Angelina Jolie mở cửa hàng tại địa điểm gắn liền với Jean-Michel Basquiat và Andy Warhol

Angelina Jolie khai trương cửa hàng đầu tiên cho thương hiệu Atelier Jolie ở địa điểm gắn liền với hai tên tuổi lớn của nghệ thuật đương đại

Mặt tiền nơi trở thành cửa hàng đầu tiên của Atelier Jolie. Ảnh: Sylvester Zawadzki/Courtesy Meridian Capital Group

Là nữ minh tinh nổi tiếng hàng đầu tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Angelina Jolie gây xôn xao khi rẽ ngang để xây dựng một thương hiệu thời trang riêng, mang tên Atelier Jolie. Đây không chỉ là một thương hiệu thời trang ngôi sao bình thường mà là tổ chức “vì cộng đồng và xã hội”, tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ đang gặp khó khăn, gầy dựng một cộng đồng sáng tạo toàn cầu.

Màn phiêu lưu với thời trang mở ra một cuộc chương mới trong sự nghiệp kinh doanh và hoạt động nghệ thuật của nữ nghệ sỹ. Và viên gạch đặt nền móng cho sự phát triển thương hiệu chính là cửa hàng đầu tiên, tọa lạc tại số 57 Great Jones Street – một địa chỉ gắn liền với di sản nghệ thuật của thế giới.

Thương hiệu Atelier Jolie ấn định cửa hàng đầu tiên tại số 57 Great Jones Street, New York

Bảng tưởng niệm họa sỹ Jean-Michel Basquiat đặt ở mặt tiền. Ảnh: Sylvester Zawadzki/Courtesy Meridian Capital Group

Theo nhiều nguồn tin, không gian đầu tiên của thương hiệu Atelier Jolie có diện tích hơn 600.000 m², giá cho thuê được niêm yết lên đến 60.000 đô la mỗi tháng với thời hạn hợp đồng cho thuê tối thiểu 10 năm.

Cuộc hành trình của Angelina Jolie tại 57 Great Jones Street bắt đầu sau nhiều tháng nỗ lực tìm kiếm và thương thảo với người đại diện của toà nhà. Nữ minh tinh đã thể hiện sự quyết tâm và tình yêu nghệ thuật của mình thông qua việc kiên trì đàm phán và thường xuyên ghé thăm nơi này trong suốt sáu tháng.

John Roesch, đại diện của toà nhà chia sẻ: “Có nhiều lời đề nghị nhưng chúng tôi quyết định rằng ý tưởng của Angelina sẽ phù hợp nhất với tòa nhà”.

Không gian cộng đồng, nơi tạo công ăn việc làm cho người kém may mắn

Ảnh: Sylvester Zawadzki/Courtesy Meridian Capital Group

Mong muốn của Angelina Jolie là không chỉ tạo ra một cửa hàng, mà biến nơi đây thành một bảo tàng sống động của nghệ thuật và thời trang.

Atelier Jolie được mô tả như một “gia đình toàn cầu”, nơi tập trung những người làm nghề may từ khắp nơi trên thế giới, sử dụng 100% vật liệu tái chế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của ngành may mặc đến môi trường.  Tại đây, khách hàng có thể sáng tạo trang phục mới từ vải tồn kho hoặc làm mới những bộ đồ cũ của họ.

Ngoài địa điểm bán lẻ truyền thống, không gian này còn bao gồm quán cà phê Eat Offbeat do đầu bếp tị nạn và người nhập cư quản lý.

Bên cạnh đó, Atelier Jolie còn có một phòng trưng bày , nơi tổ chức các sự kiện giáo dục về kỹ thuật may như: thêu, sàng lọc lụa, đính đá.

Ảnh: Sylvester Zawadzki/Courtesy Meridian Capital Group

Angelina Jolie còn thể hiện mong muốn tổ chức các buổi thuyết trình về các chủ đề liên quan đến nghệ thuật và tính bền vững. Sự quan tâm đặc biệt đối với vật liệu tái chế như một động thái thể hiện cam kết của nữ diễn viên đối với việc bảo vệ môi trường cũng như sự bền vững trong ngành thời trang.

Qua đây, nữ minh tinh đã chứng minh rằng, cô không chỉ là một người nổi tiếng, mà còn là một nhà thiết kế có tầm nhìn và trách nhiệm với xã hội. “Chúng tôi hy vọng tạo ra một cộng đồng sáng tạo và truyền cảm hứng, bất kể địa vị kinh tế, xã hội”, Angelina Jolie chia sẻ.

Ảnh: Sylvester Zawadzki/Courtesy Meridian Capital Group

Angelina Jolie cam kết bảo tồn và tôn trọng di sản nghệ thuật

Trên thực tế, địa chỉ 57 Great Jones Street không đơn thuần là một không gian kinh doanh, đây còn là ngôi nhà của hai nghệ sĩ có ảnh hưởng, đóng vai trò quan trọng trong nền nghệ thuật cuối thế kỷ 20 là Jean-Michel Basquiat và Andy Warhol.

Jean-Michel Basquiat từng sống tại tầng hai của toà nhà từ năm 1983 cho đến khi anh qua đời vào năm 1988 ở tuổi 27, chỉ một năm sau khi người cố vấn của anh và cũng là chủ sở hữu của toà nhà – Andy Warhol qua đời vào năm 1987.

Andy Warhol (tóc trắng) và Jean-Michel Basquiat (tóc đen). Ảnh: Getty Images

Jean-Michel Basquiat là một hoạ sĩ thiên tài, người chỉ mất tám năm để trở thành một biểu tượng của thế kỷ 20. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi đến đáng buồn nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo nên sự ảnh hưởng lâu dài trên thế giới. Từ một kẻ nổi loạn vẽ graffiti, Basquiat nhận được sự bảo trợ của bậc thầy về nghệ thuật đại chúng (Pop Art) Andy Warhol và từng bước thăng hoa trên sự nghiệp hội hoạ. Cả hai đã song hành tạo ra nhiều tác phẩm mang tính biểu tượng kết hợp giữa phong cách nghệ thuật đại chúng của Warhol và nghệ thuật đường phố graffiti của Basquiat. Nhiều tác phẩm trong đó đã được trưng bày tại Triển lãm Basquiat x Warhol. Painting four hands được tổ chức tại Bảo tàng nghệ thuật Fondation Louis Vuitton (Paris). 

Ngay từ lần đầu bước chân vào không gian này, Angelina Jolie đã đắm chìm trong vẻ đẹp và tính lịch sử của nó. Có thể nói, cuộc phiêu lưu thời trang của cô tại 57 Great Jones Street không chỉ là một bước đi táo bạo mà còn là sự kết nối tuyệt vời giữa thời trang và di sản nghệ thuật. 

Angelina Jolie đã chứng minh bản thân không chỉ là một doanh nhân mà còn là một nghệ sĩ chân chính. Cô cam kết tôn trọng, bảo tồn và tôn vinh di sản nghệ thuật của tòa nhà thông qua việc giữ nguyên bản những tác phẩm nghệ thuật đường phố trên các bức tường như một hành động để tôn vinh họa sĩ Jean-Michel Basquiat. 

Với lòng đam mê dành cho thời trang và cam kết bảo tồn di sản nghệ thuật, Angelina Jolie đã biến một ngôi nhà lịch sử trở thành một trung tâm sáng tạo, đánh dấu một chương mới đầy tâm huyết trong sự nghiệp của nữ diễn viên. Cuối cùng, đúng như Angelina Jolie đã từng khẳng định: “Tôi là một nghệ sĩ hơn là một doanh nhân”. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm