Vì sao nghệ sỹ Kpop mê đắm dòng nhạc Afrobeats?

Afrobeats, chất liệu nhạc pop độc đáo đến từ Tây Phi, đang tận dụng sự chuyển mình của mạng xã hội và dịch vụ streaming để trở thành xu hướng hot trong thị trường âm nhạc quốc tế, khiến ngành công nghiệp âm nhạc Kpop phải học hỏi bản sắc.

Trong năm vừa qua, ngày càng nhiều ca khúc Kpop tìm cảm hứng từ Afrobeats và vay mượn những thanh âm, chất liệu âm nhạc đặc trưng của âm nhạc đến từ châu Phi.

Mới đây nhất, BoA vừa ra mắt ca khúc Emptiness thuộc thể loại pop dựa trên Afrobeats. Trong khi đó TRI.BE thì đưa Afrobeats vào ca khúc Diamond kết hợp với phong cách thanh nhạc nhiều layer độc đáo của mình.

Năm ngoái, Tomorrow X Together (TXT) đã đốt cháy sân khấu lễ hội âm nhạc Lollapalooza 2023 với Tinnitus mang âm hưởng Afrobeats, sau khi bày tỏ mình vô cùng yêu thích các nghệ sỹ châu Phi như Tems và WizKid.

Ngay cả Lisa, em út nhóm nhạc BLACKPINK nổi tiếng toàn cầu, cũng vừa thú nhận trên vlog rằng mình rất muốn hợp tác với Tyla, một nữ nghệ sỹ người Nam Phi đã thắng giải Grammy nhờ những sáng tác mang âm hưởng địa phương của mình.

Dường như Afrobeats đang trở thành một hiện tượng trong Kpop và hứa hẹn sẽ mang lại những màn hợp tác gây bùng nổ trong tương lai. Vậy vì đâu mà các nghệ sỹ Kpop lại mê mẩn chất liệu âm nhạc Afrobeats đến như vậy?

Afrobeats là gì?

Dịch nghĩa một cách đơn giản, Afrobeats là những tác phẩm âm nhạc bắt nguồn từ châu Phi, cụ thể là các quốc gia Tây Phi như Nigeria và Ghana. Nó còn được gọi là Afropop hay Afrofunk. Có thể xem nó như một làn sóng văn hóa đưa bản sắc châu Phi đến với thế giới, không khác gì làn sóng Hallyu với văn hóa Hàn Quốc, hay Japonism cho Nhật Bản.

Cái tên “Afrobeats” lần đầu tiên được nhắc đến trong một chương trình radio năm 2011, bởi DJ Abrantee của Choice FM ở London, Anh Quốc. Anh đã chơi các bài hát từ châu Phi trong chương trình như một cách quảng bá nền văn hóa nguồn cội của mình.

Lưu ý: Đừng nhầm lẫn làn sóng văn hóa Afrobeats với chất nhạc dân gian châu Phi Afrobeat.

Afrobeat là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ Nigeria vào những năm 1960 do nhạc sỹ Fela Kuti khai sáng, sử dụng âm nhạc truyền thống của người Yoruba xứ Tây Phi làm nền tảng. Trong khi đó Afrobeats trộn lẫn những thể loại âm nhạc nhau, vừa vay mượn hợp âm kiểu Phi từ các nền âm nhạc địa phương là Afrobeat, soca và Jùjú, vừa có hip hop, R&B… Đặc điểm nhận diện của thể loại nhạc Afrobeats là dùng bộ gõ truyền thống của châu Phi làm nền tảng.

Cả thế giới đu đưa cùng nhịp đập châu Phi

Sau khi các nghệ sĩ Mỹ gốc Phi khẳng định vị thế của mình trong làng nhạc quốc tế, giờ đến lượt châu Phi lên tiếng với Afrobeats. Có thể thấy rõ ràng từ con số kỷ lục 9 đề cử Grammy mà các nghệ sỹ châu Phi giành được trong năm 2022, Afrobeats đóng góp quá nửa lượng tác phẩm trong thành tích này. Trong năm 2021, Burna Boy và Wizkid – hai cái tên sáng giá nhất của Afrobeats – cũng đã kịp ẵm về hai tượng vàng Grammy cho riêng mình.

Sự hợp tác giữa các nghệ sĩ Afrobeats và các ngôi sao nhạc pop phương Tây cũng ngày càng gia tăng. Phần lớn thành công này là nhờ sự phát triển của các nền tảng nhạc số, đặc biệt là Spotify.

Theo dữ liệu do Spotify công bố, từ năm 2017 đến năm 2022, các ca khúc thuộc thể loại Afrobeats trên Spotify đã nhận được lượt nghe (stream) tăng 550%. Chỉ riêng trong năm 2023, nhạc Afrobeats đã được phát trực tuyến hơn 14 tỉ lần trên ứng dụng này. Trong đó, London, Paris và Nairobi là 3 trong số 5 thành phố đóng góp nhiều lượt nghe cho thể loại nhạc này nhất.

Vào tháng 6/2023, Spotify ra mắt Afrobeats: Journey of a Billion Streams, một trang web dành riêng để tôn vinh thể loại này. Tới tháng 9/2023, ca khúc Calm Down của Rema có sự góp mặt của siêu sao Selena Gomez đã gia nhập Câu lạc bộ Tỉ phú của Spotify, một danh sách gồm gần 600 bài hát với hơn 1 tỉ lượt phát trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một ca khúc do nghệ sỹ châu Phi dẫn đầu đạt được một tỉ lượt phát trực tuyến trên Spotify.

Ngoài Spotify, các nền tảng âm nhạc khác như Apple Music, Youtube đều đề xuất những Playlist tự động, liệt kê các tác phẩm hot từ các nghệ sỹ châu Phi. Còn Facebook và Instagram giúp các nghệ sỹ kết nối với người hâm mộ, tạo thành một cộng đồng nghe nhạc Afrobeats xuyên biên giới.

Sự tương đồng giữa Afrobeats và Kpop

Trong số các trào lưu âm nhạc TikTok đình đám nhất trong năm 2021 có sự góp mặt của Love Nwantiti của Ckay và Peru của Fireboy DML – hai ca khúc Afrobeats hát theo phương ngữ pidgin của đất nước Nigeria. Trong giai đoạn cao điểm giữa năm 2021, hai nền tảng TikTok và Instagram ghi nhận tới 10 triệu video cài nhạc Love Nwantiti mỗi tuần. Nửa tiếng Anh nửa phương ngữ, nhưng hai ca khúc này vẫn khiến hàng triệu người dùng phương Tây mê đắm, không khác gì các ca khúc Kpop pha trộn giữa tiếng Hàn và tiếng Anh.

Từ phía Kpop, các nhà sản xuất âm nhạc đã phải để ý đến Afropops và Afrobeats vì sự lan tỏa mạnh mẽ của nó đến khắp thế giới. Trích lời ông Bang Si Hyuk, chủ tịch HYBE trong một bài phỏng vấn cùng tờ Variety, ông cho rằng sự nhiệt tình của người nghe với Kpop đã giảm bớt trong khoảng 5 năm trở lại.

“Dù Kpop đạt được những thành tích trăm triệu view trên YouTube nhưng về độ toàn cầu hóa, nó không thực sự hot như bạn nghĩ và không chiếm được thị trường rộng lớn toàn cầu. Nhìn vào các chỉ số xuất khẩu và nghe nhạc trực tuyến của chúng tôi, sự chậm lại trong tăng trưởng là rất rõ ràng. Trong khi đó, nhạc Latin và Afrobeats đang thực sự phát triển mạnh mẽ”.

Vì lẽ đó, cộng đồng sản xuất âm nhạc Kpop đã bắt đầu nhắm đến việc học hỏi Afrobeats – làn sóng âm nhạc rất đỗi thành công trên thị trường quốc tế dù không dùng tiếng Anh làm chủ đạo.

Khi Kpop học hỏi Afrobeats

Mấy năm gần đây, âm hưởng Afrobeats đến với Kpop qua những bản nhạc Remix hoặc B-side của các nhóm nhạc. Đa số thể loại này sẽ xuất hiện trong các ca khúc của nghệ sỹ nam khi họ kết hợp với các nghệ sỹ gốc Phi ví dụ như BTS, TXT, NCT 127, JAY PARK,…

Tiên phong có lẽ là BTS với ca khúc Idol kết hợp với Nicki Minaj năm 2018, sử dụng chất nhạc điện tử pha lẫn với nhạc cụ Hàn Quốc truyền thống và bộ gõ kiểu Phi.

Tuy nhiên, trong năm 2024, màn kết hợp với Afrobeats đã được Kpop ưu tiên đẩy lên ca khúc chủ đề hoặc các đĩa đơn. Các nghệ sỹ nữ cũng thử sức với chất liệu âm nhạc này, dù có hay không kết hợp với các nghệ sỹ gốc Phi.

Điển hình như nhóm nhạc TRI.BE với ca khúc Diamond. Không có nhiều nhóm nhạc nữ Kpop sáng tác bài hát của họ theo thể loại Afrobeats. Mặc dù nhóm đã có một số tác phẩm thêm thắt chất Afrobeats vào giai điệu trước đây, nhưng Diamond là lần đầu tiên nhóm dùng chất liệu âm nhạc này xuyên suốt ca khúc. Lối chơi thanh nhạc nhiều tầng lớp của TRI.BE đồng điệu với âm hưởng từ phi Châu và nhóm được cho là sẽ tiên phong trong thể loại Kpop x Afrobeats.

Tuy nhiên, có một sự thực là ngoài Idol của BTS, đa phần các ca khúc vay mượn Afrobeats chưa thực sự có nhiều view. Tinnitus của TXT thậm chí không có MV. Emptiness của BoA ra mắt được nửa tháng vẫn chưa đầy 3 triệu view trên YouTube. TRI.BE còn là một nhóm nhạc quá mới khi vừa thành lập năm 2021 và lại không đến từ Big 4 nên sức ảnh hưởng cũng còn giới hạn.

Tuy nhiên, chắc chắn việc kết hợp với những thanh âm từ Afropops vẫn sẽ là một xu hướng trong tương lai của Kpop. Bởi Kpop luôn phát triển và thay đổi, học hỏi và vay mượn các chất liệu âm nhạc khác nhau như hip hop, R&B, jazz, EDM, latin… để mang lại tác phẩm dễ nghe, dễ cảm cho người nghe nhạc.

XU HƯỚNG TRONG KPOP:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm