Khi Rihanna ra mắt bộ sưu tập đầu tay cho FENTY với tập đoàn LVMH, cô đánh mạnh vào những thiết kế từ chất liệu denim. Không chỉ đơn thuần là denim thông thường, mà là denim Nhật. Thông tin này được ghi chú rõ rệt trên cả sản phẩm lẫn website FENTY.
Không chỉ riêng FENTY by Rihanna, nhiều thương hiệu khác cũng đang tìm về vải denim Nhật. Giá phải chăng thì có Gap, Uniqlo. Cao cấp hơn thì 7 For All Mankind hay Rag & Bone. Chưa kể xuất hiện nhiều boutique đặc biệt chỉ chuyên cung cấp jeans Nhật đến từ các thương hiệu Nhật Bản.
Vậy thì vải denim Nhật là gì và vì sao cả thế giới đang phải lòng chúng?
Một lịch sử sản xuất vải denim ngắn ngủi nhưng đậm văn hóa thủ công
Vải denim, cũng như quần jeans, là một sản phẩm của văn hóa Mỹ. Nó tượng trưng cho tầng lớp lao động, chất phác và thật thà. Hình ảnh này được giới Hollywood ca tụng và thổi lên những bộ phim kinh điển. Thông qua sự hào nhoáng của Hollywood, vải denim trở nên được ưa chuộng tại Nhật Bản.
Lịch sử sản xuất vải denim tại Nhật không lâu. Nó mới bắt đầu từ khoảng thập niên 1960, 1970. Mô phỏng loại vải jeans của Mỹ, các công ty Nhật bắt đầu sản xuất nội địa. Như mọi loại chất liệu khác, vải jeans được sản xuất tại các trung tâm vải vóc tại Nhật: Thành phố Kojima và Ibara ở tỉnh Okayama, và Fukuyama ở tỉnh Hiroshima.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa vải denim Nhật và vải denim Mỹ nằm ở quy trình dệt vải. Trong khi Mỹ ưa chuộng cách dệt máy để làm nên số lượng hàng loạt ở mức giá rẻ (projectile loom); Nhật Bản tiếp tục sản xuất denim với quy trình nhuộm, dệt thủ công. Một số các kiểu dệt được ưa chuộng nhất bao gồm raw denim và denim selvedge.
Denim Selvedge
Kiểu dệt denim này được dệt từ những khung dệt kiểu cũ (shuttle loom); có cách dệt sợi chặt; phần cạnh của vải được quấn chặt, khi may lại không cần phải quấn biên phức tạp. Vải denim selvedge vì vậy không bị rã sợi và quăn góc như denim dệt hàng loạt.
Được biết, denim selvedge sẽ ngày càng khan hiếm. Lý do vì những khung cửi làm nên chất liệu này đã cũ và có thể bị hư hỏng với thời gian, trong khi nó lại khó được sửa chữa.
Một công ty tại Nhật chuyên denim selvedge là Japan Blue. Đại diện của công ty này cho biết:
“Denim kiểu vintage độc đáo và hiếm hoi vì không còn nhiều cỗ máy dệt được kiểu dệt này. Khi một chiếc máy bị hư hỏng, chúng tôi phải dùng phụ tùng của nhà sản xuất chiếc máy ấy để sửa chữa. Nhưng vì những khung dệt cũ này không còn được sản xuất bây giờ nữa, một khi chúng tôi hết phụ tùng để sửa máy thì coi như chiếc máy này phải bị xếp xó.”
Raw Denim
Các sản phẩm denim thường được giặt vài lần trước khi bán để làm mềm chất vải. Raw denim thì ngược lại, được bày bán ở nguyên trạng thái sau khi nhuộm. Vì vậy, raw denim sẽ phai màu (fade) tuỳ theo cách mặc của từng người, tạo thành những mảng màu độc nhất vô nhị. Ngoài ra, quần jeans làm từ raw denim cũng lâu bền hơn so với loại quần jeans rẻ tiền làm hàng loạt. Được biết, một chiếc quần raw denim có thể được mặc lên đến cả chục năm.
Nhật Bản cũng nổi tiếng vì quy trình nhuộm màu chàm (indigo) của mình. Một nghệ nhân Nhật, ông Tadashi Higeta thuộc gia đình Higeta đã 9 đời làm nghề nhuộm màu chàm, có thể cho ra đến 30 sắc thái khác nhau. Raw denim khi cộng với kỹ thuật nhuộm màu của Nhật khiến nhiều người mê denim phải đi săn lùng.
Nhật Bản không chỉ làm vải denim cổ truyền
Với tình hình denim selvedge ngày càng khan hiếm, nhiều công ty tại Nhật đang tìm đến những biện pháp cải tiến mới lạ. Họ hiểu rằng không thể trông chờ đến ngày những chiếc khung dệt cuối cùng bị hư hỏng.
Một ví dụ là công ty Kaihara, công ty hàng đầu Nhật Bản trong sản xuất denim. Đây là công ty được Uniqlo tín nhiệm để tạo nên nhiều loại vải denim mới. Trong số đó bao gồm Jerseys, với độ co dãn và mềm mại không khác gì chất liệu dệt kim; hay Miracle Air Jeans, nhẹ hơn 20% so với quần jeans thông thường; hoặc Uniqlo Ultra Stretch Jeans, một loại jegging mà bạn có thể thậm chí mặc đi tập thể dục.
Dịp lễ này, nếu đi du lịch Nhật Bản, bạn hãy thử lên các sản phẩm làm từ denim Nhật để biết vì sao cả thế giới mê mệt nó. Hãy tìm đến cửa hàng 45R tại Kyoto, nơi bày bán các loại jeans Nhật từ những thương hiệu nghệ nhân có truyền thống lâu đời.
>>> Xem thêm: 7 ĐIỀU CÁC TRIỆU PHÚ LUÔN LÀM KHI ĐI DU LỊCH KYOTO
Harper’s Bazaar Việt Nam