Chúng ta hẳn biết câu chuyện cổ tích Nàng Lọ Lem (Cinderella). Cuộc sống của nàng toàn những điều không may: mẹ và cha chết, dì ghẻ và các em độc ác. Để đạt được hạnh phúc, nàng phải trải qua bao gian truân, vất vả rồi mới có được cuộc sống viên mãn bên hoàng tử.
Bỏ qua những yếu tố thần tiên, câu chuyện cổ dạy chúng ta rằng: Chẳng ai sinh ra đã may mắn. Đây là bài học thành công quan trọng nhất của truyện cổ tích này.
COVID-19: Sự rủi ro hay thử thách?
Trả lời câu hỏi đó, có lẽ nhiều người sẽ thốt lên: “Không may”. Không may thật.
Từ 2018 đến cuối 2019, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Lòng người phơi phới. Đã có nhiều dự đoán lạc quan rằng mười năm tới sẽ là giai đoạn vàng trong kinh tế. Các doanh nghiệp hăng hái lập kế hoạch hành động 10 năm.
Vậy mà ba tháng đầu năm chưa kịp trôi qua, con vi-rút corona đã giết chết niềm lạc quan của nhiều người. Truyền thông trong ngoài nước và mạng xã hội liên tục tung tin dữ. Nỗi sợ hãi chiếm cứ mọi góc phố, mọi câu chuyện. Làm sao không lo lắng được khi con số người nhiễm bệnh và người chết cứ tăng vùn vụt mỗi ngày? Thị trường chứng khoán mất điểm trầm trọng. Doanh nghiệp lao đao. Người người cố thủ trong căn nhà của mình, hạn chế mọi giao tiếp thực thể với xã hội. Sức mua trong thị trường gần như không còn.
Bối cảnh khó khăn của thị trường đặt ra bài toán hóc búa cho mọi nhà lãnh đạo, trong đó có các nữ doanh nhân. Chúng ta phải làm gì đây để dẫn dắt đội ngũ vượt qua khó khăn? Phải làm gì để bảo toàn doanh nghiệp trước bờ vực suy thoái?
>>> Xem thêm: THẢM HỌA THỰC SỰ TỪ DỊCH CÚM COVID-19: CHẾT ĐÓI, CHẾT NGHÈO, CHỨ KHÔNG PHẢI CHẾT VÌ BỆNH
Giữ vững nhiệt tình và ý chí
Trong hoàn cảnh thuận lợi, thành quả thường đến dễ dàng, và tự mãn không phải là bệnh hiếm trong xã hội. Nhưng chỉ trong khó khăn, người ta mới xác định được mình có phải là viên kim cương cứng hơn đá.
Làm sao để giữ vững tinh thần trong thử thách? Ông Jamie Dimon, Tổng giám đốc JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, từng nói: “Bạn phải học cách vượt qua chướng ngại vật trên đường, những lỗi lầm và sự thụt lùi. Ai cũng có lúc gặp thất bại. Cách xử lý tình huống là yếu tố quyết định nhất trong sự thành bại của một con người. Bạn cần một quyết tâm sắt đá. Bạn cần chịu trách nhiệm. Tôi gọi đó là sự ngoan cường”.
Một đội ngũ ngoan cường gồm những người yêu chuộng tranh đua. Họ tranh đua không phải vì họ muốn chiến thắng người khác mà vì muốn kết quả đạt được ngày mai phải xuất sắc hơn hôm nay. Trong hoàn cảnh khó khăn, chính văn hóa tranh đua này sẽ giúp người ta giữ được nhiệt huyết và quyết tâm để đứng lên sau thất bại.
Văn hóa ấy do người đứng đầu đội ngũ tạo ra. Thành bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào người lãnh đạo, vào năng lực dẫn dắt và huy động sức mạnh đội ngũ. Khi phải phân loại đậu và thóc, nàng Lọ Lem không thể làm một mình. Nàng nhờ những chú chim đến giúp mình và hoàn thành thử thách xuất sắc. Khả năng huy động sức mạnh tập thể, ý chí kiên cường và nhiệt huyết sẽ giúp người lãnh đạo đưa doanh nghiệp của mình đi tới bến bờ thành công.
Suy nghĩ vượt ra ngoài định kiến có sẵn
Nếu kiên định là yếu tố cần thì hành động sáng tạo mới là yếu tố đủ. Mọi con đường đều có lối ra, miễn là ta chịu nhận thấy những dấu hiệu.
Khi mới thành lập doanh nghiệp, người doanh nhân đứng đầu thường suy nghĩ năng động và sáng tạo. Họ phải nỗ lực chứng tỏ hướng đi của mình là đúng đắn và những gì mình theo đuổi sẽ đem lại thành công. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã đứng ở đỉnh vinh quang, mọi hoạt động đi vào quy trình. Không còn là thử nghiệm và sửa đổi, mà là quy tắc, quy tắc và chỉ có quy tắc. Thay đổi cách nghĩ, cách làm không dễ dàng.
Khó khăn đột ngột xảy ra, thách thức mô hình kinh doanh đã cũ. Lúc này, người lãnh đạo phải có khả năng phát huy sự sáng tạo, tìm ra con đường đi mới cho doanh nghiệp.
Hãy nhìn mùa Covid-19 này, bạn sẽ thấy những ví dụ điển hình của sự sáng tạo.
Khi khách du lịch vắng bóng, ngành nhà hàng khách sạn đi vào chỗ tiêu điều. Thay vì thụ động chờ qua mùa dịch, nhiều khu du lịch ở Việt Nam đã vượt qua nỗi sợ hãi, đăng ký dùng khuôn viên của mình làm địa điểm cách ly cho người về từ vùng dịch. Dịch vụ lưu trú truyền thống đã mang tính chất mới.
Các doanh nghiệp thời trang xa xỉ, từ Louis Vuitton đến đến Armani đang sản xuất hàng triệu khẩu trang y tế cho các quốc gia. Christian Dior lại dùng phòng lab mỹ phẩm để sản xuất nước rửa tay khô.
Nói một cách dân dã, rủi ro là do trời định. Khó khăn cùng đến với tất cả mọi người như nhau. Mỗi chúng ta hãy là nàng Lọ Lem ngoan cường và sáng tạo để mang lại sự viên mãn cho doanh nghiệp của mình trong lúc này.
>>> Xem thêm: NẾU KINH DOANH THỜI TRANG, LÀM SAO SỐNG SÓT QUA NẠN DỊCH COVID-19?
Harper’s Bazaar Việt Nam