LCDF mở tọa đàm tại Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, tọa đàm "Giao thoa Liên ngành và Văn hóa trong Thực hành Nghệ thuật và Thiết kế sáng tạo" đã diễn ra vào sáng ngày 17/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ông Douglas Maclennan – Hiệu trưởng đối ngoại của Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF) Hà Nội, phát biểu tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Sáng ngày 17/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã diễn ra tọa đàm Giao thoa Liên ngành và Văn hóa trong thực hành Nghệ thuật và Thiết kế sáng tạo tại Anh quốc và Việt Nam, do Học viện Thiết kế & Thời trang London (LCDF) tại Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Hơn 100 khách mời đã có mặt để lắng nghe chia sẻ của ông Daniel Caulfield-Sriklad về cách ứng dụng truyền thống văn hóa Việt Nam vào những sáng tạo giữa liên ngành. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của ông Douglas Maclennan – Hiệu trưởng đối ngoại của Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội.

Xoay quanh việc khám phá những câu chuyện về các tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, buổi tọa đàm cũng khuyến khích sự tương tác sáng tạo giữa các nền văn hóa, làm phong phú hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thiết kế.

Daniel Caulfield-Sriklad là nhà giáo dục, nhà thiết kế và nghệ sĩ đa ngành. Ông sử dụng thiết kế thời trang và truyền thông để khai phá những câu chuyện mới về bản sắc và sự kết nối, tập trung vào sự giao lưu văn hóa. Tác phẩm của Daniel đã được trưng bày ở nhiều đất nước trên thế giới, khích lệ khán giả khám phá cách các quy trình truyền thống và hiện đại có thể thể hiện những câu chuyện cá nhân và tập thể đầy tính sáng tạo.

Sự kết hợp giữa các lĩnh vực và văn hóa đang mở ra những hướng đi mới

Diễn giả Daniel Caulfield-Sriklad, giảng viên tại Học viện Thiết kế và Thời trang London – Hà Nội đồng thời là Nhà truyền thông và Marketing thời trang. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế sáng tạo, các phương pháp liên ngành không chỉ giúp khai phá những ý tưởng sáng tạo mà còn tạo nên những cách tiếp cận đa chiều, gắn kết kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, sự giao thoa văn hóa mang đến những góc nhìn mới mẻ, giúp người nghệ sĩ và nhà thiết kế mở rộng biên giới sáng tạo, thể hiện bản sắc riêng, đồng thời giúp tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa đa dạng, lâu đời.

Theo ông Daniel Caulfield-Sriklad, thực hành thiết kế liên ngành và liên văn hoá là hai khái niệm quan trọng được áp dụng vào trong thực hành. Ông muốn chia sẻ điều này đến với khán giả Việt Nam là vì chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hoá. Ông chia sẻ:

“Khái niệm liên văn hoá là khi hai nền văn hoá giao thoa với nhau, là khi một người Việt Nam đi đến một đất nước khác và mong muốn tương tác một cách sáng tạo với một nền văn hoá mới và áp dụng điều này vào trong thực hành sáng tạo của mình.

Thông qua trải nghiệm cá nhân khi là một người con lai Thái Lan và Ireland, tôi cũng muốn chia sẻ với khán giả Việt Nam về tầm quan trọng của việc tìm hiểu và thấu hiểu văn hóa trong thực hành sáng tạo.

Bên cạnh đó, liên ngành và kỹ năng liên ngành cũng sẽ là những kỹ năng quan trọng trong tương lai, đây là điều mà chúng tôi dạy cho sinh viên tại Học viện Thiết kế và Thời trang London. Tôi cũng muốn chia sẻ tầm quan trọng của thực hành liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề của tương lai, đồng thời giúp hình thành nên những ý tưởng mới. Rất nhiều ngành công nghiệp đang được kết hợp cùng nhau với nhau, chia sẻ cho nhau những kiến thức chuyên ngành, và đây chính là cách làm việc của tương lai.”

Đối với thực hành liên văn hóa, nhà thiết kế cần phải thấy được sự giao thoa giữa các nền văn hóa

Ông Daniel Caulfield-Sriklad chia sẻ về sự kết hợp liên ngành và liên văn hoá. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Chúng ta đang thấy sự phát triển của điều này trong các lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc,… cách mọi người áp dụng và thể hiện cách họ hiểu về văn hóa qua thực hành của mình. Điều này đang phát triển, và ngày càng nhiều các ví dụ về các nhà thiết kế đưa điều này vào trong thực hành của mình.

Đối với thực hành liên ngành, ngày càng nhiều đội nhóm làm việc theo hướng mới này, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ, AI. Nhiều ngành công nghiệp đang được kết hợp với nhau, mang tới những cuộc đối thoại chưa từng có trước đây. Chúng ta thấy được những mô hình, những cách tư duy thiết kế, những cải tiến mới để hỗ trợ thực hành liên ngành.

Ông đưa ra ví dụ về bản thân mình. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Thành công trong việc áp dụng tính liên ngành được diễn giả Daniel Caulfield-Sriklad thể hiện qua một số sản phẩm vô cùng ấn tượng.

Dự án đầu tiên bao gồm các chuyên gia từ rất nhiều các lĩnh vực khác nhau như thể thao, thiết kế,…để làm ra một sản phẩm là đôi giày Nike được làm từ đầu đến cuối bởi một sợi vải duy nhất.

Dự án tiếp theo là một ngôi nhà được tạo ra bởi kỹ thuật in 3D. Đây là một dự án tập hợp các kiến trúc sư, kỹ sư về vật liệu. Họ đã tạo ra khoảng 50 ngôi nhà như thế này dành cho những người có thu nhập thấp ở Mexico.

Và cuối cùng là dự án được cộng tác bới các nhà thiết kế thời trang với các kỹ sư AI và kỹ sư vật liệu.

Có thể thấy, để tạo ra được những sản phẩm, dự án rất kỳ công trên thì sự riêng lẻ của từng ngành nghề là không thể đáp ứng được, đòi hỏi con người phải tìm hiểu không chỉ về lĩnh vực mà mình đang làm mà còn cần phải học hỏi, trau dồi về những lĩnh vực khác có liên quan hoặc có thể giúp ích được cho bản thân mình.

Các nhà thiết kế Việt Nam có một nguồn thông tin dồi dào về kỹ thuật thủ công để chia sẻ với cộng đồng quốc tế

Cách phân tích độc đáo giúp ông tìm ra ngách riêng của bản thân. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Ông Daniel Caulfield-Sriklad nhận thấy rằng, người Việt Nam mặc dù đã trải qua một số vấn đề trong quá khứ nhưng điều này khiến họ mạnh mẽ hơn. Điều này thể hiện ở những chi tiết nhỏ trong sản phẩm mà các nhà thiết kế Việt có thể làm được. Ông dành nhiều lời tán dương cho Việt Nam:

“Nghe có vẻ hơi kỳ quặc nhưng họ có thể làm được những điều mà người phương Tây không thể. Tôi nghĩ rằng chúng ta thấy được bản sắc dân tộc đang được thể hiện rõ hơn qua những kỹ thuật thủ công, cách họ có thể diễn giải và thể hiện qua thời trang đương đại. Tôi là một người tin vào việc du lịch, đi ra ngoài quan sát những gì đang xảy ra với thế giới ngoài kia và bạn hãy diễn giải nó qua góc nhìn của một người Việt Nam.

Chúng ta có một chu kỳ thời trang diễn ra rất nhanh. Thời trang khởi nguồn từ châu Âu, ở đó có những họa sĩ vẽ tranh chân dung của giới vua chúa, quý tộc. Những bức tranh sau đó sẽ được mang tới những đất nước khác nhau trên thế giới, truyền cảm hứng cho những cộng đồng văn hóa khác để đón nhận phong cách thời trang của người được vẽ trong tranh.

Còn bây giờ chúng ta có những thương hiệu như Zara, chỉ cần 2 tuần để đưa những thiết kế bày bán ở cửa hàng. Bạn đi từ một đất nước này đến một đất nước khác và thấy mọi người mặc đồ giống nhau. Nhưng có lẽ mọi người đang muốn một cái gì đó khác biệt hơn, có thể là sự tỉ mỉ trong những chi tiết thủ công – điều mà họ chưa từng có. Mọi người luôn muốn những gì họ chưa có được và Việt Nam chắc chắn có thể đóng góp một điều gì đó.”

Sự tham gia của các nhà thiết kế, các nhà hoạt động nghệ thuật, các sinh viên chuyên ngành thiết kế và sáng tạo. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Thiết kế không chỉ là hình thức mà còn là sự giao thoa của nhiều yếu tố. Khi kết hợp các kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà thiết kế có thể tạo ra những sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Ông Daniel Caulfied Skriklad hy vọng rằng, các NTK trẻ triển vọng có thể kết hợp tính liên ngành, liên văn hoá cùng bản sắc cá nhân riêng biệt để tạo dựng chỗ đứng và mở ra ngách mới cho thị trường thời trang.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm