Chủ tịch thời trang của Chanel, ông Bruno Pavlovsky, cho biết tình hình kinh tế đang khó khăn “ở khắp mọi nơi, ở mọi quốc gia”. Những lời này không mới bởi chúng đã được nhắc đi nhắc lại trong các buổi họp báo cáo tài chính Quý 3/2023 của tập đoàn LVMH, Hermès, Kering và Burberry trong tháng qua.
Thoạt nhiên, có thể cho rằng tình hình kinh doanh của Chanel vẫn đang bình thường và ổn định. Trong năm 2023, hãng vẫn tổ chức hàng loạt những show diễn chu du thế giới, từ mùa Cruise 2024 ở Hollywood, Mỹ và Thâm Quyến, Trung Quốc cho đến Métiers d’Art ở Manchester, Anh Quốc. Tuy vậy, nội bộ Chanel đang chuẩn bị tinh thần cho sự suy thoái kinh tế được cho là sẽ tồi tệ hơn trong năm 2024.
“Ngành thời trang xa xỉ không hề tách biệt khỏi kinh tế chung”, ông Bruno Pavlovsky nói. “Tôi cho rằng tình hình sẽ khó khăn hơn trong năm 2024 so với những gì chúng ta đã thấy trong 2023”.
Cụ thể, ông cho biết rằng các khách hàng VIP của thương hiệu vẫn đang mở hầu bao đều đặn cho các sản phẩm mới. Tuy nhiên, tình hình lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, và tỉ lệ thất nghiệp kỷ lục trong giới trẻ ở Trung Quốc, đã dẫn đến sự sụt giảm lượt ghé thăm cửa hàng và mua hàng của những người mua lần đầu.
Không riêng gì Chanel, các nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Bain đã dự báo sự sụt giảm doanh thu đáng kể trong lĩnh vực hàng xa xỉ trong năm 2024. So sánh với ba năm liên tiếp trước khi các thương hiệu có mức tăng trưởng trung bình tầm 20%, năm sau, các thương hiệu có lẽ sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng gói gọn trong một con số.
Trên thực tế, không có công ty nào có thể duy trì mức tăng trưởng vĩnh viễn ở mức độ hai con số. Đây là nhận xét của ông Bruno Pavlovsky. Với Chanel, thương hiệu đã ghi nhận doanh thu 17,2 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2022, tăng 17% so với năm trước. Nhưng qua đến 2023 thì mức tăng trưởng này dưới 10%.
Dẫu vậy, chủ tịch Chanel vẫn tin tưởng rằng kết quả tài chính của công ty trong năm 2024 sẽ vẫn ở mức cao nhờ vào “mối quan hệ bền chặt” mà công ty đã nuôi dưỡng với khách hàng.
Cũng vì lẽ đó Chanel vẫn tiếp tục tăng cường đầu tư vào các trải nghiệm cho những khách hàng trung thành và có hầu bao rủng rỉnh của mình. Bởi vì theo Bain, giới siêu giàu là phân khúc khách hàng ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu xa xỉ: Top 2% nhóm người chi tiêu nhiều nhất mang tới trung bình 40% doanh thu, tăng lên từ 35% vào năm 2009.
Ví dụ như, hãng đã mở ra những cửa hàng dành riêng để tiếp đón nhóm khách hàng thượng lưu mà thương hiệu gọi là “salons privés”, gần đây nhất là cửa hàng ở Trình Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Còn các show diễn Cruise và Métiers d’Art trở thành chuỗi ngày trải nghiệm độc quyền cho những khách hàng VIC (Very Important Client) của thương hiệu. Ví dụ, tại show Métiers d’Art ở Manchester, các khách mời được ăn uống linh đình, sau đó được mặc trang phục thực hiện độc quyền cho cuộc đấu bóng đá giữa Manchester United và Chelsea.
Ông Bruno Pavlovsky hé lộ rằng các buổi trình diễn lưu động Métiers d’Art và Cruise, tổ chức định kỳ vào tháng 12 và tháng 5 hàng năm, đã trở thành hoạt động thúc đẩy kinh doanh vượt trội khi so sánh với mùa Xuân Hè, Thu Đông cũng như các show Haute Couture ở Tuần lễ thời trang Paris.
Về mặt xu hướng thời trang, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, chủ tịch Chanel khẳng định rằng sự quan tâm đến “quiet luxury” – phong cách sang trọng nhưng không phô trương – đang có chiều hướng gia tăng và sẽ duy trì trong năm 2024. “Các thiết kế được yêu thích đơn giản nhưng không kém phần tinh tế về kỹ thuật may mặc, chất liệu”.
Phong cách quiet luxury này cũng được phản ánh trong lối sống của các ông chủ tập đoàn Chanel – anh em Alain và Gérard Wertheimer, những người thừa kế Chanel từ người ông Pierre Wertheimer, đối tác kinh doanh nguyên thủy của Coco Chanel.
Dù sở hữu khối tài sản ròng hơn 30 tỉ đô-la Mỹ, nhưng hai anh em này được gọi là những người tỉ phú thầm lặng nhất làng thời trang. Họ không ngồi front row ở các show diễn thời trang, không cắt băng khánh thành khai trương những cửa hàng mới của Chanel, không trả lời truyền thông báo đài. Thậm chí, họ dùng phương tiện giao thông công cộng để đến kiểm tra cửa hàng nhiều tuần lễ sau khi buổi khai trương đã diễn ra và cửa hàng không còn sự có mặt của các ngôi sao.
DOANH THU RICHEMONT NỬA ĐẦU NĂM 2023 ĐƯỢC CỦNG CỐ BỞI THỊ TRƯỜNG TRANG SỨC CHÂU Á
HERMÈS TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG TRONG QUÝ 3/2023, DÙ CÓ PHẦN CHẬM LẠI
DOANH SỐ TẬP ĐOÀN LVMH QUÝ 3/2023 DƯỚI MỨC DỰ ĐOÁN, CHO THẤY NHU CẦU XA XỈ PHẨM CHẬM LẠI
Trích dẫn Financial Times, Dao Insights
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam