2020 mở đầu cho một thập kỷ mới. Đây là lúc chúng ta nhìn lại những gì đã xảy ra trong mười năm qua và lập kế hoạch cho những gì sẽ làm, sẽ đến trong thập kỷ tới. Mọi dự tính của chúng ta có lẽ đều hướng đến một mục đích: Sự thành công.
Mà thành đạt là gì chứ? Ngàn người sẽ có ngàn quan điểm khác nhau về thành tựu có được trong đời. Với người này, thành tựu có thể là sự nổi tiếng, là được mọi người trọng vọng. Với người khác, thành tựu là lợi ích kinh tế đạt được từ hoạt động kinh doanh, đầu tư hay tưởng thưởng trong nghề nghiệp. Thành tựu cũng có thể là hạnh phúc gia đình và tình yêu mỏi mắt đi tìm. Có người lại đi tìm thành tựu trong những đóng góp thiện nguyện cho xã hội, hoặc sự bình an trong tâm hồn.
Ở đây, chúng ta hãy giới hạn định nghĩa về sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Bởi khi bạn chọn đọc Harper’s Bazaar, tôi tin bạn có sở thích hay ước mơ nhất định về một cuộc sống đẳng cấp. Cuộc sống ấy chỉ có được khi chúng ta đạt được thành công trong nghề nghiệp hoặc đầu tư kinh doanh.
Nhưng dường như thành tựu không đến với tất cả mọi người. Phải giải thích sao khi trong cùng một lớp mẫu giáo, mấy chục năm sau người thì trở thành lãnh đạo, người lại mãi lẹt đẹt phía sau.
Sự thành công là do gen?
Các nhà khoa học đã đi tìm lời giải cho câu hỏi sau: Trong bộ gen của con người, có gen nào quyết định sự thành đạt ở tuổi trưởng thành không? Phải chăng thành công là năng khiếu bẩm sinh của riêng một số người?
Trường đại học Stanford, Mỹ, nổi tiếng với một nghiên cứu gọi là “marshmallow test” (thử nghiệm kẹo bông gòn).
Những đứa trẻ từ 4 đến 6 tuổi được cho một chiếc kẹo bông gòn. Chúng được bảo: “Con có thể ăn hết kẹo ngay bây giờ. Nhưng nếu con chờ 15 phút mới ăn, thì con sẽ được thêm chiếc kẹo nữa”. Người ta nhận thấy rằng đa số những đứa bé có thể chờ thì thành đạt hơn trong tương lai.
Năm 2013, tiến sĩ Jan-Emmanuel De Neve, Đại học London, công bố: “Chúng tôi đã xác định được một gien, gọi là rs4950, có liên quan đến di truyền năng lực lãnh đạo từ thế hệ này đến thế hệ khác”.
Năm 2014, các nhà khoa học lại công bố một quan sát khi chụp MRI não bộ của khỉ. Những con khỉ đầu đàn đều có hạch hạnh nhân, vùng dưới đồi và nhân raphe to hơn của các con khỉ còn lại trong bầy. Họ nghi ngờ con người cũng như vậy. Như vậy, phải chăng gien thành công được truyền từ đời này sang đời khác và những người không có gien này sẽ không có cơ hội thành công?
>>> Xem thêm: CÓ GÌ TRONG TÚI CỦA NHỮNG PHỤ NỮ THÀNH CÔNG?
Người thành đạt không phải người thông minh nhất
Điều này đã được minh chứng sau nhiều nghiên cứu kinh tế xã hội ở diện rộng và phức tạp. Tuy nhiên tố chất này chỉ quyết định phần nào. Còn nhiều biến số khác có khả năng thay đổi tố chất này, ví dụ nền tảng giáo dục và môi trường sống. “Năng khiếu” và “nuôi dưỡng” kết hợp mới định hình hệ sinh thần kinh – những tính cách của một người.
Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập những tính cách dẫn đến sự thành đạt. Ví dụ như động cơ hành động, khả năng tập trung, sự kiên cường, chấp nhận rủi ro…
Trường Harvard Business School từng làm một nghiên cứu với các lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn ở Thụy Điển. Các CEO đều đạt điểm số cao về trí thông minh và khả năng nhận thức. Thế nhưng nhiều nhân viên của họ có chỉ số thông minh gấp mấy lần.
Các CEO chủ yếu đạt điểm cao trong các lĩnh vực phi nhận thức: ví dụ khả năng hợp tác, tự kiềm chế bản thân, tạo quan hệ xã hội, hay ý chí cầu tiến. Nói chung, các lãnh đạo cao cấp không xuất sắc trong từng năng lực riêng biệt. Bộ não của họ là một tổng thể hoàn chỉnh với nhiều kỹ năng chỉ ở mức trên trung bình.
>>> Xem thêm: 7 CUỐN SÁCH “GỐI ĐẦU GIƯỜNG” CỦA PHỤ NỮ THÀNH CÔNG
Thành công không tự nhiên mà đến
Một người mang tố chất lãnh đạo, nếu không có cơ hội học tập và trải qua những tình huống rèn luyện thì có thể chẳng bao giờ thành đạt. Tố chất này thuộc về nhận thức và ứng xử, thể hiện qua những thói quen như ưa thử thách hoặc tự yêu mình.
Nghiên cứu cho thấy những người ưa chuộng thử thách thường trở thành doanh nhân thành công. Họ cũng có tính tự yêu mình. Máu liều, cũng như thói tự yêu mình, có thể gây nghiện chẳng khác gì tình dục và ma túy. Và nó trở thành con dao hai lưỡi.
Doanh nhân nghiện máu liều không hài lòng ngay cả khi doanh nghiệp thành công. Họ liên tục đuổi theo những thử thách mới, đến mức có khi bị đẩy vào nguy cơ mất trắng. Thói tự yêu mình cũng tác hại như vậy. Một chút yêu mình làm cho họ tự tin và thu hút người khác. Nhưng quá mức làm họ thành người ích kỷ, không được lòng đội ngũ và không bao giờ trở thành các CEO giỏi.
Tính kiên cường, khả năng đứng dậy sau thất bại cũng là một đặc tính của người thành đạt.
Viết đến đây, tôi nghĩ ngay đến chị Lê Hạnh, CEO của công ty TV Hub, người được Harper’s Bazaar trao giải Nữ doanh nhân của năm 2019.
Chị từng rất nổi tiếng trong giới quảng cáo với thành tựu đạt được ở công ty TV Plus. Năm 2016, sau nhiều rủi ro lớn, chị bàng hoàng trước những mất mát. Sau nhiều cân nhắc, chị quyết định không đầu hàng. Giờ đây, chị nổi như cồn với chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Vietnam, và mới đây là Top Chef. Chị cùng với các “cá mập” khác, những doanh nhân thành đạt, đang mang những bài học sâu sắc rút ra từ cuộc đời mình truyền lại cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
>>> Xem thêm: VÌ SAO PHỤ NỮ DỄ TỔN THƯƠNG TRONG CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN SỰ NGHIỆP?
Harper’s Bazaar Việt Nam