Khi ngày sinh nhật thứ 90 đang đến gần, nhà thiết kế gạo cội Giorgio Armani phải thẳng thắn đối mặt với việc điều gì sẽ xảy ra với thương hiệu mang tên ông. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, Giorgio Armani cho biết ông đang xem xét hai phương hướng: (1) là đưa Armani group lên sàn chứng khoán, (2) là sáp nhập với một tổ chức thời trang lớn hơn.
Ông nói: “Dù sự độc lập so với các tập đoàn lớn có thể vẫn là giá trị cốt lõi của Tập đoàn Armani, tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào. Điều làm nên thành công của chúng tôi chính là khả năng thích nghi linh hoạt với thời cuộc.”
Sự cởi mở này là một bước ngoặt lớn đối với Giorgio Armani, người từng kiên định với quan điểm duy trì bằng mọi giá sự độc lập của công ty, tránh xa những thương vụ mua bán và sáp nhập trong làng thời trang thời gian qua.
Để tránh những suy đoán không cần thiết, nhà thiết kế đã làm rõ: “Hiện tại, tôi không nghĩ đến việc bị một tập đoàn xa xỉ lớn tiếp quản, nhưng như tôi đã nói, tôi không muốn loại trừ bất kỳ khả năng nào ngay từ đầu vì điều đó không phản ánh tinh thần kinh doanh.”
Còn về việc phát hành cổ phiếu và lên sàn chứng khoán, ông cho biết: “Chúng tôi chưa thảo luận về điều này, nhưng đó là một lựa chọn mà chúng tôi có thể xem xét trong tương lai.”
Armani đặc biệt coi trọng mối liên hệ giữa giá trị công ty và hình ảnh thương hiệu. Ông cẩn trọng chỉ trích mô hình kinh doanh của Pháp và bày tỏ mong muốn “duy trì những giá trị riêng biệt và nhiều thương hiệu sẽ giữ vững sự độc lập của họ như một nguyên tắc cốt lõi.”
Hai giải pháp cho Giorgio Armani đều mang tính chất chia sẻ quyền lực
Trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang xa xỉ đang trải qua thời kỳ mua bán sôi động, với các tập đoàn lớn như LVMH và Kering không ngừng mở rộng danh mục đầu tư của mình, việc Armani xem xét sáp nhập với một tập đoàn lớn hơn hoặc niêm yết cổ phiếu là một diễn biến quan trọng bởi cả hai lựa chọn này đều liên quan đến việc chia sẻ quyền lực. Một bên là chia sẻ với một tập đoàn, bên còn lại là chia sẻ quyền lợi với các nhà đầu tư công chúng.
1. Sáp nhập với một tập đoàn lớn hơn
Mặc dù doanh thu đạt 2,4 tỉ euro (dữ liệu từ năm 2022) của Armani Group là con số không nhỏ, nhưng nó vẫn kém xa so với khả năng tạo ra 80 tỉ euro của LVMH. Do đó, nếu Giorgio Armani quyết định sáp nhập với một tập đoàn lớn hơn cũng là điều có thể chấp nhận.
Về mặt cá nhân, Giorgio Armani không chịu khuất phục trước áp lực của thị trường và lợi nhuận thuần túy. Nhà thiết kế gạo cội không mấy hứng thú với chính sách mua bán của các tập đoàn lớn, vốn thường đi kèm với những thay đổi bất khả kháng, bao gồm cả việc thay đổi giá trị và phong cách thời trang của thương hiệu. Thương vụ sáp nhập thể làm giảm quyền kiểm soát của Giorgio Armani đối với thương hiệu riêng, cả trong lĩnh vực sáng tạo và quản lý vận hành, đe dọa đến chính bản sắc độc lập mà nhà thiết kế đã kiên nhẫn xây dựng suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên cũng không phủ nhận rằng sáp nhập cùng một tập đoàn lớn có thể mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu của ông. Một tổ chức hùng mạnh có thể mang lại cho Giorgio Armani lợi ích về quy mô, khả năng thâm nhập thị trường và chia sẻ nguồn lực, những yếu tố quan trọng trong bức tranh kinh doanh toàn cầu.
2. Tự niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán
Nước Ý có một hệ sinh thái các doanh nghiệp thời trang lành mạnh, với những cái tên như Prada, Zegna, Moncler, Brunello Cucinelli, và Ferragamo. Các công ty này đều đã niêm yết cổ phiếu, đều đang phát triển mạnh mẽ một cách độc lập ngay cả trước sự lớn mạnh của các siêu tập đoàn Pháp.
Giorgio Armani hoàn toàn có thể theo hướng đi của họ và cũng đưa thương hiệu lên sàn chứng khoán. Việc niêm yết cổ phiếu theo mô hình của Prada hoặc Zegna có thể cung cấp cho đế chế Giorgio Armani nguồn vốn cần thiết cho sự mở rộng, đồng thời bảo toàn sự độc lập. Niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng có thể thu hút và giữ chân nhân tài bằng cách cung cấp cổ phiếu làm phần thưởng, theo mô hình đã được Amazon áp dụng thành công.
Khuyết điểm của việc đưa thương hiệu lên sàn chứng khoán là nước đi này có thể đặt công ty dưới áp lực của cộng đồng nhà đầu tư và kỳ vọng của thị trường, dẫn đến sự chuyển hướng từ các mục tiêu phát triển dài hạn sang các chỉ số tài chính ngắn hạn – lý do mà hiện nay một số thương hiệu như Tod’s đang tìm cách hủy niêm yết cổ phiếu.
Dù gì đi nữa, Giorgio Armani cũng phải mau chóng quyết định
Thị trường xa xỉ rất nhạy cảm với những biến động trong nhận thức của người tiêu dùng về vị thế thương hiệu, do đó bất kỳ thay đổi nào trong cấu trúc quản lý hay chiến lược kinh doanh tổng thể (bao gồm cả giá trị công ty) cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến nhận thức này.
Nhưng Giorgio Armani không còn nhiều thời gian. Ông là nhà thiết kế tương đối cao tuổi hiếm hoi vẫn còn làm việc và trực tiếp điều hành thương hiệu riêng. Nhiều đối thủ cạnh tranh của ông đã sớm an nghỉ: Karl Lagerfeld ở tuổi 85, Roberto Cavalli ở tuổi 83, Pierre Cardin ở tuổi 98 hay Takada Kenzo tuổi 81. Trong khi đó, Valentino Garavani (91 tuổi) và Jean Paul Gaultier (71 tuổi) đã nghỉ hưu và không còn tự mình vận hành thương hiệu riêng, nên không chịu áp lực hàng ngày như Giorgio Armani.
Dẫu vậy, Giorgio Armani hé lộ rằng về vấn đề kế nhiệm, ông đã tìm ra một nhóm người đáng tin cậy. Theo nhà báo Elisa Anzolin của Reuters tiết lộ vào tháng 11/2023, nhóm kế nhiệm bao gồm cả cộng sự lâu năm và thành viên gia đình của nhà thiết kế người Ý.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
CÁCH NHỮNG TẬP ĐOÀN THỜI TRANG LVMH, KERING TỐI ƯU HÓA LỢI NHUẬN KHI LẤN SÂN SANG ĐIỆN ẢNH
TẬP ĐOÀN THỜI TRANG VÀ NƯỚC HOA PUIG DỰ TÍNH IPO, THAM VỌNG GỌI VỐN LÊN ĐẾN 2,5 TỈ EURO
CÁC NGÔI SAO GIÚP CALVIN KLEIN HÚT KHÁCH, NHƯNG KHÔNG THỂ CHỐNG LẠI TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ CHÂU ÂU
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar