3 điều có thể bạn chưa biết về thời trang phim Bridgerton trên Netflix

Hé lộ những sự thật đầy bất ngờ quanh câu chuyện thời trang của series phim hot nhất nhì Netflix

Nói đến Bridgerton – series hot nhất nhì trên Netflix lúc này – là nhắc đến hai điều: Một là cốt truyện đậm chất “bà tám” với một chuỗi những cảnh nóng triền miên. Hai là độ xa hoa, cầu kỳ của phục trang trong phim.

Tạm không nói đến yếu tố nội dung đặc biệt kích thích những tâm hồn mê dòng phim lãng mạn, Bridgerton thật sự cho thấy sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất ở khâu tạo hình. Có lẽ không ngoa khi nói bộ phim là làn gió mới về thời trang quý tộc Anh.

Thay vì điểm lại tất thảy những bộ cánh cầu kỳ trong phim, Harper’s Bazaar sẽ hé lộ cùng bạn ba điều có thể bạn chưa biết về thời trang của series phim ăn khách này.

Điều tươi mới của tấm áo cũ kỹ

Mặc dù bối cảnh phim là gia đình quý tộc Anh thời Nhiếp chính, Bridgerton thực chất lại không mang tính lịch sử. Chính vì điều này mà phim hoàn toàn tự do sáng tạo từ câu chuyện đến thời trang.

Yếu tố hư cấu đã giúp các trang phục phần nào bay bổng hơn. Cụ thể là màu sắc vải vóc đều mang gam màu sáng. Những nữ nhân của nhà Featherington diện từ hồng phấn, đến vàng nhạt rồi xanh với họa tiết hoa nhí. Ngoài ra, những đính kết lấp lánh hay phụ kiện cũng có phần khoa trương hơn thực tế.

Bạn hẳn cũng nhìn ra: Không ít bộ cánh trong phim thậm chí còn rất hợp gu thời trang hiện đại. Điều này cũng không phải trùng hợp ngẫu nhiên. Các trang phục được khéo léo pha phố để có màu sắc thế kỷ 20 cùng tính ứng dụng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Dù cho bối cảnh phim là ở thế kỷ 19!

Được biết, cảm hứng đầu tiên cho trang phục đến từ Chris Van Dusen, tác giả của series Bridgerton. Stylist Ellen Mirojnick ngay lập tức nghĩ đến những tác phẩm của Genieve Figgis. Bà là một nghệ sỹ tài ba với lối “chơi” màu đầy thú vị. Không gian màu sắc đó cũng chính là những hình dung ban đầu về Bridgerton. Ekip sau đó tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ Nhiếp chính ở London 1813. Rồi chuyển sang những hình ảnh của thế kỷ 18, 19 và 20. Thế giới Bridgerton được sinh ra từ sự kết hợp này.

7500 trang phục, 238 thợ sản xuất, 5 tháng chuẩn bị

Là con số ước lượng cho tổng số phục trang được chuẩn bị chỉ cho Bridgerton! Để hoàn thành số lượng lớn quần áo này, cần đến hơn 238 thợ lành nghề và tiêu tốn ròng rã 5 tháng chuẩn bị.

Trong đó, riêng trang phục của nữ chính Daphne Bridgerton đã là 104 bộ. Còn các công nương quý tộc khác cũng không hề kém cạnh. Họ chưng diện 10 bộ đầm dạ hội khác nhau cho 10 buổi yến tiệc. Cũng không đếm xuể số lần họ thay đồ từ sáng đến tối. Nên con số 7500 kia âu cũng hợp lý!

Theo chia sẻ của stylist, ekip đã cất công xây nên một “tủ quần áo” đồ sộ cho bộ phim. Lý do là bởi chẳng có những bộ trang phục có sẵn nào đáp ứng đủ tiêu chí của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, trang sức được sưu tầm từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vương miện thì đến từ Ý và Anh. Đặc biệt, những chiếc vương miện chính đến từ kho tư liệu Swarovski Archive.

Bí mật đằng sau chiếc áo corset

Một trong những item đinh của thời trang giai đoạn này là chiếc áo corset. Dĩ nhiên, nó không thể vắng mặt trong Bridgerton. Trong lịch sử, chiếc áo thắt đáy lưng ong này từng có thời gian bị loại bỏ bởi sự bất tiện thậm chí là nguy hiểm đối với sức khoẻ. Thế nên, hẳn không ít người tò mò làm thế nào mà dàn diễn viên có thể “sống” tốt được khi phải diện nó trong suốt thời gian quay.

Câu trả lời là: Ekip phục trang đã cố gắng biến tấu để có thể giúp người mặc thoải mái nhất. Cụ thể là chỉ có phần bên dưới của áo corset là giống với bản gốc. Còn phía trên thì được nới rộng hơn, để dễ thở và cử động.

>>> Xem thêm: GIẢI MÃ Ý NGHĨA NHỮNG BỘ CÁNH CỦA BETH HARMON TRONG THE QUEEN’S GAMBIT

Ảnh: Netflix
Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm