Bạn chăm rửa mặt. Bạn dùng đủ loại mỹ phẩm dưỡng da, chống mụn, chống lão hóa. Nhưng gương mặt bạn vẫn nổi mụn hay mẩn đỏ. Một lý do có thể vì chính cây cọ trang điểm của bạn. Hãy thử nghĩ lại xem, lần cuối cùng bạn rửa cọ trang điểm là khi nào?
Một nghiên cứu từ Cosmetify cho thấy rằng 26% phụ nữ chưa một lần rửa cọ trang điểm. Và 68% chúng ta thường xuyên chia sẻ dụng cụ trang điểm với người khác (có thể là chị em, bạn bè hay đồng nghiệp).
Cọ trang điểm, nếu không được tẩy rửa và bảo dưỡng, có thể gây hại cho làn da bạn. Những đầu cọ dơ, bám bụi bẩn, nhiễm khuẩn sẽ khiến làn da bạn nổi mụn. Hoặc, nếu nhiễm nấm khuẩn, thì nó có thậm chí có thể khiến da bạn bị dị ứng, mẩn đỏ và viêm nhiễm.
Vậy, đâu là cách tẩy rửa cọ đúng cách? Hãy cùng nghe chuyên gia trang điểm giải đáp.
>>> Xem thêm: DA NỔI MỤN, DỊ ỨNG, NGỨA NGÁY? LÝ DO CÓ THỂ VÌ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC
Bao lâu nên rửa cọ trang điểm một lần?
“Trong công việc, tôi rửa cọ trang điểm sau mỗi lần makeup cho khách hàng. Điều này đảm bảo vệ sinh nhất cho các khách hàng của tôi. Nhưng nếu bạn chỉ sử dụng cọ cho riêng mình, thì bạn chỉ cần rửa cọ khoảng 2 tuần/lần”, theo giám đốc sáng tạo toàn cầu của Nars, cô Jane Richardson.
Còn theo nghệ sỹ trang điểm Aimee Morrison của Bobbi Brown, rửa cọ không có nghĩa là chỉ rửa sơ nó với nước. Mà bạn phải kỹ lưỡng, dùng dung dịch tẩy rửa để có hiệu quả tốt nhất. “Bạn có thể khử trùng cọ trang điểm với xịt khử khuẩn khoảng một lần/tuần. Sau đó rửa cọ kỹ lưỡng hơn một lần/tháng.” Ngoài ra, các loại cọ trang điểm chấm qua nhiều gam màu khác nhau nên được rửa sau mỗi lần sử dụng, tránh gây lây lan màu từ một bảng màu này sang bảng màu khác.
Cách rửa cọ trang điểm đúng
Để rửa cọ nhanh gọn
Nghệ sỹ trang điểm Debbie Finnegan từ MAC mách: Hãy thấm dung dịch rửa cọ lên khăn giấy, sau đó dùng cọ miết qua lại trên phần giấy đã thấm ướt. Động tác này sẽ loại bỏ các loại mỹ phẩm bám lên đầu cọ, nhưng không gây toè ngòi cọ.
Phương pháp rửa cọ kỹ lưỡng
Quan trọng nhất là bạn phải tẩy sạch các loại mỹ phẩm trang điểm sâu từ bên trong cọ.
Dùng dung dịch tẩy rửa cọ, mát-xa đều khắp cọ. Sau đó rửa sạch với nước ấm. Nên rửa dưới vòi nước thay vì khuấy trong ly thủy tinh, để tránh bụi bẩn bám ngược trở lại vào cọ.
Cẩn thận không chà xát quá mạnh tay, khiến cọ bị rụng lông hay toè.
Sau khi cọ đã sạch, hãy dùng tay hoặc khăn để vuốt nhẹ, tái tạo lại hình dáng đầu cọ.
Trải một tấm khăn bông phẳng bên cạnh bồn rửa tay. Đặt thân cọ lên khăn bông. Đầu cọ nên được phơi bên ngoài thành bồn, để không khí có thể len lỏi vào giữa các sợi cọ. Như vậy, bạn nên rửa cọ vào buổi chiều tối, để cọ có thể khô qua đêm.
Lưu ý gì khi rửa cọ trang điểm?
- Đừng rửa cọ với nước nóng. Nước nóng sôi có thể làm tan chảy keo dán định vị các sợi lông của cọ.
- Tuyệt đối không hong khô cọ trang điểm bằng máy sấy tóc vì nó sẽ khiến đầu cọ bị biến dạng.
- Không dùng chất tẩy rửa mạnh (như nước rửa chén) cho cọ trang điểm. Các chất tẩy rửa mạnh thường chứa Sodium Laureth Sulfate (SLS) có khả năng làm tổn thương sợi cọ.
>>> Xem thêm: NHỮNG TUYỆT CHIÊU GIÚP BẠN SẮP XẾP MỸ PHẨM GỌN GÀNG
***
Harper’s Bazaar chọn
Xịt tẩy rửa cọ trang điểm MAKE UP FOR EVER. Công thức không chứa cồn dịu nhẹ, nhưng đủ mạnh để gột bỏ thậm chí các vết mỹ phẩm chống thấm tồn đọng trên cọ. Tiện để gột rửa cọ sau mỗi lần sử dụng.
Dung dịch tẩy rửa cọ của CLINIQUE. Công thức chứa cồn khử khuẩn và nấm mốc triệt để.
Kem tẩy rửa BOBBI BROWN Conditioning Brush Cleanser. Công thức dưỡng đầu cọ mềm, mượt, không làm gãy lông cọ.
>>> Xem thêm: KHI NÀO BẠN NÊN DỌN DẸP TỦ ĐỒ MỸ PHẨM?
Theo Harper’s Bazaar Anh
Harper’s Bazaar Việt Nam