Cả thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch toàn cầu. Hai năm vừa qua đã phủ một tấm màn bóng tối đầy u buồn lên toàn cầu. Với nhiều người, đó là nỗi đau mất mát, khi người thân, gia đình hay bạn bè ra đi vì con virút COVID-19 quái ác. Với những người khác, giãn cách xã hội gây thất nghiệp hay thậm chí phá sản doanh nghiệp. Tưởng như không thể đứng dậy trước cơn đau này. Nhưng dù cuộc đời có nghiệt ngã đến cỡ nào, bạn vẫn có thể đi tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi mỗi ngày, để từ đấy một lần nữa vững vàng đứng dậy.
Kể câu chuyện của người đi tìm hạnh phúc trong nghịch cảnh
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về Helen Keller, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ.
Helen Keller là nguồn cảm hứng cho vở kịch The Miracle Worker. Được sinh ra khỏe mạnh, bình thường nhưng khi chưa tròn hai tuổi, căn bệnh viêm màng não đã biến cô bé bất hạnh này thành người mù và điếc. Cuộc sống tưởng chừng hoàn toàn khép lại và bóng tối sẽ ngự trị trong thế giới của Helen Keller.
Tuy nhiên, Helen Keller vẫn không ngừng phấn đấu để trở thành một người phụ nữ vui vẻ, mạnh mẽ. Bà là người mù, điếc đầu tiên nhận bằng cử nhân văn chương tại Mỹ. Trong suốt cuộc đời, bà tham gia nhiều hoạt động chính trị và từ thiện. Các cuốn sách thấm đẫm lòng lạc quan do bà viết ra đã khiến hàng triệu người xúc động và kinh ngạc.
Từ chính cuộc đời mình, Helen Keller đã đúc kết ra rằng: “Hãy hướng về phía ánh sáng và bạn sẽ không thể nhìn thấy bóng tối”.
Khoa học tâm lý của sự hạnh phúc
Tôi mạn phép dùng Helen Keller để nói về khoa học của sự hạnh phúc. Đây là một bộ môn khoa học được nghiên cứu cụ thể bởi các nhà tâm lý học. Sau đây là 3 sự thật về sự hạnh phúc các nhà nghiên cứu đã đúc kết được:
1. Bạn có thể kiểm soát khoảng 50% cảm giác hạnh phúc của bản thân
Theo nhà nghiên cứu Sonja Lyubomirsky, sự kiên định, cái nhìn lạc quan có thể giúp bạn đi tìm sự hạnh phúc, nhưng nó chỉ đóng góp khoảng 50% đến tổng chỉ số hạnh phúc của mỗi người. Phần còn lại đến từ yếu tố khác, ví dụ như gen di truyền, những sự kiện xảy ra trong đời bạn v.v.
Gen di truyền: Nói nôm na, một số đứa trẻ sinh ra đã dễ chịu, đứa khác lại hay khóc quấy.
Yếu tố ngoại cảnh: Những sự kiện lớn như cưới hỏi, tốt nghiệp hay thăng tiến đều ảnh hưởng nhất thời đến chỉ số hạnh phúc của chúng ta. Còn đại dịch toàn cầu tất nhiên là ảnh hưởng tiêu cực.
Như vậy, có lẽ một cách đơn giản để ngay lập tức giúp bạn tinh thần phấn chấn là hãy xuống phố, ăn một bữa thật ngon, ngủ một giấc thật đã để tràn trề sinh lực tiếp tục chiến đấu.
2. Cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời hạnh phúc dài lâu
Yếu tố ngoại cảnh (ở trên) chỉ có ảnh hưởng nhất thời đến sự hạnh phúc của chúng ta. Nói rằng chúng nhất thời vì qua năm tháng, sự mới mẻ của chúng dần phôi phai. Đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận hạnh phúc dưới một lăng kính khác: Cuộc sống ý nghĩa.
Theo nhà nghiên cứu Roy Baumeister, một cuộc sống có ý nghĩa sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài hơn. Ví dụ, có nhiều tiền có thể khiến bạn hạnh phúc vì dễ dàng phóng tay mua sắm, đi du lịch, ăn ngon mặc đẹp. Nhưng chưa chắc nhiều tiền của sẽ khiến bạn hạnh phúc về lâu dài, nếu không yêu thích công việc, hục hặc với gia đình, thiếu vắng bạn thân, v.v.
Vì vậy, để đi tìm hạnh phúc lâu dài, bạn cần xây dựng những nền tảng ý nghĩa trong cuộc đời.
3. Mối quan hệ tích cực khiến chúng ta hạnh phúc hơn
Theo nhà tâm thần học Robert Waldinger từ đại học Harvard, đã nghiên cứu sự hạnh phúc của những gia đình, kéo dài 75 năm. Ông kết luận rằng mối quan hệ tích cực giúp bạn sống hạnh phúc hơn. Những người cô đơn thường buồn bã nhất và có sức khỏe kém. Những người có mối quan hệ rộng rãi nhưng nông cạn, không có bạn bè thực sự thân thiết, hay bị ngược đãi trong tình cảm, cũng không hạnh phúc.
Như vậy, nhìn lại cuộc đời của Helen Keller, bà đã đi tìm được sự hạnh phúc đích thực cho mình qua các công tác xã hội thiện nguyện, tìm được những người bạn chung chí hướng, kết nối lâu dài và bền chặt.
5 cách đi tìm hạnh phúc mỗi ngày
Khi rơi vào nghịch cảnh, người ta thường than tiếc quá khứ hay cảm thấy tuyệt vọng về tương lai. Những suy nghĩ tiêu cực như: “Mình sẽ không thể cứu vãn được tình huống này” choáng ngợp hết tâm trí và kéo tinh thần chúng ta xuống dốc. Dẫu vậy, nếu biết cách tạm gác những ưu phiền, tận hưởng hiện tại và tin tưởng vào tương lai, bạn sẽ thấy niềm hạnh phúc kỳ diệu đến với mình.
Bí quyết để vui sống lạc quan như Helen Keller là tìm đến những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Các nhà tâm lý học cũng đồng tình. Họ đề nghị bạn thử những phương pháp sau để luôn cảm thấy phấn chấn mỗi ngày:
1. Dành thời gian làm ít nhất một điều bạn yêu thích mỗi ngày
Đó có thể là đọc vài chương trong cuốn sách, nấu một món ngon hay đơn giản là làm đẹp cho bản thân. Quẳng gánh lo đi và vui sống nhé!
2. Nói những lời mang ý nghĩa tích cực
Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng ngôn ngữ tích cực là cách nhắc nhở và khích lệ bản thân suy nghĩ theo chiều hướng lạc quan. Vì thế khi bắt đầu một ngày mới, bạn hãy tự nhắc: “Tôi sẽ làm ngày hôm nay thật hạnh phúc”.
3. Tham gia các hoạt động xã hội
Nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn cho đi, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn. Gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh cũng sẽ khiến bạn nhận ra cuộc sống của mình đủ đầy như thế nào, từ đó cảm thấy biết ơn mỗi ngày.
4. Nói to hai từ cảm ơn
Trước khi đi ngủ hay buổi sáng thức dậy, hãy nhìn lại và bày tỏ sự biết ơn với những điều tốt đã xảy ra với mình, những người bạn đã gặp. Bạn sẽ thấy lòng tri ân ấm áp lan tỏa ra từ bên trong và có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
5. Thiền
Việc thiền định thực chất có thể cải tạo não bộ, đặc biệt là ở khu vực quản lý stress và tâm trạng. Những người thường xuyên thiền và giữ cái nhìn lạc quan có thể tìm thấy nhiều sự vui vẻ và hạnh phúc hơn dù đối mặt với bất kỳ trường hợp nào.
4 BÀI TẬP THIỀN GIẢM STRESS ĐƠN GIẢN BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ TẬP
THIỀN CHUÔNG ĐÁ CÓ THẬT SỰ GIÚP GIẢM ĐAU VÀ CHỮA LÀNH TÂM LINH?
BẠN ĐANG SỐNG LẠC QUAN HAY “ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH”?
Trích dẫn Psychology Today
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam