà chị bạn chơi, tôi đã được chứng kiến một cảnh tượng thật tình cảm. Hôm ấy, hội bạn nữ chúng tôi bất chợt có hứng tổ chức tiệc. Vậy là đồ đạc trong nhà phải kê sắp lại, mọi người cười đùa chạy tới chạy lui, ngôi biệt thự yên bình bỗng trở nên náo nhiệt. Giữa không khí ồn ào ấy, tôi chợt thấy bạn mình tách khỏi mọi người. Chị tiến lại gần chồng, nhìn lên anh với đôi mắt âu yếm, khẽ xin lỗi vì làm anh mất tập trung với công việc. Qua gương mặt điềm tĩnh, vui vẻ của anh, tôi biết anh không hề khó chịu với cuộc vui mà hiếm khi vợ anh, giám đốc điều hành của một công ty lớn, có được. Tuy nhiên, lời xin lỗi của chị càng khiến đôi mắt anh sáng thêm niềm hạnh phúc.

Tôi tự hỏi tại sao một người phụ nữ quyền uy, thành công, đứng trên hàng trăm người, khi ở bên chồng lại dịu dàng, mềm mại như vậy. Trước mặt anh, chị như trẻ lại thành một cô gái nhỏ. Quan sát họ, tôi chạnh lòng nghĩ về cuộc hôn nhân của mình. Có phải tình cảm gia đình tôi đang ngày càng phai nhạt, ngày càng khuất sau công việc bộn bề?

Vợ chồng là số một

Trước khi cưới, như mọi người ở xứ Á Đông, tôi và anh đã đi hỏi thầy xem ngày. Vị thầy bói khi ấy bảo vợ chồng tôi khắc khẩu. Có lẽ, chính nhận định ấy đã khiến tôi mặc nhiên chấp nhận sự bất đồng giữa tôi và anh trong những năm mới cưới. Anh bảo ai cũng nói tôi quá tham vọng, chẳng nghĩ gì đến gia đình. Tôi cho rằng đó là vì anh và mọi người xung quanh cổ hủ, muốn phụ nữ phải an phận. Và thế là chúng tôi tránh nói chuyện để tránh cãi vã.

Giờ đây nghĩ lại, tôi mới thấy thực ra cặp vợ chồng nào chẳng khắc khẩu? Sống với nhau trong một nhà, dù là mẹ con hay anh chị em ruột còn chẳng tránh được xung đột, huống chi vợ chồng, nhất là khi  người vợ có sự nghiệp thành công hơn chồng. Tôi nhớ tới lời khuyên của một người thầy dạy đạo: Vợ, chồng là quan trọng với mỗi người. Phải biết ưu tiên nhau, dỗ dành, nhường nhịn nhau để người mang ý nghĩa lớn nhất đời mình không rời xa mình được.

Tôi nhắc lại cho chồng lời khuyên ấy và nói với anh đã tới lúc cần thay đổi mọi điều. Chúng tôi đi đến thống nhất: “Vợ chồng là số một”. Mỗi người nên giải quyết vấn đề sao cho vợ và chồng cảm thấy thoải mái nhất. Chúng tôi chọn cách tâm sự với nhau để hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn.

Gia đình là điều ở lại

Điều thú vị là tôi nhận thấy nghệ thuật kinh doanh cũng có thể áp dụng vào gia đình. Chúng ta lúc nào cũng coi khách hàng là số một, nên dù không coi họ là thần tượng, dù biết không phải lúc nào họ cũng đúng, ta vẫn biết cách xoa dịu, làm họ hài lòng. Với chồng cũng vậy, thậm chí hơn thế nữa, vì chúng ta còn có cả tình yêu dành cho người bạn đời.

Khi vợ chồng tranh cãi, tôi chọn “một điều nhịn là chín điều lành”. Thay vì gạt phắt đi ý kiến của anh, giờ tôi kiên nhẫn giải thích, để anh cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng. Tôi cũng cố gắng dành thời gian để quan tâm, chăm sóc, chia sẻ vui buồn với anh. Dù anh có sai, tôi vẫn vui vẻ cho anh cơ hội giãi bày, cơ hội sửa chữa và bản thân cũng giúp anh thay đổi. Vì anh, tôi chăm chút nhan sắc, không chỉ đẹp khi ra đường mà còn phải đẹp cả lúc ở nhà. Nghĩ cho cùng, tôi cũng vì chính tôi và muốn chồng luôn tự hào  thấy vợ vẫn trẻ đẹp như thời son trẻ.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày tôi quyết định thay đổi bản thân, kết quả rõ ràng là gia đình tôi đang trở nên hạnh phúc hơn. Lạ lùng thay, trước đây, tôi cứ nghĩ phải tập trung tất cả cho công việc thì mới thành công. Giờ đây tôi nhận thấy, nhờ có sự ủng hộ, thấu hiểu của chồng, mọi căng thẳng dường như cũng bớt đi một nửa. Tôi không là cái bóng của chồng, và tôi biết, dù tôi có thành đạt hay thất bại trong công việc thì chồng vẫn bên cạnh và coi tôi là số một. Tôi không bắt anh phải nhìn lên, nhưng anh đã đặt tôi lên cao bởi chính sự yêu thương, chia sẻ.

Ứng xử khéo:

Khi vợ chồng bất đồng, bạn hãy chọn cách ứng xử sao cho “cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt”:

1/ Không bao giờ tranh cãi ở nhà và đặc biệt là trước mặt con cái. Hãy ra quán cà-phê, trước mặt nhiều người trong quán, bạn cùng chồng sẽ phải tìm cách chế ngự cơn giận và rất khó to tiếng. Từ đó, sự việc sẽ nhẹ nhàng hơn hẳn.

2/ Chính phụ nữ là người quyết định cuộc tranh cãi dâng cao hay giảm nhiệt vì chúng ta thường kiểm soát cảm xúc không tốt bằng đàn ông. Hãy cố gắng chủ động dùng những từ như “Em mong”, “Em cần”, “Em hy vọng” để thể hiện thiện chí muốn giảm nhiệt lúc đó. Những cụm từ này lợi hại hơn nước mắt nếu muốn làm mềm lòng người bạn đời. Tránh đặt ra những câu hỏi lúc tranh cãi. Câu hỏi thể hiện sự thắc mắc của bạn, hỏi càng nhiều, trí óc càng có xu hướng suy diễn sự việc theo hướng tồi tệ hơn.

Bài: T.B – Ảnh: Getty Images

Xem thêm