Zara mở cửa tại Việt Nam vào mùa hè năm nay
Cách đây không lâu, biển báo opening soon của thương hiệu thời trang khổng lồ mang tên Zara tại Vincom Lê Thánh Tôn đã làm giới mộ điệu sống trong niềm phấn khích. Được biết, Zara dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 7 này. Hãy cùng Bazaar điểm qua 3 luồn phản ứng chính của giới mộ điệu Việt về việc Zara khai trương ở Sài Gòn nhé.
“Không thể chờ nỗi”
Đó là phản ứng của đa số tín đồ thời trang. Ở Việt Nam, dù trước đây không có Zara nhưng số lượng fan của hãng thời trang fast fashion này thật sự rất đông đảo. Nếu như trước đây, giới mộ điệu chỉ có thể đắm mình vào các store lớn của Zara ở Singapore hay Thái Lan, order online và mua qua các kênh bán hàng cá nhân đơn lẻ, thì bây giờ cửa hàng Zara chính hiệu chỉ cách vài góc phố tại trung tâm sầm uất quận 1.
Lướt qua các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy xấp xỉ 80% các phản ứng đều tràn ngập sự hưng phấn, đếm ngược cho đến ngày ra mắt của các tín đồ thời trang trẻ.
“Tùy vào giá cả”
Có một sự thật rằng giá cả của các thương hiệu fast fashion được xem là khá bình dân ở Âu Mỹ, thì về Việt Nam có thể đội giá lên gấp 2 đến 4 lần. Thời gian trước, các tín đồ thời trang trẻ đã có dịp “chưng hửng” khi chưa kịp ăn mừng Topshop – một hãng high street của UK về Sài Gòn, thì phải khóc thét vì giá cao ngất tưởng như một hãng thời trang cao cấp.
Ngoài Topshop, với những người sành mua đồ ở nước ngoài cũng phải công nhận, giá cả của một thương hiệu khác là Mango ở Việt Nam cũng cao hơn hẳn so với ở châu Âu. Đây là lý do khiến cho người tiêu dùng vẫn còn ái ngại với những hãng tuy gọi là fast fashion, nhưng giá cả lại ngang ngửa với thời trang của các NTK Việt.
Vì thế, có rất nhiều tín đồ Zara tuy tỏ ra mừng rỡ nhưng đều lo lắng về việc bảng giá. Zara có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi xâp nhập vào thị trường Việt Nam. Tuy có số lượng nhu cầu đông đảo, nhưng bên cạnh đó những cửa hàng hay đơn vị online buôn bán Zara xách tay cũng nhiều hơn hẳn Mango hay Topshop. Điều này có thể đặt đơn vị phân phối Zara vào tình thế khó khăn hơn khi phải đưa ra bảng giá hợp lý.
“Vẫn ủng hộ các hãng thời trang trong nước và các nhà NTK Việt”
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ và chờ đón Zara, một phần giới mộ điệu Việt vẫn kiên quyết trung thành với các hãng thời trang trong nước và các NTK Việt. Có những bạn trẻ bày tỏ nỗi niềm khi thấy truyền thông đánh bóng và o bế các ông trùm thời trang fast-fashion. Dù chưa chính thức mở cửa nhưng báo chí đã xôn xao, săn đón đủ chứng cứ để đưa tin. Vì vậy mà thấy thương cảm cho hàng thời trang nội địa đang cố gắng từng ngày.
Điều này thật sự không khó hiểu. Lại quay về với vấn đề giá cả, có lẽ để chi một số tiền ngang ngửa cho những item thời trang “mỳ ăn liền”, giới mộ điệu sẽ cảm thấy trân trọng và nâng niu hơn những bộ đầm từ chất liệu cao cấp, cắt may cẩn thận của các nhà thiết kế trong nước.
Với 3 luồn ý kiến trái chiều như thế, Zara cũng như các hãng fast-fashion khác chuẩn bị du nhập vào Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức thực trạng tại địa phương, chứ không hề là một con đường trải đầy hoa như các bảng kế hoạch marketing và dự định doanh số mới đầu. Nhưng dù thế nào đi nữa, việc Zara về đã trở thành một cơn sốt khắp mọi nơi, và chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra nhé.
Harper’s Bazaar Việt Nam