Furmark: Tiêu chuẩn phát triển của thời trang lông thú

Liên đoàn Lông thú Quốc tế IFF tin rằng thời trang lông thú, cùng chỉ tiêu Furmark, là lời giải đáp tốt nhất để chống lại thời trang nhanh

IFF giới thiệu hệ thống Furmark nhằm giải thích sự minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm thời trang lông thú. Ảnh: IFF

Thời trang lông thú (fur fashion) là một phần luôn gây tranh cãi trong ngành công nghiệp thời trang. Trong lịch sử ăn mặc, lông thú từng là thứ nguyên liệu cần thiết để chống lạnh cho người cổ đại. Rồi nó trở thành một biểu tượng của cuộc sống giàu sang. Và bây giờ bị lên án là phi nhân tính và hung ác.

Tuy vậy, thời trang lông thú vẫn được một bộ phận khách hàng yêu thích vì khả năng giữ ấm tuyệt diệu và vẻ bề ngoài sang trọng. Khái niệm thân thiện với môi trường của sản phẩm cũng là một yếu tố được bàn cãi.

Trước những sự băn khoăn về việc sử dụng lông thú trong thời trang, Liên đoàn Lông thú Quốc tế (International Fur Federation – IFF) đã ban hành tiêu chuẩn Furmark.

Liên đoàn Lông thú Quốc tế (IFF) là gì?

IFF là tổ chức kiểm soát ngành công nghiệp lông thú toàn cầu. Liên đoàn có chi nhánh ở hơn 40 quốc gia, kết nạp 56 hiệp hội thành viên, trải dài từ cả nhóm thợ săn, trang trại đến các nhà thiết kế và bán lẻ.

Còn Furmark là hệ thống tiêu chuẩn hóa xuất xứ lông thú mà IFF thiết lập nhằm tăng cường tính minh bạch của sản phẩm thời trang lông thú. IFF đã tham khảo ý kiến từ các tập đoàn LVMH và Kering, theo WWD (dù Kering vừa tuyên bố sẽ ngừng sử dụng lông thú từ năm 2022 trở đi, khiến cho ).

IFF giải thích, Furmark giúp đưa ra chứng nhận đảm bảo nguồn gốc sản phẩm. Những thiết kế đạt chỉ tiêu Furmark không sử dụng lông thú từ thú vật bị ngược đãi, trang trại thu hoạch lông không gây ô nhiễm môi trường. Các thông tin từ nguồn thu hoạch lông, xử lý và chế tác lông thủ được thu thập vào hệ thống cung ứng ChainPoint, để có thể được truy cứu ở bất kỳ thời điểm nào.

Để được trao chứng nhân Furmark, sản phẩm thời trang lông thú phải chấp nhận các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất.

Quá trình cấp phép sản phẩm thời trang lông thú theo chỉ tiêu Furmark

Quét mã code để có thể đọc thông tin về sản phẩm thời trang lông thú được cấp chứng chỉ Furmark

Mỗi sản phẩm thời trang lông thú đạt chuẩn Furmark được gắn liền với mã code QR. Khi quét mã code này, khách hàng và những bên thứ ba quan tâm đến xuất xứ sản phẩm có thể tìm hiểu những thông tin như: quốc gia xuất xứ, nhà sản xuất, tổ chức kiểm nghiệm sức khỏe động vật chăn nuôi lấy lông, v.v.

Để có thể được cấp nhãn Furmark, lông thú phải vượt qua một loạt chứng chỉ khoa học trước khi được đưa vào thiết kế thời trang.

Đầu tiên, để được tham gia vào hệ thống Furmark, các đơn vị cung cấp lông thú phải được bảo chứng bởi một hiệp hội kiểm định tính an toàn môi trường và sức khỏe thú vật ở trang trại. Bên cạnh đó, khu vực Bắc Mỹ cho phép săn bắn thú vật hoang dã lấy lông (ví dụ như chó sói đồng cỏ – coyote) sẽ có chỉ tiêu riêng.

Sau khi được thu hoạch, lông thú sẽ được đưa đến các đơn vị xử lý đạt chứng chỉ SafeFur – không để hóa chất độc hại thấm vào môi trường, không dùng màu nhuộm nguy hiểm cho người dùng, v.v.

Cuối cùng, sản phẩm Furmark sẽ được đưa đến các đơn vị thiết kế thời trang lông thú đáng tin cậy, để bảo vệ thương hiệu trước tình cảnh hàng nhái, hàng dỏm.

Ngành thời trang lông thú đang giãy chết, vì sao IFF lại đề ra hệ thống kiểm định Furmark?

Thời trang lông thú trong BST Fendi Xuân Hè 2022. Ảnh: ImaxTree

Rất nhiều thương hiệu lớn như Stella McCartney, Gucci, Jimmy Choo, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Maison Margiela, Versace… đã quyết định ngừng việc sử dụng lông thú trong chế tác thời trang. Donatella Versace từng nói năm 2017, “Tôi không muốn giết thú vật để thiết kế thời trang. Điều này không cảm giác đúng đắn”.

Các thương hiệu đặc biệt quan tâm đến quyền thú vật. Hình ảnh những con vật bị ngược đãi trong trang trại, cũng như cách lấy lông tàn nhẫn được những hiệp hội bảo vệ quyền thú vật chia sẻ trên mạng, làm dấy lên phong trào ngừng sử dụng lông thú trong thời trang.

Tuy vậy, thời trang lông thú vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Việc sử dụng những mảng lông thỏ, cáo hay chồn (mink) để viền mũ, bao tay, đồ bịt tai… là một trong những phân nhánh đang phát triển nhanh. Trung Quốc là quốc gia có lượng trang trại lấy lông thú lớn nhất thế giới. Cả châu Âu và Bắc Mỹ đều xuất khẩu lông thú – Mỹ xuất khẩu lông chồn thu hoạch từ 3,1 triệu con chồn năm 2017, Canada là 1,8 triệu, châu Âu là 37,8 triệu.

Sự thiếu minh bạch trong ngành sản xuất thời trang lông thú là lý do để IFF thành lập Furmark, theo tổng giám đốc điều hành IFF, ông Mark Oaten. “Chúng tôi có thể thấy rằng đa phần người tiêu dùng, các nhà cầm quyền và thậm chí ngành thời trang không hiểu rõ về ngành chế tác đồ lông”.

IFF cũng nhấn mạnh rằng thời trang lông thú thật là một giải pháp thân thiện hơn với môi trường khi so với lông thú giả. Đa phần các lựa chọn giả lông hiện tại đều là sản phẩm gốc dầu mỏ (polyester), không có khả năng phân hủy thiên nhiên. Trong khi đó, thời trang lông thú thật có khả năng phân hủy và là lựa chọn vừa ấm, vừa tốt hơn cho môi trường, họ nói.

“Việc có thể minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm thời trang lông thú thật chính là cách tốt nhất để đối đầu với thời trang nhanh”, ông Mark Oaten nói

LỊCH SỬ THỜI TRANG: LÝ DO THỰC SỰ VÌ SAO XUẤT HIỆN LÔNG THÚ GIẢ
THỜI TRANG LÔNG THÚ GIẢ CÓ THỰC SỰ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG?
CÓ NÊN TIẾP TỤC SỬ DỤNG LÔNG THÚ TRONG THỜI TRANG?

Trích Prestige, JustStyle
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm