8 lỗi thường gặp khi chọn và bảo quản sofa cho phòng khách

Để chọn mua sofa cho phòng khách cần nhiều công phu đầu tư, một khi đã mua thì khó mà thay đổi. Hãy tìm hiểu những cách giúp món đồ nội thất này của bạn lâu bền nhất có thể.

Việc chọn sofa cho phòng khách luôn là một lựa chọn khó khăn. Sofa là món đồ nội thất “đinh” của căn phòng. Đây cũng là sản phẩm quyết định phong cách thiết kế nội thất của phòng khách.

Tuy nhiên, do chúng ta sử dụng sofa thường xuyên mà món đồ này cũng dễ xuống cấp. Nhiều người lại không biết cách bảo quản sofa đúng. Hãy cùng tham khảo những tư vấn cách chọn sofa cho phòng khách vừa đẹp, vừa tăng cường tuổi thọ của sofa sau.

1. Bạn chọn sofa cho phòng khách bằng loại da thuộc khó bảo quản

Có nhiều loại da thuộc khác nhau cho sofa, như da thuộc aniline, semi-aniline, wax/oil, split grain, bonded…

Sofa bằng da thuộc luôn sang trọng và bền lâu. Chí ít, đây là cảm nhận của đa số chúng ta. Nhưng không phải loại da thuộc nào cũng bền như nhau.

Có nhiều loại da thuộc dễ trầy xước, bị ố hay phai màu. Ví dụ, nếu nhà bạn có nuôi chó mèo, không nên chọn sofa cho phòng khách bằng da kéo bằng sáp hoặc dầu (waxed/oiled leather), vì móng vuốt chó mèo có thể cào qua lớp bảo vệ này. Hoặc nếu bạn có con nhỏ ở nhà, không nên chọn sofa bằng da thuộc kiểu matte hay bằng da lộn (suede), vì hai loại da thuộc này dễ bị ố hay vương màu.

Trước khi quyết định chọn sofa cho phòng khách, bạn hãy hỏi kỹ nhân viên tư vấn về thể loại da thuộc của sofa. Hiểu kỹ về tính chất của loại da thuộc sẽ giúp bạn chọn sản phẩm phù hợp hơn.

2. Bạn chọn sofa vải mà không nghiên cứu chất liệu vải

Sofa vải có nhiều màu đẹp, tiệp vào căn nhà, nhưng đồng thời dễ dơ

Có thể bạn quyết định không mua sofa cho phòng khách bằng da thuộc vì mức giá quá cao hay bạn cho là quá nóng đối với tiết trời Việt Nam. Bạn quyết định chọn sofa vải vì có nhiều màu sắc cho bạn chọn lựa hơn.

Trước khi chọn mua sofa vải, hãy đặt ra những câu hỏi sau: Chất liệu vải bạn chọn có dễ dơ, dễ giặt? Nó có lâu bền và khó sờn rách? Khi ngồi lên có thoải mái hay sẽ gây khó chịu vì bề mặt xù xì và tích tĩnh điện?

Thậm chí, bạn có thể xem cả những mẫu sofa ngoài trời. Đây là lựa chọn tốt cho những gia đình có thú cưng hay trẻ em. Chất liệu vải của sofa ngoài trời cứng cáp và chống bẩn tốt hơn các loại vải cho sofa trong nhà.

3. Bạn không chuẩn bị sản phẩm phù hợp để tẩy rửa sofa trong sự cố khẩn

Như Harper’s Bazaar đã nhắc ở trên, mỗi loại chất liệu, do dù là vải hay da thuộc, đều có một quy cách tẩy rửa riêng. Mỗi loại chất liệu có thể dùng một loại sản phẩm vệ sinh riêng.

Sau khi đã tậu sofa về, bạn hãy chuẩn bị sẵn trong nhà các sản phẩm tẩy rửa phù hợp. Khi sofa của bạn bị vướng vệt dơ, bạn có thể mau chóng gột rửa nó để hạn chế vết ố thấm vào sofa. Ngoài ra, nhiều người chủ quan sử dụng đại một chất tẩy rửa nào đó – và sản phẩm không phù hợp cho chất liệu của sofa. Kết quả là họ càng thêm làm hỏng chiếc sofa của mình.

Khi gột rửa sofa, hãy nhẹ nhàng lau chùi thay vì chà quá mạnh. Bạn cũng nên thử nghiệm sản phẩm tẩy rửa ở một góc nhỏ của sofa, để đảm bảo là nó sẽ không làm hư hại chất liệu của sofa, trước khi bắt đầu gột rửa trên diện rộng.

4. Bạn không chăm sóc cho sofa bằng da thuộc

Serena & Lily pha trộn mid-century modern với phong cách sống bờ biển của California. Ảnh: Serena & Lily

Ảnh: Serena & Lily

Một năm hai lần, bạn nên gọi dịch vụ bảo trì sofa, hoặc tự tay mình chăm sóc cho chiếc sofa. Để giữ vững độ bền và bóng bẩy của nó, loại bỏ những vết rạn nứt do da bị khô khi tiếp xúc với ánh mặt trời, hoặc hạn chế bong tróc vì trầy xước. Việc bảo trì, bảo dưỡng sofa định kỳ sẽ giúp cho món đồ nội thất của bạn lâu bền hơn.

5. Bạn luôn ngồi ở một vị trí cố định…

Có thể góc ngồi phía gần tay cầm sofa thoải mái và dễ chịu nhất. Nhưng việc luôn an tọa ở cùng một chỗ, lâu ngày, sẽ gây hư hỏng cho sofa nhanh hơn. Bạn liên tục “mài mòn” một góc sofa, trong khi góc kia thì không đụng đến. Lâu ngày, sự khác biệt giữa hai góc của sofa sẽ trông thấy rõ. Vì vậy, bạn hãy thường xuyên thay đổi vị trí ngồi nhé.

6. …và không xoay chiều gối dựa lưng sofa

Gối dựa lưng thường bị bỏ quên trong công cuộc vệ sinh hàng ngày. Ảnh: Metro Mode

Tương tự như việc chỉ ngồi một vị trí trên sofa, việc không xoay chiều gối dựa lưng sẽ làm xẹp gối ở một bên cố định. Về lâu ngày, bên bị xẹp sẽ không còn mềm mại hay có độ êm ái tốt cho lưng nữa.

Không chỉ xoay chiều gối, hãy kéo dãn hình dáng gối khoảng mỗi tháng một lần. Hành động này sẽ giúp cho gối dựa lưng sofa của bạn luôn đầy đặn như mới. Cuối cùng, nên giặt gối dựa lưng khoảng 3 tháng/lần để loại bỏ bụi bẩn và mồ hôi.

7. Đã lâu rồi bạn không hút bụi ghế sofa

Bạn thường xuyên hút bụi dưới chân ghế, thế còn bên trong các góc kẹt của ghế thì sao? Những góc này tích trữ nhiều bụi bặm hơn bạn nghĩ đấy. Chúng có thể là thủ phạm khiến bạn hay bị hắt-xì, nhảy mũi.

Khi hút bụi cho ghế sofa, ngoài các ngóc ngách giữa đệm ghế, đừng quên hai bên thành ghế và lưng ghế. Đặc biệt là sofa vải vì chất liệu vải có thể giữ bụi khá lâu.

8. Đừng vội bỏ cuộc với chiếc sofa cũ

Bạn có thể bọc lại cả sofa vải lẫn sofa da thuộc. Ảnh: Home Edit

Có thể bạn đã sở hữu chiếc sofa từ lâu và từ trước khi đọc bài viết này. Chiếc sofa phòng khách của bạn đã trông sờn và cũ. Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta không nỡ bỏ chiếc sofa này. Nó tượng trưng cho nhiều kỷ niệm đẹp, là món quà từ người thân khi bạn chuyển đến không gian sống mới, hoặc được đặt làm riêng cho bạn.

Nếu cấu trúc của chiếc sofa của bạn vẫn còn vững chắc, chỉ là bề ngoài đã cũ sờn, bạn có thể chọn giải pháp bọc lại sofa. Đồng thời, hãy nhờ công ty gia cố lại phụ tùng bên trong, ví dụ như lót thêm bông cho gối hay sửa lại lò xo trong sofa.

>>> Xem thêm: BÍ QUYẾT TRANG TRÍ NHÀ ĐẸP: NGÔI NHÀ CŨNG CẦN TRANG SỨC

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm