Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam 2023 công bố những thiết kế đầu tiên

Với chủ đề "Cảm hứng tương lai", các bài dự thi National Costume đầu tiên trong Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc - Miss Cosmo Vietnam 2023 ngay lập tức thu hút và nhận được sự ủng hộ từ phía khán giả và giới hâm mộ sắc đẹp

Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 đã nhận được nhiều lượt đăng ký cũng như sự quan tâm từ các nhà thiết kế trẻ.

Các bài thi được đánh giá cao về chất lượng khi có sự đầu tư kỹ lưỡng từ tư duy thiết kế, nội dung truyền tải đến chất lượng hình ảnh. Không chỉ tạo nên điểm nhấn cho phần mở đầu của cuộc đua năm nay, các bài dự thi còn thể hiện mong muốn lan tỏa văn hóa dân tộc mạnh mẽ của người trẻ Việt thông qua thời trang.

Dù những bài thi đầu tiên mới chỉ là những bản phác thảo, nhưng các nhà thiết kế trẻ đã thể hiện sự sáng tạo và nguồn cảm hứng không giới hạn phù hợp với chủ đề, tạo nên những bộ trang phục dân tộc khác biệt, phù hợp với sự trở lại đầy mới mẻ của cuộc thi. Từ cảm hứng làng nghề truyền thống đến những nét đẹp văn hóa, lịch sử Nam Bộ, Tây Bắc đều được thể hiện sáng tạo qua góc nhìn của sự trẻ trung, hiện đại.

Những bài thi Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam tìm cảm hứng ở làng nghề truyền thống

Vựa Muối Việt của NTK Vũ Tuấn Hưng

Ý tưởng mẫu thiết kế Vựa Muối Việt của NTK trẻ Vũ Tuấn Hưng truyền tải vẻ đẹp của những ruộng muối lâu đời tại Việt Nam. Thiết kế kết hợp màu xanh và màu trắng. Màu xanh biển đại diện cho sự rộng lớn, sự mênh mông của biển cả. Trong khi màu trắng thể hiện sự tinh khiết của muối.

Ở dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam 2023, thiết kế Vựa Muối Việt không chỉ muốn tôn vinh vẻ đẹp của ruộng muối và nghề làm muối, mà còn muốn lan tỏa thông điệp về sự yêu nghề và yêu quê hương của người Việt Nam.

Nghề Chằm Nón của NTK Nguyễn Duy Lộc

Cũng lấy cảm hứng từ làng nghề truyền thống Việt Nam nhưng NTK Nguyễn Duy Lộc mang đến “làn gió mới” với Nghề Chằm Nón.

Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng thân thiết, người bạn thủy chung với người lao động dùng để che mưa, che nắng khi ra đồng, đi chợ, là chiếc quạt xua đi những giọt mồ hôi dưới nắng hè gay gắt, mà còn là vật làm duyên, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.

Nói về thiết kế của mình, Nguyễn Duy Lộc cho hay:

“Đến với dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 với bộ trang phục Nghề Chằm nón, em mong muốn đem đến hình ảnh người phụ nữ Việt đầy dịu dàng, e ấp nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ và kiên cường. Đồng thời qua đó muốn giới thiệu, gìn giữ, lưu giữ, phát huy và quảng bá làng Nghề Chằm nón nổi tiếng một thời đến bạn bè quốc tế”.

Sấm Đọi Tam của NTK Nguyễn Chí Tường

Thiết kế của Nguyễn Chí Tường lấy ý tưởng từ làng nghề trống Đọi Tam ở tỉnh Hà Nam, đến nay đã hơn 1000 năm tuổi, được giữ gìn và trường tồn qua nhiều thế hệ. Tên gọi “Sấm” của trống Đọi Tam vì tiếng của nó vang to như sấm, âm thanh vang rền, hùng tráng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Bà Đồ của NTK Mai Tấn Đạt

NTK Mai Tấn Đạt lại gửi niềm tin vào hình ảnh văn hóa những ông đồ, bà đồ viết thư pháp mỗi khi xuân về. Chia sẻ về bài thi, chủ nhân thiết kế Bà Đồ cho biết:

“Bộ trang phục được lấy ý tưởng từ văn hóa viết thư pháp của Việt Nam vào ngày Tết, một trong những nét văn hóa độc đáo của nước ta nhưng đã và đang bị quên lãng. Bộ trang phục muốn truyền tải đến thế hệ trẻ ngày nay về việc giữ gìn và phát huy các truyền thống, nét văn hóa của dân tộc ta, đừng để các nét đặc trưng văn hóa ngày phai mờ”.

Những bài thi Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam mang nét đẹp vùng miền

Khúc Phồn Hoa của NTK Nguyễn Hoàng Minh Tiến

Khúc Phồn Hoa của NTK Nguyễn Hoàng Minh Tiến là một trong những bài thi đầu tiên được công bố trong dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam 2023.

Trang phục lấy cảm hứng từ tòa nhà Landmark 81, một biểu tượng kiến trúc mới của Sài Gòn, giao thoa với hình tượng bó tre truyền thống vươn cao sừng sững trước gió.

Nhà thiết kế trẻ muốn truyền tải ý niệm rằng tòa nhà Landmark 81 kiêu hãnh bên bờ sông Sài Gòn như biểu tượng cho sự đoàn kết và phát triển hướng tới tương lai. Nó ghi dấu ấn của một thời kỳ hưng thịnh và phồn vinh, cùng khát vọng chinh phục đỉnh cao của người Việt Nam.

Múa Điệu Xòe Hoa và Xôi Ngũ Sắc của NTK Nguyễn Anh Tuấn

Múa Điệu Xòe Hoa được NTK Nguyễn Anh Tuấn triển khai từ tình yêu dành cho điệu múa xòe – biểu tượng tình yêu của người dân tộc Thái. Hai điệu múa xoè và múa sạp của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới phi vật thể. Để truyền tải vẻ đẹp của dân tộc Thái, nhà thiết kế trẻ chọn điểm nhấn là chiếc khăn Piêu.

Bên cạnh đó, NTK Nguyễn Anh Tuấn cũng mang đến một thiết kế khác lấy cảm hứng từ một đặc trưng của vùng quê Tây Bắc – Xôi Ngũ Sắc. Xôi ngũ sắc được gọi như vậy vì nó có 5 màu cơ bản bao gồm trắng, tím, xanh, vàng và đỏ. Người dân Tây Bắc thường chế biến món xôi này vào những dịp đặc biệt trong năm như lễ Tết, đám cưới hay đám giỗ với ý nghĩa thể hiện “ngũ hành” còn thể hiện khát vọng yêu thương.

Những bài thi Quảng bá Văn hóa Dân tộc của Miss Cosmo Vietnam tìm ý tưởng ở lịch sử Việt

Long Toái của NTK Lê Tuấn Khang

Truyền tải văn hóa lịch sử ý nghĩa, Lê Tuấn Khang đã nghiên cứu và cho ra đời bài dự thi Long Toái với niềm tự hào là “Con rồng cháu tiên” và “Nghìn năm văn hiến”.

Bộ trang phục Long Toái hàm nghĩa rằng dẫu cho tương lai đất nước phát triển đến đâu, những giá trị truyền thống của dân tộc chúng ta luôn được giữ gìn.

Long Toái là biểu tượng được lấy cảm hứng từ hình ảnh con rồng Việt Nam, tượng trưng cho sức mạnh và lòng kiêu hãnh. Nó kết hợp với chiếc áo dài và nón quai thao, tạo nên một hình ảnh đậm chất Việt Nam.

Loan Phượng của NTK Tuấn Nguyễn 5AM

Cùng sử dụng chi tiết quai thao, rồng phượng nhưng NTK Tuấn Nguyễn 5AM lại mang đến bài dự thi Loan Phượng một màu sắc riêng biệt.

Bộ trang phục được khơi nguồn cảm hứng từ cổng cưới Rồng – Phượng được đan kết từ lá dừa và các loại hoa trái. Đây là một trong những loại cổng cưới phổ biến nhất ở Việt Nam.

Điểm nhấn của bộ trang phục cũng là hình ảnh tượng Rồng – Phượng, là hai con vật linh thiêng trong văn hóa Á Đông, và cũng là hình ảnh đại diện chính của cổng cưới độc đáo và đầy tính nghệ thuật này tại Việt Nam.

Dũng Mãnh Thuỷ Long của NTK Nguyễn Trần Tiểu Long

Sử dụng chi tiết con rồng nhưng NTK trẻ Nguyễn Trần Tiểu Long đem đến hình ảnh hoàn toàn mới. Dũng Mãnh Thuỷ Long mang hình ảnh người phụ nữ với nét đẹp của tương lai mang trên mình chiếc áo dài được biến tấu một cách hiện đại. Kết hợp với hình ảnh con rồng thời Nguyễn quấn quanh người mặc giúp tô điểm thêm sự quyền lực và tinh thần nữ quyền của người phụ nữ.

Đôi nét về dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ – Miss Cosmo Vietnam 2023

Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam đã tổ chức cuộc thi Tuyển chọn Thiết kế Trang phục Dân tộc suốt 5 mùa giải liên tục, thu hút hàng nghìn nhà thiết kế tham gia tranh tài. Đến nay, đã có 7 bộ trang phục dân tộc chiến thắng tham gia cùng đại diện nhan sắc Việt chinh chiến trên các đấu trường sắc đẹp cùng các đại diện Việt Nam, để lại tiếng vang lớn với khán giả trong nước và quốc tế.

Năm 2022, cuộc thi lần đầu tiên được nâng cấp thành chương trình thời trang “Trang phục dân tộc” – một trong những hoạt động đồng hành đặc biệt, nổi bật nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022.

Cùng với sự trở lại của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023, cuộc thi được cải tiến với format và tên gọi hoàn toàn mới là dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc.

THỂ LỆ THAM DỰ DỰ ÁN QUẢNG BÁ VĂN HÓA DÂN TỘC

Cuộc thi diễn ra từ ngày hôm nay đến hết ngày 13/09/2023, gồm 3 vòng thi:

Vòng 1 – Lên ý tưởng:

• Nhà thiết kế lên ý tưởng và gửi bản scan bài dự thi về cho BTC.
• BTC tổ chức sơ duyệt và đăng bài thi hợp lệ.
• Mở cổng bình chọn Top các bài dự thi xuất sắc nhất vào vòng kế tiếp.

Vòng 2 – Thuyết trình ý tưởng:

• Nhà thiết kế trình bày ý tưởng trước hội đồng Ban giám khảo.
• Ban giám khảo chọn 40 bài xuất sắc nhất vào vòng 3.

Vòng 3 – Thực hiện ý tưởng:

• Nhà thiết kế thực hiện trang phục dưới sự hướng dẫn của BTC và mentor cuộc thi.
• Chi phí hỗ trợ cho mỗi Nhà thiết kế: 5.000.000 VNĐ/bộ.
• Thí sinh hoa hậu nhận đề tài, phối hợp cùng Nhà thiết kế triển khai dự án quảng bá.
• Đêm trình diễn Top 40 trang phục dân tộc – Công bố trang phục chiến thắng.

Những yêu cầu về thiết kế: 

• Nhà thiết kế được tự do sáng tạo và lấy ý tưởng từ những giá trị thuộc về văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam, đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

• Bài dự thi được vẽ tay trên giấy A4 hoặc vẽ đồ hoạ trên máy tính, theo chiều dọc của tờ giấy.

• Bản thiết kế phải thể hiện mặt trước và mặt sau của bộ trang phục, cũng như hiệu ứng biến hoá (nếu có).

• Mẫu thiết kế được đặt tên và có phần giới thiệu ngắn gọn về ý tưởng.

• Nhà thiết kế gửi bài dự thi về mail: nationalcostume.cosmo@unimediasg.vn, bao gồm: Họ và tên Nhà thiết kế, Số điện thoại liên lạc, Bản SCAN mẫu thiết kế, Tên và ý nghĩa của tác phẩm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm