Virgil Abloh vừa trải qua một năm trọn vẹn tại Louis Vuitton. Là giám đốc sáng tạo cho dòng thời trang nam, Virgil Abloh dường như là sự bổ nhiệm kỳ quái cho Louis Vuitton. Anh là nghệ sỹ da màu. Không theo học những trường đào tạo thời trang danh giá của châu Âu. Lớn lên với hip hop và thời trang streetwear thể thao. Vậy hiệu ứng của Virgil Abloh tại Louis Vuitton là gì?
Doanh số từ nhà mốt Louis Vuitton cho thấy, người tiêu dùng ủng hộ Virgil Abloh. Tuy vậy, doanh số đến từ sản phẩm ready-to-wear chẳng là gì so với doanh thu từ túi xách. Nếu doanh thu không nói lên được giá trị của Virgil Abloh, vậy điều gì khẳng định vị thế của anh tại Louis Vuitton?
Sự phát triển vượt bậc của ready-to-wear tại Louis Vuitton
Báo cáo tài chính của Louis Vuitton không phân biệt rõ doanh thu đến từ thời trang, túi xách hay giày dép. Cũng không chia rõ mặt hàng cho nam và nữ. Mà chỉ gộp chung vào ngành hàng chung gọi là may mặc và da thuộc. Trong quý đầu năm 2019, ngành hàng này đã tăng trưởng 20%, đạt doanh thu 5.1 tỷ Euro.
Theo CFO của tập đoàn LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, mặt hàng ready-to-wear của Louis Vuitton nói chung đã có một quý đầu năm xuất sắc. “Năm ngoái, dòng hàng này bán tốt. Nhưng năm nay, nó thật sự phát triển vượt bậc,” Ông phát biểu.
Ông cũng nhắc đến sự thành công của cửa hàng popup tại Tokyo, vào tháng 01-2019. Cửa hàng popup đã bán một số mẫu mã ready-to-wear do Virgil Abloh thiết kế. CEO của Louis Vuitton, ông Michael Burke, nhận xét rằng doanh thu đến từ thiết kế của Virgil Abloh khá hơn so doanh thu đến từ dòng sản phẩm số lượng giới hạn kết hợp với thương hiệu streetwear Supreme.
Tuy nhiên, CFO Guiony cũng không quá quan trọng hóa doanh thu đến từ hàng ready-to-wear. “Đây không phải là dòng hàng chủ đạo của Louis Vuitton. Nhưng nó mang lại người quan tâm đến các cửa hàng. Và đây là điểm quan trọng nhất.”
Thời trang, sản phẩm “gây lỗ” của các thương hiệu xa xỉ
Một nghiên cứu từ công ty tư vấn thời trang VR Fashion Luxury Expertise và Exane BNP Paribas cho thấy: Cho dù sản phẩm may mặc giúp định vị thương hiệu, chúng không mang lại lợi nhuận. Ngược lại, nhiều thương hiệu còn thú nhận hàng ready-to-wear gây lỗ. Các thương hiệu thời trang cao cấp sống dựa vào nước hoa, giày dép, và phụ kiện như túi xách. Louis Vuitton cũng tương tự.
Nếu không mang lại lợi nhuận, vậy các thương hiệu sản xuất dòng ready-to-wear làm gì?
Câu trả lời: Marketing.
Hình ảnh các bộ sưu tập runway luôn được lan truyền mạnh mẽ, trên truyền thông và mạng xã hội. Chính vì vậy, việc sản xuất mặt hàng ready-to-wear được các nhà mốt liệt kê vào hạng mục chi phí quảng cáo cho thương hiệu.
Đây cũng là câu trả lời cho giá trị của Virgil Abloh tại Louis Vuitton.
Không chỉ là một nhà thiết kế, Virgil Abloh còn là DJ nổi tiếng. Với mối quan hệ rất rộng và những buổi tiệc nhạc EDM hoành tráng, anh tạo sức ảnh hưởng mạnh đến giới trẻ và các nghệ sỹ khác. Những hoạt động bên lề của Virgil Abloh luôn khiến báo giới bị tò mò. Và khi truyền thông nhắc đến Virgil Abloh, họ không thể không nhắc đến Louis Vuitton.
Virgil Abloh là một giám đốc sáng tạo rất khác so với những nhân vật tiền nhiệm tại Louis Vuitton. Liệu điều này có thay đổi hình mẫu những giám đốc sáng tạo khác trong tương lai? Chúng ta không rõ. Chỉ biết một điều: Louis Vuitton không quá quan tâm về việc trang phục ready-to-wear của Virgil Abloh có bán được hay không. Vì chính bản thân anh là một gia tài marketing đối với nhà mốt Pháp.
THAM VỌNG THỐNG TRỊ THỊ TRƯỜNG THỜI TRANG NAM CỦA TẬP ĐOÀN LVMH
RAF SIMONS TÁI XUẤT KỂ TỪ KHI CHIA TAY CALVIN KLEIN, NÓI VỀ CHÂN LÝ TRONG NGÀNH THỜI TRANG
Theo Quartz
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam