Nhà mốt Pháp Hermès vừa thông báo kết quả kinh doanh Q4/2020. Giống với tập đoàn LVMH, tình hình kinh doanh của Hermès vô cùng khả quan. Doanh số tốt hơn dự kiến của nhiều nhà phân tích tài chính. Lý do chính vì các khách hàng xa xỉ tập trung đầu tư cho những thương hiệu lâu đời, như Hermès, Louis Vuitton và Dior, trong thời gian vừa qua.
Sức mạnh của các thương hiệu có tuổi đời cả thế kỷ
Theo báo cáo tài chính, tổng doanh thu của Hermès chỉ giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước (2019).
Trong khi đó, tập đoàn Kering (sở hữu Gucci, Saint Laurent) giảm sút đến 16%. Còn tập đoàn Capri Holdings (sở hữu Versace, Michael Kors, Jimmy Choo) giảm 17,1%. Lý do vì tập đoàn Kering và Capri Holdings sở hữu các thương hiệu còn quá non trẻ, mới có tuổi đời vài chục năm, thường được đánh đồng với hình ảnh trendy, bắt xu hướng nhanh, thay vì được cho là tạo nên những sản phẩm có sức trường tồn theo năm tháng.
Ví dụ như Gucci. Nhà mốt Ý này chiếm 60% tổng doanh số và 80% tổng lợi nhuận tại tập đoàn Kering. Đồng thời là thương hiệu có sức tăng trưởng mạnh nhất từ 2015 đến bây giờ. Nhưng, doanh số Gucci lại sụt giảm mạnh khi so với Louis Vuitton, Dior và Hermès trong năm 2020.
“Gucci đặc biệt được ưa chuộng khi các sự kiện thảm đỏ diễn ra nhiều. Vì người ta mong muốn có một món phụ kiện độc bản giúp họ nổi bật”, trích lời chuyên gia phân tích ngành hàng xa xỉ phẩm Michele Ateyeh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch hoành hành, khách hàng lại có “nhu cầu tìm về các món đồ mang giá trị đầu tư cao, chỉ có tăng giá chứ chẳng thuyên giảm sau khi mua”.
Chính vì vậy, những sản phẩm mang tính chất cổ điển vượt thời gian – điển hình là đồng hồ Rolex và Patek Philippe, túi xách Hermès và Louis Vuitton – được chào đón nhiệt liệt hơn so với các sản phẩm mang tính chất trendy trong giai đoạn 2020.
Khách hàng mua túi Hermès nào trong đại dịch?
Theo nhiều nhà phân tích kinh doanh và tài chính, thương hiệu 184 năm tuổi “được nhờ” khá nhiều vì đại dịch. Mất đi cơ hội đi du lịch hạng sang và ăn uống tại các nhà hàng Michelin, khách hàng “sộp” không còn quá nhiều nơi khác để chi tiêu – ngoại trừ mua sắm vật phẩm xa xỉ.
Ngôi sao sáng giá nhất của Hermès luôn là các dòng túi cổ điển Birkin và Kelly. Thấp nhất thì khoảng 8.000 đô-la Mỹ. Cao nhất thì cả trăm ngàn đô. Chúng giúp Hermès đạt tổng doanh thu 2,54 tỷ đô-la Mỹ trong ba tháng cuối năm.
Trong đại dịch, Hermès cũng nhận chủ yếu những đơn đặt hàng mua túi xách cho các màu sắc cổ điển. Theo cô Judy Taylor, chủ cửa hàng Madison Avenue Couture chuyên kinh doanh túi xách Hermès, “đa phần các mã màu được bán ra trong thời gian cuối năm 2020 đều là gam xám, đen, vàng, trắng và caramel”. Chủ cửa hàng cũng cho biết, dòng túi Hermès Birkin và Kelly có doanh số tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
>>> Xem thêm: 6 ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT VỀ DÒNG TÚI KELLY CỦA HERMÈS
Sự trung thành của khách hàng Hermès
Trong báo cáo kinh doanh, Hermès cũng nhấn mạnh rằng, doanh số tốt đến từ hai yếu tố. Một là do châu Á – Thái Bình Dương khởi sắc. Như mọi thương hiệu khác, tình hình kinh doanh của Hermès tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Úc đặc biệt tốt. Doanh số dịp cuối năm 2020 tăng 14%.
Tuy nhiên, một lý do khác giúp Hermès vững gót chân là vì lượng khách hàng trung thành tại châu Âu.
Châu Âu, do là điểm du lịch được ưa thích, nên doanh số bán hàng tại khu vực này cũng phụ thuộc nhiều vào khách du lịch. Đặc biệt là nhóm khách đến từ Trung Quốc. Trong năm 2020, nhiều thương hiệu xa xỉ đối mặt với sự sụt giảm nặng nề tại châu Âu khi các biên giới đóng cửa, cấm khách du lịch đến thăm. Trong khi đó, Hermès lại có lượng fan trung thành tại châu Âu, nên sức mua túi xách của thương hiệu tại đây không bị thiệt hại tương tự.
Đáp trả lại lòng yêu thương của các khách hàng thân thiết, Hermès tuyên bố sẽ không tăng giá trong 2021. À, chỉ tăng 1% vì chi phí sản xuất tăng mà thôi!
>>> Xem thêm: XU HƯỚNG MUA SẮM BÙ: TÁI KHAI TRƯƠNG HẬU COVID-19, HERMÈS ĐẠT DOANH THU 2,7 TRIỆU ĐÔ
Trích NY Post, Bloomberg, MarketWatch
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam