Đồng Euro mất giá, đi mua sắm ở châu Âu thôi!

Có rất nhiều lợi thế để đi du lịch châu Âu trong mùa hè này

Ảnh: Instagram @ng.a

Tình hình có vẻ không mấy khả quan cho Khối liên minh châu Âu. Trong thời gian vừa qua, châu Âu đối mặt với tình hình lạm phát cao, sự bất ổn năng lượng, và khả năng rơi vào tinh hình suy thoái kinh tế trong năm tới. Và tuần này, có một nguy cơ khác cho các công ty có trụ sở tại châu Âu: Đồng Euro mất giá.

Từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra cuối tháng 02/2022, các chính phủ châu Âu cuống quít tìm ra nguồn cung cấp năng lượng không phụ thuộc vào Nga, giải quyết tình hình nghẽn mạch chuỗi cung ứng, và giải quyết vấn đề lạm phát do chi phí tăng khi nhập cẩu các nhu yếu phẩm vào khối châu Âu. Vì tất cả những lý do trên, đồng Euro đã giảm khoảng 6% khi so với đồng đô-la Mỹ từ dịp đầu năm đến nay.

“Tất cả những nỗi sợ này đều là nguyên nhân gây áp lực đến đồng Euro”, theo Valentin Marinov, một chiến lược gia về tiền tệ tại ngân hàng Pháp Crédit Agricole.

>>> XEM THÊM:  WATCHES & WONDERS 2022: NGÀNH ĐỒNG HỒ CAO CẤP LO ÂU VÌ CHIẾN SỰ NGA – UKRAINE

Đồng Euro mất giá luôn giúp tăng trưởng sức hấp dẫn của những chuyến mua sắm tại châu Âu

Tuy nhiên, đồng Euro mất giá lại là một lợi thế cho những ai đến đây đi du lịch, mua sắm mùa hè này.

Từ khi đồng Euro khai sinh năm 1999 đến bây giờ, mỗi khi đồng tiền này mất giá thì khách du lịch lại túa đến châu Âu mua sắm.

Đầu tiên, khách du lịch mua sắm tại châu Âu được hoàn thuế VAT tại sân bay. Có thể xem việc hoàn thuế như một cách giảm giá trực tiếp cho những mặt hàng ít sale-off. Thứ nhì, cho dù đồng Euro mất giá, các sản phẩm một khi lên kệ sẽ được giữ nguyên giá bán niêm yết. Với sự quy đổi đồng tiền, giá trị sản phẩm thực tế đã được giảm phần nào.

Tình trạng tương tự từng xảy ra năm 2015. Lúc ấy, các thương hiệu xa xỉ trụ sở châu Âu từng có một năm doanh số kỷ lục vì đồng Euro mất giá trầm trọng. Những chuyến du lịch bỗng nhiên ít đắt đỏ và cơ hội mua sắm sản phẩm hàng hiệu ở mức giá thấp đã hấp dẫn rất nhiều du khách đến châu Âu năm ấy. “Bỗng nhiên một chiếc đồng hồ xa xỉ không tạo cảm giác quá đắt đỏ nữa”, trích lời đại diện tập đoàn LVMH trong một bài phát biểu cùng Reuters năm 2015.

Lương Thùy Linh tại tuần lễ thời trang Paris

Một lợi thế của việc đi du lịch châu Âu năm 2022 là Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại. Lượng khách du lịch tuy đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn đến 58% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch, theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc tế (UNWTO). Do đó, phố xá chưa đông đúc bằng, khách sạn chưa kín chỗ, và khả năng mua được sản phẩm hiếm tại các cửa hàng xa xỉ cũng cao hơn.

Bạn còn chần chờ gì nữa mà không đặt vé đi du lịch ngay?

>>> XEM THÊM: MẶC GÌ KHI ĐI PARIS CHƠI MÙA HÈ? HƯƠNG GIANG GỢI Ý STREET STYLE CHO BẠN

Trích dẫn Bain, NY Times
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm