Qua câu chuyện của Triệu Lộ Tư, nhận biết dấu hiệu bệnh trầm cảm và cách bảo vệ bản thân

Thông tin nữ diễn viên Triệu Lộ Tư bị trầm cảm và kiệt sức đến mức mất tiếng nói, phải đình chỉ hoạt động, đã trở thành lời cảnh tỉnh về việc cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần.

Triệu Lộ Tư những ngày cuối cùng trước khi tạm rời làng giải trí Hoa ngữ để điều trị chứng bệnh trầm cảm. Ảnh: Weibo

Triệu Lộ Tư những ngày cuối cùng trước khi tạm rời làng giải trí Hoa ngữ để điều trị chứng bệnh trầm cảm. Ảnh: Weibo

Sau khi Rèm ngọc châu sa hoàn tất công chiếu, Triệu Lộ Tư lại lao đầu vào quay phim. Tuy nhiên, cô khiến fan hâm mộ lo lắng khi xuất hiện đầy tiều tụy trên phim trường. Cô yếu ớt đến mức độ phải di chuyển bằng xe lăn. Cũng có hình ảnh cho thấy cô vừa đọc kịch bản vừa thở ôxy. Ngay cả người không phải fan hâm mộ của Triệu Lộ Tư cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực và cống hiến của nữ diễn viên.

Nhưng rồi những gì tệ nhất đã diễn ra, Triệu Lộ Tư đã phải nhập viện. Được biết, cô rơi vào tình trạng mất khả năng nói chuyện, khó khăn khi đi lại và nhai nuốt thức ăn. Cô giảm cân trầm trọng, chỉ còn 37kg. Nhưng đây không đơn thuần là vấn đề phải làm việc với cường độ cao. Tình trạng sức khỏe kiệt quệ của Triệu Lộ Tư còn đến từ vấn đề bệnh trầm cảm.

Những người không hiểu thì nói rằng Triệu Lộ Tư vịn cớ mắc bệnh trầm cảm để đánh bóng tên tuổi, lên hot search. Nhưng trầm cảm chính là một căn bệnh tâm lý kinh niên có thể bào mòn sức khỏe nếu không được kiểm soát. Câu chuyện của Triệu Lộ Tư mở ra một cuộc thảo luận sâu sắc về những áp lực tinh thần mà các nghệ sĩ, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt trong ngành giải trí. Hơn bao giờ hết, câu chuyện của Triệu Lộ Tư nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và hậu quả nghiêm trọng của những lời nói, bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.

Triệu Lộ Tư thừa nhận rằng mình bị trầm cảm từ nhiều năm

Ảnh: Weibo

Trước đó, bản thân Triệu Lộ Tư cũng đã nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, nhưng cô xem nhẹ vấn đề vì không muốn xem như người nhạy cảm, thích làm quá mọi sự. Cô cũng sợ việc điều trị bệnh sẽ ảnh hưởng đến công việc của những người xung quanh. Lược giản phần ghi chép của Triệu Lộ Tư đăng tải trên Weibo:

“• Năm 2019: Tôi bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm. Khi ấy, mọi người nói ‘đừng làm quá vấn đề lên, nghĩ thoáng là được’. Tôi cũng tự trách mình nhạy cảm và yếu đuối nên bỏ qua mọi sự.

• Năm 2021: Tôi cảm giác như bị kim châm và côn trùng bò khắp người khi dị ứng. Tôi đã tiêm thuốc nhưng không đỡ, nên tìm đến bác sỹ tâm lý để điều trị căng thẳng.

• Năm 2023: Hàng loạt biến cố liên tiếp xảy ra. Viêm phổi, khí phế thũng, nổi mề đay, mất ngủ, điếc thần kinh,… cộng dồn với tin xấu dồn dập như người thân qua đời. Những chuyện này lớn hơn cảm xúc cá nhân của tôi, nên tôi xem nhẹ nó.

• Năm 2024: Tôi bắt đầu nôn khan, chóng mặt, đau khớp, đau cổ, dị ứng trở nặng. Tôi tưởng là tác dụng phụ của thuốc, nhưng hóa ra đó là hậu quả của những tổn thương bị bỏ qua suốt thời gian dài”.

Tôi chưa bao giờ nhắc đến bệnh của mình vì sợ bị xem là chiêu trò. Nhưng giờ đây, tôi muốn mọi người hiểu rõ hơn: Trầm cảm là một căn bệnh. Nó không thể được giải quyết chỉ bằng nghĩ thoáng hơn.

Hãy hiểu và coi trọng sức khỏe tâm lý. Điều trị tâm lý thật sự rất quan trọng. Hối tiếc là một cảm xúc vô ích. Hãy xem đây là cơ hội để hòa giải những mâu thuẫn trong lòng và tái xây dựng chính mình.

Cảm ơn những ai đã quan tâm đến tôi. Chính nhờ tình yêu đó, tôi đã sống thêm một lần nữa. Chúc mọi người một năm mới vui vẻ và luôn hạnh phúc”.

Lý giải bệnh trầm cảm theo định nghĩa khoa học và những dấu hiệu nhận biết bệnh

Ảnh: Weibo

Người ta nghĩ đến trầm cảm như trạng thái buồn bã. Nhưng một bên là cảm xúc, một bên là bệnh tâm lý được định nghĩa bởi các bác sỹ tâm lý là có tính bào mòn sức khỏe cao. Chúng khác nhau đáng kể về cường độ, thời gian trải nghiệm và cách tác động đến cuộc sống ngày thường.

Buồn là cảm xúc tự nhiên của con người, thường được kích hoạt bởi các sự kiện cụ thể như mất mát, thất vọng hoặc căng thẳng. Cảm xúc này tạm thời và có thể biến mất khi hoàn cảnh cải thiện.

Ngược lại, trầm cảm lâm sàng hoặc rối loạn trầm cảm nặng là tình trạng sức khỏe tâm thần được đánh dấu bằng các triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất hai tuần. Bệnh trầm cảm có nhiều triệu chứng rộng hơn ngoài nỗi buồn. Những triệu chứng này có thể bao gồm cảm giác tuyệt vọng, không còn hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, không thèm ăn, thay đổi thói quen ngủ (mất ngủ hoặc ngủ li bì), mệt mỏi, khó tập trung và thậm chí là các triệu chứng về thể chất như đau mãn tính.

Có thể thấy với Triệu Lộ Tư, bệnh trầm cảm của cô ở mức độ nặng đến nỗi cô nổi mề đay, dị ứng, khó nhai nuốt và thậm chí mất tiếng. Việc cô ngó lơ điều trị bệnh, cộng dồn với công việc trong giới giải trí phải đối mặt với áp lực dư luận, đã khiến Triệu Lộ Tư kiệt quệ ngay thềm năm mới 2025 đến.

“Trăm năm bia đá cũng mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”: Sự đáng sợ của dư luận

Ảnh: Weibo

Triệu Lộ Tư càng nổi tiếng, cô càng đối mặt với nhiều áp lực dư luận. Cô bị chỉ trích khắt khe về ngoại hình, thậm chí có thể nói là bị miệt thị ngoại hình và bạo lực mạng.

Trong giới giải trí, ngoại hình đóng một vai trò chủ chốt trong sự nghiệp của các nghệ sỹ. Một trong những mối quan tâm lớn của họ là khả năng duy trì hình ảnh hoàn hảo trước mắt công chúng. Nỗi lo sợ này tăng lên gấp nhiều lần trong thời đại của Internet. Nếu trước đây, chỉ có một ít ý kiến được thu nhận bởi báo đài chính thức, thì nhờ mạng xã hội và blog, bất kỳ ai cũng có thể công khai chia sẻ ý kiến. Những nghệ sỹ tiếp nhận lượng bình luận vô cùng lớn mỗi ngày.

Ảnh: Weibo

Triệu Lộ Tư từ khi tham gia làng giải trí Hoa ngữ đã đối mặt với vô số lời chê bai như “phổ nữ” (gương mặt phổ thông, không đặc biệt), “mập” (cô có gương mặt bầu bĩnh tự nhiên, không phải do nặng cân), quê kệch,… Cô vừa phải gồng mình chứng minh khả năng diễn xuất để vượt qua định kiến về ngoại hình, ừa phải chiến đấu với áp lực vô hình từ những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế của ngành giải trí Hoa ngữ.

Để làm hài lòng công chúng và duy trì đà tiến tới của sự nghiệp, Triệu Lộ Tư phải ép mình vào khuôn khổ hà khắc: duy trì chế độ ăn uống nghiêm ngặt, lịch trình tập luyện không ngừng nghỉ, và cả việc luôn xuất hiện rạng rỡ dù bản thân đã kiệt sức.

Thế nhưng, sức người có hạn. Sự chịu đựng âm thầm trước áp lực dư luận không chỉ làm hao mòn thể lực mà còn ăn sâu vào tinh thần. Những lời bình phẩm này như một “cơn mưa rào” dai dẳng dằm đâm vào tim, lâu ngày từ vết thương nhỏ trở thành vết thương hở miệng chí mạng. Và như một hệ quả tất yếu, sự kiệt quệ đã đưa Triệu Lộ Tư đến giai đoạn mà cơ thể không thể chống chịu thêm nữa.

Bảo vệ bản thân trước công kích từ mạng xã hội

Ảnh: Weibo

Tuy nhiên, không riêng gì Triệu Lộ Tư hay các nghệ sỹ, bất kỳ ai cũng có thể trở nên trầm cảm vì mạng xã hội. Nếu người nổi tiếng nhận về sự chỉ trích, soi mói thì người bình thường lại so sánh bản thân với bạn bè hay những người nổi tiếng khác. Những bài đăng khoe thành tích của người khác dễ khiến bạn cảm thấy tự ti và bất mãn với chính mình.

Một cách để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực này là giới hạn thời lượng sử dụng mạng xã hội, đặt ra quy tắc rõ ràng như không vượt quá 30 phút mỗi ngày trên các nền tảng này.

Bên cạnh đó, hãy cân nhắc tham gia các hoạt động không yêu cầu tiếp xúc với điện thoại như tham gia các workshop, đi nghe nhạc live ở phòng trà, hoặc đi dạo ngoài trời cùng nhóm bạn, chạy bộ hoặc chơi thể thao như đánh Pickleball. Những trải nghiệm này không chỉ giảm bớt sự phụ thuộc vào mạng xã hội mà còn mang lại năng lượng tích cực.

Cuối cùng, bạn cần giữ khoảng cách với các nội dung tiêu cực, tránh xa được là tốt nhất. Bạn hãy chủ động bỏ theo dõi hoặc chặn những nội dung khiến bạn cảm thấy không thoải mái, gây cảm giác nặng nề khi nghe và xem để đảm bảo năng lượng cá nhân luôn được cân bằng.

Hãy biết không ai là hoàn hảo để giảm bớt áp lực tinh thần từ mạng xã hội

Ảnh: Weibo

Việc so sánh bản thân với người khác là điều khó tránh trong thời đại hiện nay, bởi đó là xu hướng tất yếu và đi lên của xã hội. Có sự so sánh, cạnh tranh thì mới có những sự phát triển vượt bậc và sự cố gắng hết mình. Tuy nhiên, thường thì mạng xã hội là nơi mọi người chỉ chia sẻ những khía cạnh tốt đẹp nhất.

Cho nên, mỗi khi bạn cảm thấy tự ti hoặc không hài lòng với cơ thể và cuộc sống của mình, hãy nhớ: Không ai hoàn hảo, và bạn cũng không cần phải hoàn hảo. Tập trung vào việc cải thiện bản thân từng ngày thay vì so sánh với người khác. Nếu cảm xúc tiêu cực kéo dài, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình, hoặc chuyên gia tâm lý. Đừng ngại ngần đặt lịch đi gặp chuyên gia tâm lý khi cảm thấy bản thân rơi vào trầm cảm, đừng để kéo dài mọi chuyện như Triệu Lộ Tư để rồi rơi vào tình trạng kiệt quệ sức khỏe.

Ảnh: Weibo

Triệu Lộ Tư là minh chứng cho việc sức khỏe tinh thần quan trọng như thế nào trong cuộc sống. Thành công không nên đánh đổi bằng sự kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy luôn hấu hiểu và yêu thương chính mình; Tạo ra ranh giới giữa công việc, mạng xã hội và thời gian riêng tư; Chủ động tìm kiếm niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày.

Bài học từ câu chuyện của Triệu Lộ Tư không chỉ dành riêng cho cô, mà là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta: Hãy sống chậm lại, chăm sóc bản thân nhiều hơn, và biết rằng sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần, luôn là tài sản quý giá nhất.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm