THẢM HỌA THỰC SỰ TỪ DỊCH CÚM COVID-19: CHẾT ĐÓI, CHẾT NGHÈO, CHỨ KHÔNG PHẢI CHẾT VÌ BỆNH

Trong tương lai, chúng ta sẽ nhìn lại về nạn dịch corona như một thảm họa kinh tế hơn là dịch bệnh thế kỷ. Đâu là cách để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn này?

Ảnh: Getty Images

Sự nguy hiểm của dịch cúm corona năm 2020 chính là sức ảnh hưởng của nó đến các nền kinh tế. Chỉ có một số ít những người bị nhiễm cúm COVID-19. Số đông chúng ta thì bị hạn chế đi ra đường. Những ai may mắn thì có thể làm việc từ nhà. Những ai kém may mắn hơn có thể mất việc, hoặc đối mặt với khả năng phá sản nếu sở hữu doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ.

Chúng ta nói về sự đau đớn của người nhiễm bệnh. Chúng ta chia sẻ hình ảnh mệt mỏi của những bác sỹ, chiến sỹ và tình nguyện viên làm việc ở bệnh viện và khu cách ly. Nhưng có ai dám công khai chia sẻ nỗi buồn khi không thể trả tiền điện nước, tiền thuê nhà, hay tiền lương nhân viên trong những tháng ế ẩm?

Sẽ rất lo ngại nếu chính phủ tiếp tục xem dịch cúm corona như một nạn dịch thông thường. Mà không phải là một mối đe dọa kinh tế.

Ngành thời trang và làm đẹp là một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vì dịch cúm corona.

Đầu tiên, dịch bệnh làm đình trệ tất cả mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi Trung Quốc ngừng sản xuất suốt 2,5 tháng đầu năm 2020, một loạt các thương hiệu đã phải đẩy lùi ngày xuất xưởng của nhiều mẫu sản phẩm mới. Còn hiện tại, ngành thời trang cao cấp đình trệ vì Pháp, Ý bế quan tỏa cảng.

Tiếp đó, nỗi e ngại tình hình dịch bệnh khiến người tiêu dùng chỉ chăm chăm tích trữ nhu yếu phẩm và lương thực. Mặt hàng thời trang là thứ đầu tiên bị cắt khỏi danh sách chi thu. Thương hiệu treo bảng giảm giá 30, 50, thậm chí 70% với hy vọng sẽ bán chác được chút đỉnh qua mạng.

Người mẫu thất nghiệp khi thương hiệu thời trang và tạp chí không còn chụp ảnh quảng cáo. KOL trên mạng xã hội bị thương hiệu cắt hợp đồng.

Cả thế giới đang lên cơn sốt đi tìm vắc-xin chống cúm corona. Nhưng quan trọng không kém là tìm vắc-xin bảo hộ cho kinh doanh trong thời điểm này.

Một giải pháp cho doanh nghiệp là nếu có thể, hãy thay đổi sản phẩm cho phù hợp với giai đoạn khó khăn này.

Một loạt các nhà thiết kế thời trang và thương hiệu, như Christian Siriano và Chanel, đã bắt đầu may khẩu trang, đồng phục bảo hộ cho bệnh viện. Tập đoàn LVMH, Coty làm nước rửa tay. Thương hiệu xe hơi điện cao cấp Tesla thì sản xuất máy thở ôxy cho bệnh viện tại Mỹ.

Tại Việt Nam, mô hình biến khách sạn thành điểm cách ly có thu phí là một sáng kiến hay, giúp các khách sạn và resort đảm bảo nguồn thu giữa nạn dịch COVID-19.

Người ta thường nói, “cái khó ló cái khôn”. Hãy sáng tạo và linh động để thời điểm khó khăn này không làm bạn chùn bước.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm