Nhà thiết kế thời trang kỳ cựu Vivienne Westwood qua đời ngày 29/12/2022, hưởng thọ 81 tuổi. Gia đình bà cho biết nhà thiết kế qua đời trong thanh thản bên người thân, ở ngôi nhà London của mình.
Chồng bà và cũng là cộng sự kinh doanh, ông Andreas Kronthaler, chia sẻ rằng mình sẽ tiếp tục kéo dài truyền thống nổi loạn mà bà đã khơi mào. “Tôi sẽ tiếp tục mang theo Vivienne trong tim trên con đường hành trình. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc cho đến giây phút cuối và bà ấy đã giao rất nhiều trọng trách cũng như ý tưởng cho tôi. Cảm ơn vợ yêu”.
Những ngày cuối đời yên bình là một kết cục tươi đẹp cho người phụ nữ được mệnh danh là “nữ hoàng Punk”, người mang tới sự ngạo nghễ cho thời trang cao cấp, phá vỡ nhiều rào cảnh định kiến xã hội cho phái nữ.
Người làm dậy sóng làng thời trang dù không được đào tạo chính quy
Vivienne Westwood sinh ra là Vivienne Isabel Swire ở hạt Cheshire, Anh Quốc. Cha bà làm việc trong một nhà máy sản xuất xúc xích và mẹ bà phụ bán tại cửa hàng rau quả địa phương. Sự giáo dục mang đậm tính địa phương đã khiến bà không hề có một khái niệm gì về nghệ thuật cả.
Chỉ đến khi gia đình dọn đến London vào năm Vivienne 17 tuổi, bà mới đăng ký vào trường Nghệ thuật Harrow, thuộc Đại học Westminster, để học về thời trang và làm thợ bạc. Thế nhưng, với suy nghĩ trẻ con “làm sao một cô gái thuộc tầng lớp lao động có thể kiếm sống trong thế giới nghệ thuật”, Vivienne Westwood đã bỏ ngang việc học ở học kỳ sau đó.
Sau đó, bà trở thành giáo viên trường tiểu học, làm đồ trang sức và có một gian hàng ở khu phố Portobello ở phía Tây London. Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân với Derek Westwood, một thợ học việc tại nhà máy Hoover, bà bắt đầu cuộc sống mới với Malcolm McLaren, sau thành quản lý của ban nhạc rock punk Sex Pistols. Cuộc gặp gỡ của họ trở thành định mệnh khi cả hai quyết định mở boutique ở số 430 đường King’s Road.
Trở thành gương mặt tiên phong cho phong trào punk
Khi gặp Malcolm McClaren năm 1965, Vivivenne Westwood đã thốt lên, “Tôi cảm thấy cuộc đời tôi có rất nhiều cánh cửa định mệnh, và anh ấy có tất cả chìa khoá để mở chúng”.
Cửa hàng của họ ở London rất nhiều lần đổi tên. Nào là Let It Rock; Too Fast To Live, To Young To Die; Sex; rồi cả Seditionaries. Nhưng dù mang cái tên nào thì cửa hàng cũng không bị mất đi nhận diện là địa điểm tạo nên diện mạo cho làn sóng Punk ở nước Anh vào thập niên 1970.
Lấy cảm hứng từ những người chạy xe đạp và cả các cô gái làng chơi, họ cho ra đời phong cách thời trang punk nổi loạnbao gồm những bộ quần áo đính ốc, khóa kéo, rách rưới, cùng các trang sức kỳ quặc, kiểu tóc khác thường và cách trang điểm đậm. Cả thế giới đều nhớ đến cặp đôi McLaren và Vivienne đã cùng làm việc để tạo ra một cuộc cách mạng thời trang và có sức ảnh hưởng cho tới ngày nay.
Từ một cửa hàng nhỏ, họ phát triển thành một công ty chính quy, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1981 gọi là Pirate. Tuy nhiên, sự cộng tác của họ chấm dứt trước khi thập niên 1990 trôi qua, nhưng màn chia tay này không đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp Vivienne Westwood. Ngược lại, nhiều thiết kế của bà tiếp tục được ưa chuộng trong thập niên 1990-2000 và trở thành item tạo dựng cho phong cách Y2K. Có thể kể đến những mẫu corset, chuỗi vòng ngọc trai giả gắn mặt hình sao thổ, hay chiếc váy cưới cho nhân vật Carrie Bradshaw trong phim Sex and the City.
>>> XEM THÊM: VIVIENNE WESTWOOD: NGƯỜI NHUỐM MÀU Y2K CHO ÁO CORSET
Sự nổi loạn, bất cần chính là bản sắc Vivienne Westwood
Dù bà bán một chiếc áo thun in mặt nữ hoàng Elizabeth II có ghim băng gài ngang miệng, khiến giới một điệu hoảng hồn, thì năm 1992 hoàng gia Anh lại tuyên bố trao huân chương công trạng cho bà vì những gì bà đã làm được cho ngành thời trang nước nhà. Diện kiến nữ hoàng Anh để nhận giải, bà chỉ mặc mỗi một chiếc chân váy xoè cùng vớ chân xuyên thấu. Làm sao cánh báo giới biết rằng Vivienne Westwood không mặc quần lót khi nhận giải thưởng? Vì bà đã xoay một vòng để lộ điều này!
Ngày càng lớn tuổi nhưng Vivienne Westwood không vì vậy mà “đứng đắn hơn”. Bà tiếp tục hoạt náo giới thời trang với những hành động của mình.
Năm 1992, khi bà cưới sinh viên thiết kế Andreas Kronthaler ngưới Áo, cả thế giới thời trang đã nghi ngờ mối quan hệ thua kém nhau 25 tuổi của họ. Nhưng bà không quan tâm và vẫn hạnh phúc bền vững (Andreas Kronthaler hiện giờ là giám đốc sáng tạo cho thương hiệu ready-to-wear của Vivienne Westwood). Bà cũng là một người ủng hộ nhiệt liệt cho PETA và quyền động vật, cũng như những hoạt động xã hội vì thay đổi môi trường. Thời trang chính là ngôn ngữ không lời của bà để biểu đạt những suy nghĩ của mình.
“Thời trang có thể giúp thay đổi cuộc sống, và đó là một món quà vị tha tôi có thể mang đến cho người khác”, bà từng viết.
>>> XEM THÊM: DÂY CHUYỀN NGỌC TRAI VIVIENNE WESTWOOD KHÔNG BAO GIỜ HẾT MỐT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam