Sự kiện khu phức hợp công xưởng may mặc 8 tầng Rana Plaza tại Bangladesh bị sập, gây ra cái chết cho 1134 người với hơn 2500 người khác bị thương vào đầu năm 2013 được xem là sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử ngành thời trang. Sự kiện này đã vạch trần điều kiện làm việc thấp kém, đầy bất công mà những công nhân may mặc tại các quốc gia đang phát triển đã chịu đựng.
Chính vì lý do này, Carry Somers và Orsola De Castro đã thành lập tổ chức Fashion Revolution (Cách mạng Thời trang). Thông qua Tuần lễ Cách mạng Thời trang hàng năm (Fashion Revolution Week), Fashion Revolution có sứ mệnh nâng cao ý thức cho nhân công ngành thời trang cũng như người tiêu dùng. Đồng thời giúp mọi người có cái nhìn toàn diện về thời trang bền vững.
Năm 2022, cùng với hơn 30 quốc gia trên thế giới hưởng ứng Fashion Revolution Week, Fashion Revolution Vietnam đã kết hợp cùng với Empower Women Asia – dự án phi lợi nhuận trực thuộc tổ chức KIBV – Keep It Beautiful Vietnam tổ chức chương trình workshop “Thời trang bền vững với nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng”.
Workshop Thời trang bền vững với nhà thiết kế, nghệ nhân và nhà cung ứng
Workshop có sự góp mặt của ba diễn giả là:
- Chị Sầm Thị Tình: Hiện là nghệ nhân đang làm việc tại HTX Hoa Tiến Brocade, có vai trò lưu giữ nghề dệt truyền thống
- Chị Ngọc Anh: Nhà thiết kế thời trang thương hiệu La Pham
- Chị Liễu Vũ: Công ty Ecosoi cung cấp sợi thô từ lá dứa và thân cây chuối.
Họ chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của mình về chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp thời trang; và những tiềm năng về nguồn vải bền vững từ các làng nghề dệt truyền thống.
Khách mời tự tay trải nghiệm nhuộm vải bền vững tại workshop Empower Woman Asia
Tại sự kiện, người tham dự cũng được xem và tham gia trực tiếp vào một số quy trình tạo ra sản phẩm vải dệt bền vững. Từ sợi thô cho tới công đoạn dệt bằng tay, nhuộm tự nhiên cùng các sản phẩm được tạo ra từ các chất liệu này, khách mời có thể tự tay trải nghiệm tại workshop Empower Woman Asia.
Cuối cùng, người xem được chiêm ngưỡng các thiết kế ứng dụng vải dệt bền vững trong bộ sưu tập mini từ NTK Ngọc Anh của thương hiệu thời trang La Phạm.
Thông qua sự kiện lần này, khách tham gia có được cái nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về làng nghề dệt truyền thống và khái niệm về thời trang bền vững. Đây cũng là cơ hội để vải thổ cẩm được giới thiệu đến công chúng. Bởi những ứng dụng mới mẻ không chỉ nằm ở việc may váy áo của người dân tộc.
Các khẩu hiệu “Ai may cho ta mặc “; “Tôi đã làm được” được nhấn mạnh để người tham gia hiểu và ý thức hơn về quá trình làm ra sản phẩm thời trang cũng như những giá trị cốt lõi từ môi trường, văn hóa tới nhân văn mà một sản phẩm thời trang có thể mang lại.
Mong muốn thay đổi thói quen mua sắm thời trang bền vững
Ngoài ra, khán giả cũng chuyển nhận thức thành hành động; tham gia mua, hỗ trợ quảng bá về chương trình gây quỹ và các sản phẩm của dự án Empower Women Asia.
Từ những hoạt động bổ ích và thiết thực đó, người tham dự được tiếp thêm đam mê, hứng thú để tìm hiểu thêm về nghề dệt truyền thống và thời trang bền vững. Sản phẩm vải dệt vì thế sẽ có thêm hy vọng vượt ra khỏi những khuôn khổ để phát triển mạnh mẽ; đóng góp vào xu hướng thời trang bền vững của Việt Nam và thế giới.
Chị Ngọc Anh – NTK của La Phạm đã có những chia sẻ sau sự kiện:
“Mình đang mang theo rất nhiều cảm xúc khi có mặt tại buổi workshop ngày hôm nay. Vừa là vinh dự khi được gặp mặt và học hỏi cùng những người trong ngành thời trang trong các vị trí khác nhau; vừa là sự phấn khích vì được cùng đóng góp vào sứ mệnh cải tiến ngành thời trang trở nên nhân văn hơn; xây dựng một cộng đồng tử tế quan tâm đến từng cá nhân; tạo ra những giá trị đích thực cho người lao động, cho môi trường và cho cả những người tiêu dùng trong nền công nghiệp thời trang liên tục biến đổi như hiện tại.”
EMPOWER WOMEN ASIA ỦNG HỘ THỔ CẨM VIỆT CÙNG NTK NGỌC ANH CỦA THƯƠNG HIỆU LA PHẠM
HƯƠNG LY CÙNG EMPOWER WOMEN ASIA TRAO QUỸ CHO CHỊ EM LÀNG DỆT MAI CHÂU
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam