Những mẫu áo khoác thống trị mọi thời đại

Trong địa hạt thời trang của nữ giới, sự cổ điển luôn có giá trị bất biến. Xu hướng đến rồi đi. Hàng năm, ngành công nghiệp thời trang cho ra đời nhiều triệu mẫu thiết kế mới. Nhưng chỉ có rất ít trong số chúng có thể trường tồn mãi mãi. Và bốn chiếc áo khoác dưới đây thuộc con số vô cùng ít ỏi đó.

Một trong những món đồ nâng tầm trang phục tốt nhất chính là áo khoác. Nếu xem quần áo như vỏ bọc, thì nội y thể hiện rõ nhất tính cách mỗi người, và áo khoác chính là thứ nói lên thần thái. Sang trọng hay hèn kém, kiêu sa hay dung dị, khoa trương hay tinh giản… tất cả đều được thể hiện ở áo khoác – món đồ thời trang mang vẻ đẹp tối thượng.

Áo khoác trench coat của Burberry

“Trench coat là thứ mọi người có thể mặc với nhiều món đồ khác mà không e sợ lạc lõng. Mỗi người, mỗi cá tính, mỗi phong cách sẽ có từng cách biến tấu trench coat của riêng họ. Chính từ khả năng tuỳ biến vô hạn đó mà trench coat là một trong rất ít những món đồ có thể tồn tại theo dòng lịch sử, và trở thành một thứ kinh điển trong thời trang”, Christopher Bailey, giám đốc sáng tạo Burberry từng nói như thế về chiếc trench coat làm nên tên tuổi thương hiệu.

Được Thomas Burberry thiết kế đầu tiên năm 1901; những chiếc trench coat cổ điển được sử dụng cho quân đội Anh trong đệ nhất thế chiến. Vì là đồ quân đội, nên chiếc áo sở hữu những đặc điểm ứng dụng cao nổi bật. Tiêu biểu nhất chính là vải Cabardine do Thomas Burberry sáng chế từ năm 1879.

20171907 áo khoác 01

Chất liệu đặc biệt dệt từ cotton Ai Cập này mát vào mùa hè, ấm lên khi đông xuống; co lại khi bị ẩm nên còn có thể dùng để che mưa. London là xứ sở sương mù quanh năm với những cơn mưa bất chợt; và bối cảnh của cuộc đệ nhất thế chiến diễn ra ở rất nhiều vùng lạnh giá. Nên trench coat, từ một sản phẩm được Burberry sản xuất hàng loạt để cung cấp cho quân đội Hoàng gia Anh quốc, dần xuất hiện trên các chiến trường lớn của thế giới.

Ngày nay, những chiếc trench coat từ hạng tầm trung cho đến cao cấp nhất của Burberry đều được may từ chất liệu này, kể cả Burberry Prorsum. Tuy nhiên, kiểu dáng đã được cải biến đi khá nhiều. Nếu như chiếc trench coat trong thời chiến được làm với chi tiết tối đa trong ngân sách tối thiểu; thì ngày nay, chúng đã được thiết kế lại với nhiều chi tiết cách tân, lược bỏ đi các phần ứng dụng dành cho binh lính mà nếu ngày xưa thiếu đi, trench coat không còn là trench coat nữa. Giờ đây, hình ảnh điển hình nhất của áo trench coat dừng lại ở đường may nổi dọc thân áo; tay raglan, với phần ve áo rộng, đi kèm dây đai và màu khaki truyền thống.

Audrey Hepburn với chiếc áo trench coat trong bộ phim kinh điển Breakfast at Tiffany's.

Audrey Hepburn với chiếc áo trench coat trong bộ phim kinh điển Breakfast at Tiffany’s.

Áo khoác tweed của Chanel

Phụ nữ thời nay nợ Gabrielle “Coco” Chanel rất nhiều. Từ chiếc little black dress gần như ai cũng có vài chiếc trong tủ đồ; cho đến mẫu quần tây hay váy bút chì quyến rũ mang đậm chất nữ quyền… Những thiết kế mà Chanel mang lại có giá trị trường tồn theo năm tháng. Và trong đó, có sự hiện diện của áo khoác tweed.

Mẫu áo kinh điển được lấy từ bộ suit dành cho nam giới, do Chanel thiết kế từ năm 1921. Hình ảnh biểu tượng của áo tweed có dáng hộp vuông vắn, không cổ, lấy đường viền làm điểm nhấn. Ban đầu, chiếc áo được làn từ chất vải len Jersey. Đến sau năm 1954, từ chuyến đi tới Scotland, Coco Chanel mới mang về chất liệu mới để làm nên chiếc áo: tweed. Vải tweed được dệt từ các sợi len có màu sắc khác nhau, bề mặt thô ráp; mới nhìn có vẻ cứng cáp nhưng khi mặc lên thì lại mềm mại. Chiếc áo khoác bằng vải tweed của Chanel bấy giờ gây được tiếng vang lớn. Vì nó không chỉ mang đến vẻ ngoài lịch thiệp; mà còn giúp người mặc cảm thấy thoải mái trong mọi hành động.

20171907 ao khoac 02

Xuất hiện như một nghịch lý, tồn tại như một thách thức. Chiếc áo với những đường cắt mạnh mẽ đi cùng váy suông đơn giản này vẫn có sức trường tồn sánh ngang bất cứ món đồ cổ điển quý giá nào. Không có sức quyến rũ đến mê hoặc như LBD, áo khoác tweed của Chanel mang đến vẻ đẹp lịch thiệp đầy chuyên nghiệp cho phụ nữ, ở thời điểm họ đang cố gắng gầy dựng sự nghiệp trong một thế giới kiệt quệ sau tàn dư của hai cuộc thế chiến.

Từ món đồ từng bị xem như của dân lao động; áo tweed giờ đây là trở thành thứ thiết thân của những phụ nữ coi trọng hình ảnh. Một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của chiếc áo này gắn với Jackie O; ngay trong ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát.

Đọc thêm: Triển lãm Chanel tại Seoul: Mối lương duyên của thời trang và công nghệ.

Dior Bar Jacket

Một trong những cơn địa chấn lớn nhất, làm rung chuyển thế giới thời trang chính là New Look. Biệt danh do Harper’s Bazaar Mỹ đặt cho bộ sưu tập này đã truyền tải trọn vẹn ý nghĩa hình ảnh mà nó mang đến: tinh giản, lịch duyệt phù hợp với phụ nữ thời đại mới. Nếu những chiếc váy cầu kỳ của New Look được phủ bởi hàng chục mét vải; thì bar jacket lại được làm theo phong cách tối giản. Và nhờ đó, chúng có sức hút trường tồn đến tận ngày hôm nay.

Dior Bar Jacket được đặc trưng bởi những đường cong quyến rũ. Đặc biệt là phần eo chiết nhỏ, tôn lên vòng ngực, hông đẫy đà của phụ nữ. Christian Dior đặt tên chiếc áo là Bar Jacket; với mục đích xuất hiện tại các buổi tiệc cocktail trưa tại khách sạn. Tôn vinh thân hình phụ nữ, đi cùng phần váy có nhiều tầng vải được sử dụng hào phóng; chiếc áo như một lời đáp trả với chế độ thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến. Và hơn bao giờ hết, BST New Look với chiếc Bar Jacket huyền thoại đã giúp Paris vực lại được vị thế kinh đô thời trang sau hai cuộc thế chiến.

20171907 ao khoac 04

Chưa dừng lại ở đó, chiếc áo còn vượt ra khỏi biên giới châu Âu; để sang Mỹ tạo nên cách mạng thời trang mới, đặt nền tảng cho toàn ngành thời trang hiện đại. Trải qua gần 70 năm, Bar Jacket đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ giám đốc sáng tạo. Từ Yves Saint Laurent, John Galliano hay gần nhất là Raf Simons… mẫu áo liên tục được cập nhật trong các bộ sưu tập mới. Galliano thường xuyên ứng dụng phom dáng áo trong các bộ sưu tập couture; trong khi Raf Simons tái hiện lại hình ảnh nguyên thuỷ của chiếc áo khi vừa được ra mắt trong BST haute couture 2012.

Bar Jacket được NTK Raf Simon làm lại trong BST mới.

Bar Jacket được NTK Raf Simons làm lại trong BST mới.

Áo khoác lông thú của J Mendel

Trong thế giới xa hoa và phù phiếm, không món đồ nào gắn bó dai dẳng với lịch sử con người như áo lông thú. Với mục tiêu đầu tiên và tối thượng là để giữ ấm; chúng xuất hiện từ khi loài người còn sinh sống trong các hang động. Trải qua bao nhiêu thăng trầm và tranh cãi, chiếc áo lông ấy vẫn hiện diện trong thế giới thời trang, sừng sững như một tượng đài nguy nga không dễ gì đánh đổ.

Không chỉ trong thời hiện đại, những chiếc áo lông thú mới nằm ở tầng thượng lưu và xa xỉ như vậy. Ở những cộng đồng đầu tiên trong lịch sử loài người, áo lông thú tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự uy dũng khác thường. Những chiếc áo lông thời kỳ này (và xuyên suốt quãng thời gian dài sau đó) chỉ được dùng cho tầng lớp tinh hoa, thống trị và vua chúa.

Từ thế kỷ 19, sự tiến bộ trong khoa học công nghệ cho phép việc xử lý và thiết kế áo lông thú trở nên dễ dàng hơn. Chúng cũng dễ tiếp cận hơn, với giá thành thấp hơn so với nhiều thế kỷ trước đó. Áo lông thú, giờ đây xuất hiện với nhiều màu sắc và kiểu dáng. Chất lông cũng ngày càng trở nên trơn mượt, tinh tế. Năm 2000, Harper’s Bazaar từng đưa lên tạp chí hình ảnh chiếc áo lông chồn của Fendi có giá 95.000$. Đây là một trong số 14 chiếc áo lông hiếm hoi trên thế giới có đủ 4 màu: đỏ fuchsia, tím hoa oải hương, xanh, đen và nâu đen. Kỹ thuật xử lý tốt đến mức chúng có độ mịn và óng gần như nhung.

Áo khoác lông trong phim

Áo khoác lông trong phim The Birds năm 1963.

Thế hệ các nhà thiết kế Pháp là những người đầu tiên đưa áo lông thú vào thế giới thời trang. Từ những năm đầu 1900, Jeanne Paquin và Paul Poiret đã thường xuyên dùng lông thú trong các bộ sưu tập. Đến năm 1930, áo lông được sử dụng cho phần cổ áo, tay áo hay toàn bộ áo khoác. Những nhà mốt hàng đầu thế giới cũng đều có nhiều loại lông thú khác nhau. Nếu như Miucia Prada ưa dùng lông gấu trúc Mỹ cho các mẫu áo lông; thì thứ mà Albert Ferretti yêu thích chính là lông chuột. Tương tự như vậy, ở Narciso Rodriguez là cáo; Galliano là chinchilla; Marc Jacobs là chồn, và Gaultier là chồn zibelin.

J Mendel: Đẳng cấp áo khoác xa xỉ thuộc hàng thượng thặng

Tuy nhiên, nói đến thương hiệu làm áo lông thú nổi tiếng nhất, có lẽ không có cái tên nào qua mặt được J Mendel. Nếu đi đến bất cứ cửa hàng J Mendel nào, mác giá tối thiểu cũng dừng lại ở mức 12.000$. Đó là kiểu áo lông chồn đơn giản nhất. Còn với áo khoác dài Barguzin của Nga, mức giá có thể lên đến 140.000$. Ở tầm giá đó, người mua có quyền đặt ra mọi thứ ảo vọng thời trang xa vời nhất: chất liệu mềm mại, kiểu dáng quyền quý và giá trị thượng đỉnh. Một chiếc áo lông này có thể được xem như báu vật trong gia đình và truyền lại qua nhiều thế hệ.

20171907-ao-khoac-07

Vì lẽ đó, cố nhiên chúng không hề rẻ. Chính sự đắt giá cùng ý nghĩa hàm ẩn về đẳng cấp ấy khiến áo khoác lông thú trở thành món đồ thời trang được ưu ái nhất trong lịch sử Hollywood. Từ The Birds năm 1963 cho đến Sex and the City năm 2008; áo lông luôn đi đôi với phụ nữ để tạo nên hình ảnh sang trọng và gợi cảm. Chúng đã, đang và sẽ tiếp tục làm khuynh đảo thế giới thời trang trong nhiều thế kỷ nữa.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm