Thực hư tin đồn Prada nhắm đến việc mua lại Versace

Nhật báo nước Ý, Il Sole 24 Ore, đưa tin rằng tập đoàn Prada đang đàm phán với tập đoàn Capri Holdings về việc mua lại thương hiệu Versace, với sự tham gia của các cố vấn từ ngân hàng đầu tư Citi. Tin này có đáng tin?

Tập đoàn Prada là một trong những tập đoàn đang có nhã ý mời thương hiệu Versace về với mình. Tin tức này phát tán qua nhật báo nước Ý Il Sole 24 Ore hồi thứ Sáu tuần trước.

Versace, Jimmy Choo đi tìm chủ sở hữu mới

Versace hiện tại trực thuộc tập đoàn Capri Holdings, cùng với Jimmy Choo và Michael Kors. Vốn Capri Holdings có kế hoạch sáp nhập cùng tập đoàn Tapri, sở hữu Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman. Tuy nhiên, kế hoạch sáp nhập trị giá 8,5 tỷ đô-la Mỹ này đã bị chặn bởi tòa án Hoa Kỳ vào tháng 11/2024.

Cả hai tập đoàn thời trang đều cho biết sẽ không tiếp tục theo đuổi dự án. Về phần mình, tập đoàn Capri Holdings đã ngỏ ý sẽ bán lại các thương hiệu một cách nhỏ lẻ. Tập đoàn này đang đối mặt với doanh số bán hàng giảm mạnh, trong bối cảnh toàn ngành thời trang xa xỉ đang đi xuống sau một giai đoạn bùng nổ kéo dài hậu COVID-19.

Tập đoàn Capri Holdings đã thuê ngân hàng tư vấn đầu tư Barclays để xem xét các lựa chọn chiến lược cho thời gian tới. Theo nguồn tin nội bộ, tập đoàn sẵn sàng bán đi hai thương hiệu Versace và Jimmy Choo cho những tập đoàn đối thủ, nếu có sự thiện chí. Do đó, tin đồn Prada muốn mua lại Versace là hoàn toàn có cơ sở.

Thương vụ mua bán và sáp nhập tạo ra một tập đoàn thời trang Ý hùng mạnh

Theo phân tích từ các nhà tư vấn của ngân hàng đầu tư Intesa Sanpaolo, Versace bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Thương hiệu này đang rất cần được tái khởi động và làm mới hình ảnh. Nếu Versace thật sự về với tập đoàn Prada, thương vụ này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Về phía Versace, sự tương đồng rất quan trọng. Một thương hiệu thời trang Ý về với một tập đoàn Ý, cả hai cùng chung nền tảng văn hóa, dễ hòa hợp và thích nghi.

Về phía Prada, tập đoàn có thể mở rộng sức ảnh hưởng để có thể đối đầu với hai tập đoàn Pháp là Kering và LVMH. Trên hết vì các thương hiệu Versace, Prada và Miu Miu không cùng chung đối tượng khách hàng. Một bên tối giản (minimalism), phi giới tính, hiện đại và có những cách diễn giải thời trang rất mới mẻ. Một bên tối đa (maximalism), quyến rũ, cổ điển, đậm chất Ý truyền thống. Kết hợp các thương hiệu sẽ giúp tập đoàn mở rộng tệp khách hàng của mình.

Tuy nhiên, Prada từng có những thương vụ mua bán và sáp nhập không mấy thành công. Hồi thập niên 1990, Prada từng mua Jil Sander và Helmut Lang, nhưng sau đó không gặp thuận lợi trong quá trình tiếp nhận và phải ngay lập tức bán đi hai thương hiệu này.

Thực hư tin đồn Prada sẽ mua lại Versace

Dẫu vậy, các nhà phân tích tài chính cho rằng không nên tin vào tin đồn Prada sẽ mua lại Versace.

Đầu tiên, hồi tháng 5/2024, tổng giám đốc điều hành tập đoàn Prada – Andrea Guerra cho biết tập đoàn không muốn thực hiện các vụ mua bán và sáp nhập lớn, vì đang muốn tập trung vào các thương hiệu mà tập đoàn đã sở hữu.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, tập đoàn Prada đã có chiến tích xuất sắc trong bối cảnh ngành xa xỉ phẩm đi xuống. Tập đoàn đạt mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước – con số vô cùng khả quan so với tập đoàn LVMH và Kering, thậm chí có thể so sánh với Hermès. Nếu mua lại Versace, Prada sẽ gặp thách thức lớn trong việc tái cấu trúc lại thương hiệu này, thậm chí là phải đổi mới tính thẩm mỹ của Versace.

Cả hai tập đoàn Prada và Capri Holdings đều chưa trả lời truyền thông về những tin đồn mua bán và sáp nhập trên.

ĐỌC TIẾP:

Trích dẫn Reuters
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm