Hội sách TP HCM 2016
Chủ đề của Hội sách năm nay là Sách – Văn hóa – Hội nhập và Phát triển, hội sách lần thứ 9 chính thức khai mạc tối 21/3 tại công viên Lê Văn Tám, quận 1. Đây là sự kiện văn hóa đọc tổ chức 2 năm/ lần lớn nhất trong năm của TP HCM nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng.
Lần trở lại này được xem là lớn nhất từ trước đến nay với 30.000 tên sách và 30 triệu tác phẩm được bày bán. Ban tổ chức kỳ vọng hội sách sẽ chào đón lượng khách kỷ lục từ 900.000 đến một triệu người trong vòng một tuần. Đặc biệt, sự kiện lần này cũng thu hút 36 nhà xuất bản nước ngoài tham gia. Trong đó, có sự góp mặt của nhân tố mới là các nhà xuất bản của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các thiết kế gian hàng cũng được đầu tư kỹ lượng, số đơn vị thuê trên 8 gian tăng nhiều so với Hội sách TP HCM 2014 và được dàn dựng, trưng bày bắt mắt. Nhiều gian hàng không chỉ bày bán sách mà còn tổ chức những hoạt động thú vị nhằm tạo không gian vui chơi cho các độc giả nhí như: cosplay (đóng vai) nhân vật fantasy, chọc bóng tìm quà, mua sách tặng sách, vẽ henna (vẽ nghệ thuật lên da) miễn phí, thi tô tượng, tranh cát, ghép hình…
Bạn sẽ bất ngờ trước quy mô và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ban tổ chức cho hội sách lần này. Góp phần thúc đẩy văn hóa đọc và tạo không gian giải trí lành mạnh cho nhiều đối tượng bạn đọc. Ban tổ chức đã kết nối mạng wifi miễn phí và tăng 20% diện tích bãi giữ xe nhằm khắc phục các vấn đề từ những lần tổ chức trước.
Ngoài việc đọc sách và tham gia các hoạt động thú vị tại đây bạn còn có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với các tác giả nổi tiếng qua các buổi tọa đàm, ký tặng sách diễn ra liên tục trong các ngày. Trong đó có thể kể đến Tọa đàm tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li diễn ra vào lúc 15h30 ngày 24-03-2016 với sự góp mặt của nhiều cây bút nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam như: họa sĩ – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trần Thanh Hà, Trần Nhã Thuy, Bùi Anh Tấn, đạo diễn Ngô Quang Hải cùng nhiều khách qúy tham gia.
Nhà văn Di Li là tác giả đương đại đầu tiên tiếp nối truyền thống của dòng văn học trinh thám với hai tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ (2009) và Câu lạc bộ số 7 (2016). Với thành công của Trại Hoa Đỏ, Di Li đã sớm định hình được phong cách và khẳng định vị trí của mình trong nền văn học trinh thám Việt Nam. Bằng ngôn từ cô đã thành công khi thách đố độc giả đi tìm lời giải và cuốn hút họ đi đến kết thúc đầy bất ngờ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ: “Việt Nam chúng ta không có tiểu thuyết trinh thám vì người Việt tư duy lý tính yếu, chúng ta duy tình nhiều hơn duy lý. Việc Di Li lựa chọn theo đuổi chủ đề này là một thách thức lớn”. Nhà thơ Hữu Việt cũng có cách nhìn rất riêng “Tiểu thuyết Câu lạc bộ số 7 có độ dày hơn 1000 trang đây là một sự cố gắng và cũng chứng tỏ sức viết mạnh mẽ của Di Li trong suốt nhiều năm qua. Bản thân tôi đã không thể rời mắt khỏi những trang sách mà cứ thế đọc một lúc vì tò mò muốn biết diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Đây thật sự là một thành công lớn của Di Li khi tạo ra một câu chuyện đầy lôi cuốn, thu hút và vô cùng bất ngờ. Di Li đã lồng ghép rất nhiều những tình tiết logic qua thời gian tìm hiểu và nghiên cứu nghiêm túc của cô. Qua đó, chạm đến những phần khuất lấp của xã hội”.