Gap tuyên bố đóng cửa 350 cửa hàng, dù đang bị các công ty bất động sản kiện

Vì đại dịch COVID-19, Gap phải nhanh chóng thay đổi mô hình vận hành

Cửa hàng Gap tại một trung tâm thương mại Mỹ. Ảnh: Raysonho/Wikicommons

Cửa hàng Gap tại một trung tâm thương mại Mỹ. Ảnh: Raysonho/Wikicommons

Gap Inc. vừa thông báo sẽ thay đổi kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Như nhiều các nhà bán lẻ khác, Gap cho biết có sự phát triển vượt bậc trong doanh thu từ bán hàng qua mạng.

Trong Q2-2020, các thương hiệu thời trang thuộc tập đoàn – Gap, Old Navy, Banana Republic và Athleta – có mức tăng trưởng 95% ở hạng mục online. Trong khi đó, doanh số đến từ các địa điểm bán lẻ vật lý giảm 48%.

Vì vậy, tập đoàn sẽ cắt giảm triệt để số lượng cửa hàng vật lý. Chắc chắn điều này sẽ gây nên nhiều phản ứng mãnh liệt từ các tập đoàn bất động sản.

Các nhà bán lẻ rời bỏ trung tâm thương mại

Từ trước đến nay, cái tên Gap (và Banana Republic) luôn đi đôi với các trung tâm thương mại (mall) tại Mỹ. Tuy nhiên, trong những thập niên trở lại, các trung tâm thương mại ngày một vắng khách. Đặc biệt vì đại dịch COVID-19, số lượng khách ra đường mua sắm sụt giảm trầm trọng.

Trước tính huống này, tập đoàn thông báo sẽ đóng cửa 350 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại của cả hai thương hiệu Gap và Banana Republic tại Bắc Mỹ. Con số này tương ứng với việc cắt giảm 30% tổng lượng cửa hàng hiện tại.

Chiến lược này sẽ được triển khai từ từ cho đến năm 2023. Riêng trong 2020 thì hãng ước tính sẽ dẹp bỏ 225 địa điểm.

Banana Republic và Gap là hai thương hiệu có mật độ cửa hàng dày đặc tại các trung tâm thương mại. Ảnh: The Mall at Millenia thuộc thành phố Orlando, Florida, Mỹ

Banana Republic và Gap là hai thương hiệu có mật độ cửa hàng dày đặc tại các trung tâm thương mại. Ảnh: The Mall at Millenia thuộc thành phố Orlando, Florida, Mỹ

Tập đoàn ước tính, việc cắt giảm chi phí cho địa điểm bán lẻ sẽ cho phép Gap và Banana Republic tập trung phát triển mảng bán hàng qua mạng. Mục tiêu của hãng là mang lại 80% tổng doanh số từ online và các cửa hàng bán đại giảm giá (outlet mall).

Ngoài Gap, nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ, trong đó có Hermès, Louis Vuitton và Dior, cũng tăng cường đầu tư cho việc kinh doanh qua mạng. Hermès gần đây cũng thông báo sẽ mở rộng lượng mặt hàng bán ra trên website chính thức.

Cuộc chiến giữa nhà bán lẻ và bất động sản

Tất nhiên, các tập đoàn bất động sản sở hữu trung tâm thương mại sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Riêng Gap đang đối mặt với vụ kiện đắt đỏ từ Simon Property Group, tập đoàn bất động sản sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn nhất Bắc Mỹ.

Tập đoàn Simon Property Group sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn khắp nước Mỹ. Ảnh: Mark Makela/Reuters

Từ lâu, tập đoàn Gap là một trong những khách hàng lớn nhất của Simon Property Group. Tuy nhiên, vì dịch cúm COVID-19, Gap đã đình chỉ việc trả tiền thuê nhà liên tiếp trong 3 tháng, từ tháng Tư đến tháng Bảy năm 2020.

Tập đoàn Simon Property Group đã yêu cầu Gap đóng cửa các địa điểm vi phạm. Tuy nhiên, Gap vẫn mở cửa lại…và vẫn không trả tiền thuê nhà của giai đoạn ba tháng đóng cửa. Chính vì vậy, Tháng 07/2020, tập đoàn Simon Property Group đã đệ đơn kiện lên toà án nhằm đòi lại số tiền này.

Tháng 08/2020, Gap đáp trả với một đơn kiện ngược lại. Trong công văn của mình, Gap yêu cầu Simon Property Group cho phép chấm dứt hợp đồng ở một loạt địa điểm mà không phải đóng phạt. Đồng thời yêu cầu tập đoàn bất động sản không thu tiền thuê nhà ở hàng trăm địa điểm khác.

Gap cũng đang đối mặt với một vụ kiện tương tự từ Brookfield Properties, một công ty bất động sản khác. Không rõ liệu Gap có thể đóng 350 địa điểm của mình mà không phải đóng phạt, như hãng mong muốn.

>>> Xem thêm: KANYE WEST SẼ BẮT TAY VỚI GAP CHO RA MẮT BỘ SƯU TẬP THỜI TRANG GIÁ RẺ

Theo Business Insider, FN
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm