Coach và Versace sẽ không về chung nhà

Sau khi thua kiện FTC, thỏa thuận sáp nhập của hai tập đoàn Tapestry và Capri đã bị tòa án Hoa Kỳ ngăn chặn. Cả hai công ty đều đồng ý hủy bỏ thỏa thuận, gọi quá trình pháp lý là "không chắc chắn và không có khả năng giải quyết được".

Tập đoàn Tapestry Inc và Capri Holdings xóa thỏa thuận mua bán và sáp nhập, Versace và Coach sẽ không về chung nhà

Khi tập đoàn Tapestry, chủ sở hữu các thương hiệu Coach, Kate Spade và Stuart Weitzman, công bố ý định muốn mua lại Capri, công ty sở hữu Michael Kors, Jimmy Choo và Versace, các nhà phân tích cho biết thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ đô la này sẽ biến Tapestry trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất Hoa Kỳ, sau LVMH.

Vấn đề là Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Commission – FTC) đã đệ đơn lên tòa án vào tháng 4/2024, ngăn chặn thương vụ giữa Tapestry và Capri. FTC cho rằng Tapestry đã liên tiếp mua lại nhiều thương hiện trong thời gian ngắn – Stuart Weitzman năm 2015 và Kate Spade năm 2017. Với lý do lo ngại về luật chống độc quyền (antitrust), FTC cho rằng Tapestry nếu mua lại Capri sẽ trở thành tập đoàn độc chiếm thị trường xa xỉ giá mềm (accessible luxury).

Đại diện của Tapestry và Capri cho biết họ tin rằng lý lẽ của FTC là chưa đúng. Tuy nhiên, thẩm phán liên bang chủ trì vụ kiện đã đồng ý với FTC và bác bỏ mọi lập luận của Tapestry.

Các mẫu túi xách của Coach được đón nhận vì thiết kế dễ thương, chất lượng tốt và giá dễ chịu. Ảnh: Coach

Ban đầu, cả hai bên cho rằng họ sẽ kháng cáo. Nhưng theo các nhà phân tích trong ngành, việc kháng cáo sẽ vô cùng gian nan. Cuối cùng, Joanne Crevoiserat, Tổng giám đốc điều hành của Tapestry, đã thông báo rằng sẽ hủy bỏ thỏa thuận mua bán và sáp nhập này. Ông khẳng định Tapestry vẫn có nhiều con đường hướng tới chiến lược tăng trưởng khác.

Trong buổi báo cáo tài chính theo quý gần đây nhất, công ty đã đạt được nhiều thành tích khả quan nhờ thương hiệu Coach. Tương tự như các tập đoàn xa xỉ phẩm khác, doanh thu từ Trung Quốc giảm, song ở châu Âu lại tăng đến 27% và Đông Nam Á tăng 11%. Các dòng túi xách của Coach đều bán chạy, ngoài best-seller Tabby thì các thiết kế mới như Brooklyn và Empire cũng được đón nhận.

Với thành tích này, tập đoàn Tapestry đưa ra một ước tính lạc quan cho năm tới.

Versace năng nổ mời nhiều ngôi sao làm đại sứ, song điều này chưa ảnh hưởng lớn đến doanh số. Ảnh: @caixukun

Tuy nhiên, tình hình của tập đoàn Capri Holdings lại không mấy sáng sủa như Tapestry Inc. Tập đoàn báo cáo lợi nhuận thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích. Lý do vì Michael Kors, thương hiệu lớn nhất của Capri, ghi nhận doanh thu giảm 16%. Trong khi đó, doanh số của Versace giảm 28% cùng kỳ. Riêng Jimmy Choo tăng trưởng 6%, song doanh thu từ thương hiệu này quá nhỏ để gánh hai thương hiệu còn lại.

Theo ông John Idol, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành: “Nhìn nhận hiệu suất hoạt động của công ty trong 18 tháng qua, gần đây chúng tôi đã bắt đầu triển khai một số chiến lược mới để quay trở lại sự tăng trưởng”.

Sau nhiều thập kỷ huy hoàng, thương hiệu Michael Kors đối mặt với sự tụt dốc không phanh. Ảnh: ImaxTree

Các nhà phân tích cho rằng kết quả kinh doanh của tập đoàn Capri tệ đến vậy vì dường như nhóm quản lý cấp cao đã xao nhãng vận hành các thương hiệu trong quá trình đàm phán mua bán và sáp nhập.

Neil Saunders, giám đốc điều hành của GlobalData, nhận xét rằng Capri sẽ cần cố gắng gấp bộn lần để trở lại với những thành tích huy hoàng của trước đây, mà không có sự trợ giúp của Tapestry.

Nhìn chung, nhận xét của giới tài chính là Tapestry Inc đã tránh được một cơn đau đầu lớn khi không mua lại Capri Holdings, bởi tập đoàn này có đến hai thương hiệu đang gặp khó khăn chứ không chỉ một. Ngay khi thông tin thương vụ đã bị hủy bỏ, giá cổ phiếu của Tapestry đã tăng vọt.

“Tapestry sẽ phải gánh chịu một loạt vấn đề từ những thương hiệu đang suy giảm, và mặc dù có thể khắc phục được những vấn đề này, tập đoàn sẽ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực”, ông Neil Saunders nói.

TIN KINH DOANH THỜI TRANG:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm