Tràm Chim Tam Nông: Ngôi nhà của 1/4 loài chim quý hiếm có mặt tại Việt Nam

Hè là mùa chim về Tam Nông làm tổ và kiếm ăn. Khu tràm chim thuộc tỉnh Đồng Tháp này là ngôi nhà của 1/4 loài chim hiện diện tại Việt Nam, trong đó có nhiều loài chim quý

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-1

Chim cồng cộc đang phơi cánh ở Tràm chim Tam Nông. Loài chim này bước đi được trên nước nhờ có đôi chân dài.

Cuối năm ngoái, tôi đọc một thông tin ấn tượng: Đàn sếu đầu đỏ hàng ngàn con, sau 30 năm gắn bó với Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông, không còn bay về kiếm ăn. Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm, nằm trong sách đỏ của thế giới. Chúng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Thông tin ấy lẩn quẩn mãi trong tâm trí, khiến tôi ấp ủ dự định khám phá Tràm Chim. 

Cuối cùng, vào một ngày đầu Hè, tôi đã có dịp ghé thăm Tràm Chim. 

Tam Nông mùa chim làm tổ

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-2

Một đàn cò trắng hàng trăm con trong hoàng hôn ở Tràm Chim

Tràm Chim Tam Nông có tên gọi chính thức là Vườn quốc gia Tràm Chim. Vườn nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Người dân quen gọi nơi này là Tràm Chim Tam Nông. Tràm Chim là nơi cư trú của hơn 198 loài chim nước. Ước tính, khoảng 1/4 số loài chim có ở Việt Nam đang trú ngụ tại đây.

Có hai dịp lý tưởng để bạn khám phá Tràm Chim. Đó là mùa nước nổi (tháng 8–11 âm lịch) hoặc mùa chim về làm tổ (tháng 2–5 âm lịch). Thời gian này, nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới bay về để trú ngụ, kiếm ăn như ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông.

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-3

Những cánh cò bay vút trên đầu khi bạn đi thuyền trên kênh

Nếu may mắn, bạn sẽ chứng kiến cảnh chim làm tổ hay gọi bầy trên những ngọn cây. Cảnh tượng bầy chim từ vài chục đến trăm con, đậu trắng trên những rặng tràm, là một trong những điều khiến tôi lưu luyến. 

Một ngày ở Tràm Chim Tam Nông

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-4

Thuyền đôi chạy với tốc độ chậm, để du khách vừa ăn uống, vừa tận hưởng cảnh sắc

Thời gian lý tưởng để bạn khám phá Tràm Chim là lúc bình minh, khoảng 6–7h sáng. Sau khi mua vé tại Khu du lịch Tràm Chim, đoàn chúng tôi bước lên một chiếc xuồng máy (tắc ráng). Vườn quốc gia Tràm Chim chia làm nhiều khu, được đánh dấu từ C1 đến C5. Trong đó, chim tập trung nhiều ở khu C1, C2 vì nơi này nhiều thức ăn. Một vòng lớn dạo Tràm Chim dành cho du khách dài khoảng 21km.

Ở thành phố không thể kiếm được bông súng ma tuyệt hảo này cho món bún mắm!

Nắng sớm len qua tán tràm. Con đường thủy độc đạo khám phá Tràm Chim phủ đầy hoa. Anh lái thuyền bảo chúng tôi đây là giờ hoa nở. Hoa sen trắng, hoa súng tưng bừng hai bên bờ. Có đoạn, cả một vạt trước mắt tôi chỉ toàn hoa súng tím. Người dân gọi đây là súng Ấn Độ, để phân biệt với súng ma, tức là súng trắng mọc hoang.

Hoa súng Ấn độ soi bóng trong nắng sớm đẹp tựa bức tranh của danh họa Claude Monet

Đi sâu vào Tràm Chim, đoàn chúng tôi còn bắt gặp những thảm hoa li ti, nở đầy một vạt nước. Chúng dập dềnh theo con sóng. Hỏi ra mới biết, đó là những loài hoa bản địa mang tên nhĩ cán vàng, nhĩ cán tím và hoàng đầu ấn.

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-5

Bình minh ở Tràm Chim: ta nhìn đất trời, một dòng nghiêng soi

Thuyền rẽ sóng. Vài con chim trích cồ lông xanh thẫm, đuôi vanh vảnh thoắt ẩn, thoắt hiện trong lùm cỏ năng. Như thể chúng đang chơi trốn tìm. Sâu trong Tràm Chim là nơi cư ngụ của những loài chim lớn hơn. Khi thuyền đang đi, nghe tiếng động cơ đến gần, bọn chim đang trên mặt nước bay vút lên ngọn cây. 

Một chú chim đang ăn thì giật mình cất cánh từ mặt nước

Chúng tôi tắt động cơ, hạn chế tiếng ồn hết mức có thể, để thuyền trôi lững lờ. Từ đây, Tràm Chim và hệ sinh thái đa dạng của vườn quốc gia này mới biểu lộ. Với các loài chim tự nhiên, du khách cần thời gian và kiên nhẫn.

BZ-tram-chim-Tam-Nong-hinh-anh-6

Một con cò cổ rắn đang phơi cánh trên mô đất

Có thể bạn sẽ nghĩ nhận định này của tôi là thừa thãi, vì tôi đang trong Tràm Chim cơ mà. Nhưng không! Chỉ khi hạn chế tiếng ồn, giảm thiểu sự xuất hiện của con người, các loài chim mới đến gần bạn hơn bao giờ hết. Cò trắng, cồng cộc, cò cổ rắn, điêng điểng, diệc lửa, cò ốc, le le, bói cá… bay lượn trước mắt. Có đoạn, trên những mô đất, đàn cồng cộc đứng từng nhóm phơi cánh.

Cò cổ rắn. Khi ở dưới nước, đầu cò nhô lên tựa như con rắn đang trườn

Cồng cộc và cò cổ rắn thường đi một mình khi lặn bắt cá. Sau mỗi cuộc lặn, chúng lại lên bờ, phơi cánh cho khô. Bạn sẽ bị ấn tượng trước cảnh cò phơi cánh. Chúng đậu trên mô đất hay cành cây cao, giương cánh ra như thể đang trình diễn thời trang.

Những chú bói cá xanh biếc hay đen trắng có thói quen khác. Chúng bay một mình, hay thành  từng nhóm hai, ba con. Đàn cò bợ, cò ma lại kéo cả bầy hàng chục, hàng trăm con khi chiều xuống. Cảnh chúng sải cánh giữa dòng nước nghiêng soi thật tuyệt đẹp.

Đài quan sát ở Tràm Chim

Khi đến đài vọng cảnh, xuồng dừng để chúng tôi leo lên tầng cao, ngắm nhìn toàn cảnh xanh bát ngát của Vườn quốc gia Tràm Chim. Thả hồn theo cơn gió nhẹ mơn man, cảm nhận thiên nhiên gần gũi, lòng tôi bình yên đến lạ.

Một ngày trôi qua trong chớp mắt. Khi rời tàu lên bờ, bạn sẽ ước mình có thêm thời gian để ngắm nhìn Tràm Chim cho thỏa thích.

THÔNG TIN CHO BẠN

• Vườn quốc gia Tràm Chim nằm ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Cách TP. HCM khoảng 3 tiếng đồng hồ lái xe.

• Website: www.tramchim.net.vn. Điện thoại: (0277) 3827 436

• Bạn mua vé tham quan Tràm Chim tại Khu du lịch Tràm Chim. Vé đi thuyền 800.000/chiếc. Để khám phá Tràm Chim kỹ càng hơn, bạn có thể thỏa thuận thời gian tham quan, đừng chỉ cưỡi ngựa xem hoa.

• Nếu muốn chụp ảnh chim ở cự ly gần, hãy mặc trang phục có màu xanh lá, và mang máy ảnh có ống kính tele trên 300mm.

>>> Xem thêm: VIET MEKONG FARMSTAY, DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP DU LỊCH XANH CHO MIỀN TÂY CỦA HỒ NGỌC TRÂM

Ảnh: Venus Trần. Text: Quỳnh Hương
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm