6 lý do vì sao Dior New Look không chỉ là một phom dáng hay một bộ sưu tập

BST New Look của Christian Dior hồi phục sự hưng thịnh cho ngành thời trang Haute Couture Pháp hậu Thế chiến II và phom dáng của BST chính là minh chứng cho sự phục hưng của ngành thời trang cao cấp

Ảnh: Roger Do Minh for The New Look / Apple TV+

Trong khi trang phục chỉ đóng vai trò phụ trong phim Feud: Capote vs. the Swans, chúng lại trở thành tâm điểm trong series The New Look (2024). Bộ phim này được đặt tên theo phom dáng (silhouette) đặc trưng trong bộ sưu tập đầu tay của nhà thiết kế quá cố Christian Dior.

Ra mắt vào ngày 12/2/1947, dáng vẻ mềm mại và uốn lượn tôn vinh vóc dáng đồng hồ cát của Christian Dior đã gặt hái thành công rực rỡ. Nó vừa mang tính chất biểu tượng, biểu thị sự phục hưng của ngành thời trang Haute Couture Pháp sau thời kỳ bị Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đồng thời còn là sự thành công về mặt thương mại khi tạo nên một dấu ấn lịch sử trong ngành thời trang và là bước định hình cho xu hướng thời trang hậu chiến.

Sau đây là tất những gì bạn cần biết về phom dáng cổ điển, truyền thống của nhà mốt nước Pháp và bộ sưu tập New Look định hình Dior.

>>> ĐỌC TIẾP: NHỮNG BỘ PHIM HAY NHẤT VỀ ĐẾ CHẾ THỜI TRANG CHRISTIAN DIOR

1. New Look là một phom dáng (silhouette), và nay đã trở thành phom dáng truyền thống của Dior

Christian Dior, The New Look

Diễn viên Sophia Vesna khoác lên mình bộ Bar Suit của Dior. Ảnh: The New Look / Apple TV+

Vào tháng 12/1946, chưa đầy 2 năm sau khi Paris được giải phóng, Christian Dior đã mở ra thương hiệu thời trang riêng với sự hỗ trợ từ Marcel Boussac, người được mệnh danh là “King of Cotton” (ông hoàng vải bông).

Ngay từ những bước đầu, ông đã gặt hái thành công với phong cách New Look. Phom dáng này đã phá vỡ xu hướng của những đường thẳng cứng cáp trong trang phục bằng việc đưa vào những đường cong mềm mại. Những chiếc áo hình hộp (boxy) và chân váy cắt thẳng boong đơn giản phụ nữ thường mặt trong thời kỳ chiến tranh được thay thế bởi áo khoác siết eo và chân váy midi tốn vải cực kỳ xa hoa.

Nhà thiết kế đã chia sẻ trong hồi ký của mình rằng, “Do chiến tranh, hình ảnh phụ nữ vẫn mang dáng vẻ của những nữ chiến binh Amazon. Tuy nhiên, tôi đã tạo ra trang phục cho những người phụ nữ xinh đẹp như bông hoa, với bờ vai tròn đầy, ngực nở nang và vòng eo thon gọn trên nền váy xòe rộng”.

Bộ sưu tập New Look đã đánh dấu sự quay trở lại của những quan niệm truyền thống về vẻ đẹp nữ tính. Nhìn lại phản ứng của công chúng với bộ sưu tập đầu tay, Christian Dior đã viết, ‘Tôi tin rằng sự nhiệt thành này bắt nguồn từ việc tôi đã khôi phục lại nghệ thuật xa hoa bị quên lãng.”

Tri ân tầm nhìn của nhà sáng lập, thương hiệu Dior ngày nay vẫn dùng phom dáng New Look với đường siết eo và tùng váy loe để làm nền tảng cho mọi thiết kế của mình. Độ siết eo của váy áo dẫu có thay đổi theo thời gian – bây giờ nhẹ nhàng hơn khi so với năm 1946 – nhưng chưa bao giờ mất đi.

2. Christian Dior không đặt tên cho dòng sản phẩm của mình là New Look

Diễn viên Glen Close thủ vai tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ Carmen Snow, người đã đặt tên New Look cho BST đầu tay của Christian Dior. Ảnh: Apple TV+

Trong buổi ra mắt đầu tiên ở Paris, Christian Dior đã giới thiệu 2 kiểu dáng độc đáo: corolla (hình dáng giống như bông hoa cẩm chướng úp ngược, với chiếc váy xếp ly mềm mại xòe ra từ phần eo thon) và hình số tám (nhấn mạnh vòng ngực quyến rũ và vòng eo thon gọn của phụ nữ).

“La ligne corolle,” sau này được biết đến với tên gọi “New Look”. Cụm từ “New Look” do tổng biên tập Carmel Snow của tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ đặt tên đã nhanh chóng trở nên phổ biến.

Bettina Ballard kể lại trong hồi ký: “Sau buổi ra mắt, chúng tôi đã thử những bộ váy xếp ly mới. […] Mọi người đều nói rằng tôi phải mua ngay chiếc váy mang tên 1947, và khi tôi trở lại New York, chiếc váy đã mang lại cho tôi một khoảnh khắc nổi tiếng ngắn ngủi. Thậm chí người lái taxi cũng hỏi tôi ‘Đây có phải là New Look không?’ Và thế là, cụm từ đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong từ vựng hàng ngày của chúng tôi.”

>>> XEM THÊM: NEW LOOK: BỘ SƯU TẬP CỦA DIOR LÀM THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG

3. Phom dáng New Look thực chất không phải là phong cách mới

Édouard Manet, Nana, 1877. Ảnh: Heritage Images

Trên thực tế, những chiếc đầm siết eo và có tùng loe không mới. Đó là phom dáng quen thuộc của trang phục châu Âu suốt hàng trăm năm cho đến tận những năm 1910. Những chiếc áo corset siết eo mặc cùng đầm có tùng rộng và xoè to sau thập niên 1910 bị ruồng bỏ vì bị đánh giá là gây gò bó cho phái nữ. Lời kêu gọi giải phóng phụ nữ giúp những bộ vest suôn thẳng của Coco Chanel lên ngôi.

Suốt từ thập niên 1910 đến 1950, thời trang cho phái nữ hướng về sự thoải mái, dễ mặc, đánh dấu giai đoạn phụ nữ tăng cường gia nhập lực lượng lao động và đòi hỏi tủ đồ năng động, gọn gàng hơn. Do đó, khi quý ngài Christian Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tay trở về với phom dáng cổ điển, phom dáng này bỗng nhiên tạo cảm giác mới mẻ cho người xem nên mới được gọi là New Look.

4. Tuy nhiên, buổi trình diễn New Look của Dior gây tiếng vang vì tái hiện vẻ đẹp nữ tính đã bị lãng quên

Ảnh: Roger Do Minh for The New Look / Apple TV+

Tuy phom dáng New Look không thật sự mới như cái tên của bộ sưu tập, những thiết kế của Dior vẫn tạo cảm giác mới cho phụ nữ Pháp thời bấy giờ, những người đã trải qua những năm tháng gian khổ vì chiến tranh. Việc thắt lưng buộc bụng chi tiêu suốt thời gian dài khiến họ quên mất cảm giác được ăn diện và khoe vẻ đẹp nữ tính của mình. Khi chiêm ngưỡng các thiết kế của Christian Dior, kỷ niệm về những năm tháng đẹp đẽ yên bình ùa về khiến họ không thể không bàn tán xôn xao về các mẫu thiết kế.

Theo nữ nhà báo và tác giả Bettina Ballard, bộ sưu tập New Look của Christian Dior đã tái định hình haute couture nước Pháp, biến thập niên 1950 thành thập niên huy hoàng của ngành thời trang cao cấp. Trích hồi ký In My Fashion của cô:

“Paris luôn đặt thời trang lên hàng đầu, nhưng thời trang sau chiến tranh đã trở nên lỗi thời và thiếu sức sống. Ai nấy đều kỳ vọng Christian Dior sẽ thổi một làn gió mới, mang lại sức sống cho ngành công nghiệp này. […]

Ngồi trên chiếc ghế mạ vàng trong salon màu xám nhạt, nơi có chiếc gương lò sưởi được Dior trang trí bằng hoa baroque rực rỡ, tôi cảm nhận được một không khí căng thẳng, một cảm xúc chưa từng có trong ngành công nghiệp Haute Couture.

Bộ phim xây dựng lại toàn cảnh buổi biểu diễn năm 1947. Ảnh: Roger Do Minh for The New Look / Apple TV+

Người mẫu đầu tiên bước ra làm lật tung gạt tàn bằng đường viền mạnh mẽ của chiếc váy xếp ly với những chuyển động quay cuồng trong không gian hẹp khiến tất cả mọi người đều dồn sự chú ý. Không ai dám bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào của sự kiện trọng đại này.

Chỉ sau vài bộ trang phục, tất cả khán giả đều nhận ra rằng Dior đã tạo nên một phong cách mới mẻ và ông Boussac có một cuộc đầu tư an toàn nhất trong lịch sử thời trang. Chúng tôi đã được chứng kiến một buổi trình diễn hoàn hảo, một điều chưa từng có trong bất kỳ nhà may Couture nào. Chúng tôi đã chứng kiến một cuộc cách mạng thời trang.”

5. Bộ sưu tập làm sống lại ngành thời trang cao cấp nước Pháp

Christian Dior coi công việc của mình như là việc tạo nên những kiệt tác kiến trúc làm tôn lên vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ. Ảnh: Keystone/Getty Images

New Look không chỉ mang vẻ đẹp hoài cổ mà còn là sự phục hưng của những “kỹ thuật đã bị lãng quên từ lâu” theo lời Dior. Ông đã tái sử dụng đệm hông và lớp lót từ vải cambric và taffeta trong quá trình may mặc, với một số phần được thực hiện bởi Pierre Cardin.

Christian Dior từng viết trong cuốn sách Dior by Dior rằng: “Một diện mạo mơ màng chỉ có thể đạt được qua những kỹ thuật thủ công tinh xảo. Để thỏa mãn niềm đam mê kiến trúc và thiết kế, tôi đã áp dụng một phương pháp hoàn toàn khác biệt so với những kỹ thuật may mặc thông thường – tôi muốn quần áo của mình được tạo ra như những công trình kiến trúc.”

Dior cũng chia sẻ rằng ông đã đam mê kiến trúc từ khi còn nhỏ. Bị gia đình và hoàn cảnh cản trở, ông đã không thể thỏa mãn đam mê này cho đến khi ông tìm thấy cách thể hiện nó qua may mặc. Ông coi công việc của mình như là việc tạo nên những kiệt tác kiến trúc làm tôn lên vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ.

>>> ĐỌC TIẾP: THẬP NIÊN 1950: THỜI KỲ VÀNG SON CỦA THỜI TRANG HAUTE COUTURE VÀ CHRISTIAN DIOR

6. New Look không chỉ gói gọn trong một phom dáng thời trang hay tên bộ sưu tập…

…mà còn đại diện cho một tinh thần sống đầy lạc quan ở nước Pháp vào thập niên 1950.

Dior, New Look

Ảnh: X @diorangxl

Bộ sưu tập New Look ra mắt ngay sau thời kỳ chiến tranh kinh hoàng Paris chấm dứt. Nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi của Lucien Lelong, người tiền nhiệm của Dior, người Đức đã phải từ bỏ âm mưu di dời ngành công nghiệp Haute Couture khỏi nước Pháp.

Sự ra mắt của Christian Dior do đó được xem như cột mốc đánh dấu sự trỗi dậy của ngành thời trang Haute Couture Pháp. Dior đã viết: “Điều kỳ diệu đã xảy ra khi xu hướng thời trang của tôi gặp gỡ xu hướng của thời đại, từ đó, nó đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”

Những thiết kế của Dior, với sự phong phú về chất liệu, đã trở thành biểu tượng của niềm lạc quan và hy vọng. Nhà thiết kế Valentina, một trong những khách hàng của Dior, bày tỏ: “Đôi khi, chỉ cần một người dám khẳng định lại những khát khao và mong đợi sâu kín nhất. Chiến tranh đã để lại sự nghèo đói, đau khổ, nỗi sợ hãi, kinh hoàng và cái chết. Nhưng bộ sưu tập của Dior lại là sự ca ngợi cuộc sống; nó mang lại sự tinh tế, xa hoa và sự mộng mơ.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm