Ý nghĩa của hoa hồng trong thời trang và nghệ thuật

Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần tình yêu Aphrodite đã bị một bụi hoa hồng trắng đâm phải khi chạy đến giải cứu người yêu Adonis. Máu của cô nhuộm đỏ những cánh hoa trắng. Hình ảnh đó đã mãi mãi gắn kết hoa hồng, đặc biệt là những giống màu đỏ, với niềm đam mê và tình yêu.

The Soul of the Rose, vẽ năm 1903 bởi John William Waterhouse. Ảnh: MutualArt

Hoa hồng đỏ thường được các cặp đôi tặng cho nhau, vì ai cũng nhớ đến hoa hồng như loài hoa của tình yêu. Thế nhưng đây không phải là ý nghĩa duy nhất của hoa hồng. Bông hoa này còn mang nhiều những hàm ý khác, tùy theo ngữ cảnh và màu sắc, cũng như theo từng xã hội trên thế giới. Khi cắm hoa hồng hay dùng hình ảnh loài hoa này trong các tác phẩm nghệ thuật, bạn nên lưu ý về thông điệp mình muốn truyền tải.

Lịch sử hoa hồng: Một biểu tượng đi cùng sự phát triển của loài người

Họ hoa hồng (tên khoa học Rosa) với hơn 10.000 giống phân nhánh được cho là có niên đại khoảng 35–40 triệu năm. Hoa hồng được cho là bắt nguồn ở các nước Địa Trung Hải, Trung Quốc và Ba Tư, với ghi chép cho thấy những giống hồng đầu tiên được trồng từ khoảng năm 500 trước Công nguyên. Hoa hồng đa dạng về chủng loại, tuổi thọ cao và có sức sống mạnh mẽ – điều này góp phần tạo nên sự phân bố rộng lớn trên khắp thế giới của các giống hoa hồng.

Tranh lụa vẽ bởi danh họa Tao Rong (1872-1927). Ảnh: Honolulu Museum of Art / Wikimedia Commons

Vì lịch sử lâu đời, không ngạc nhiên khi hoa hồng xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của loài người ở nhiều hình thức. Ví dụ được cắm hoa tươi hay ép hoa khô, khắc lên phù điêu, vẽ trong tranh sơn dầu hay thêu dệt lên váy áo.

Hoa hồng tươi đã được sử dụng tối thiểu từ ​​thời Ai Cập cổ đại và chính người Ai Cập là người đã tạo ra những bông hoa nhân tạo đầu tiên từ sừng nhuộm màu. Ở Đế chế La Mã, giới thượng lưu trồng những vườn hoa hồng công cộng như một thú chơi tiêu khiển. Còn người Trung Đông thì dùng hoa hồng chế biến thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm và trang trí nhà cửa.

Bích họa Blue Bird of Crete ở cung địa Knossos cho thấy hình chim đậu trên đá giữa hoa hồng, diên vỹ, lá xô thơm và hoa huệ. Ảnh: Olaf Tausch / Wikimedia Commons

Hình ảnh lâu đời nhất được nhận diện về hoa hồng có thể được nhìn thấy trong bức bích họa Blue-bird từ House of Frescoes ở Knossos, Crete, được vẽ khoảng 1.500 năm trước Công nguyên (ảnh trên).

Trong cuốn sách The Symbolic Rose (1954), Barbara Seward đã viết:

“Nguồn gốc của hoa hồng không chỉ kéo dài ít nhất bắt đầu từ thuở con người biết đến ghi chép, mà những cánh hoa còn chứa đựng những giá trị tích cực sâu sắc nhất mà con người từng nắm giữ. Hình tượng bông hoa hồng có tuổi đời và ý nghĩa tương đương với những biểu tượng cơ bản như biển, mặt trời, chim, ngôi sao và thánh giá”.

Những ý nghĩa đa dạng của hoa hồng

Loài hoa của nhan sắc và vẻ đẹp, lối sống phù phiếm, và sự tưởng nhớ

Tranh vẽ “The Birth of Venus” (Ngày thần Vệ Nữ ra đời), tác phẩm của Sandro Botticelli vẽ năm 1485, cho thấy chiếc vỏ sò màu hồng. Ảnh: Bảo tàng Uffizi, Ý

Hoa hồng xuất hiện trong nhiều truyền thuyết thần thoại Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là liên quan đến nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite (thần Vệ Nữ). Aphrodite được cho là đã sinh ra từ vỏ sò có màu cánh hồng. Do đó, hình ảnh hoa hồng thường được tìm thấy trong các bức tượng, phù điêu và tác phẩm nghệ thuật tôn vinh nữ thần sắc đẹp.

Tranh vẽ The Roses of Heliogabalus của danh họa Lawrence Alma-Tadema vẽ năm 1888 miêu tả cảnh Hoàng đế La Mã Elagabalus tổ chức tiệc hoa hồng. Ảnh: Wikimedia Commons

Qua đến thời kỳ La Mã cổ đại, ý nghĩa của hoa hồng còn gắn kết với lối sống phù phiếm. Giới thượng lưu La Mã sẽ dùng cánh hoa rải khắp những bữa tiệc đón chào khách quý. Tuy nhiên, loài hoa này còn đại biểu cho sự bí mật. Nếu gia chủ treo hoa hồng lên trần nhà, điều đó có nghĩa rằng những câu chuyện và lời bàn tán dưới cánh hoa sẽ được quên đi sau bữa tiệc.

Bức họa Caracalla & Geta: Bearfight in the Colosseum, vẽ bởi Lawrence Alma-Tadema năm 1907. Ảnh: Wikimedia Commons

Ngoài hai ý nghĩa trên, văn hóa Hy Lạp – La Mã cổ đại còn dùng hoa hồng để nói lên nỗi đau chia ly và mất mát. Những cành hoa đẹp nhưng đầy gai biểu thị vẻ đẹp và nỗi đau. Vì lẽ đó, hoa hồng còn là loài hoa của sự tái sinh. Đó là lý do vì sao loài hoa này được khắc trên lăng tẩm hay quan tài cổ đại.

Vào tháng Năm hàng năm, người La Mã cổ lại tổ chức lễ hội Rosalia – tương tự như tiết thanh minh trong văn hóa châu Á. Họ tết vòng hoa trang trí, dọn dẹp lăng mộ tổ tiên và ăn những món ăn được chế biến từ hoa hồng. Tháng Năm là thời điểm hoa hồng nở rộ, hàm ý mùa xuân đã đến và các vị thần sẽ tái sinh cho những linh hồn quá cố.

Hoa hồng trắng mang nhiều ý nghĩa, nhưng thường đại diện cho sự trong trắng

Pierre-Joseph Redouté. Ảnh: Heritage Auctions

Người Hy Lạp cổ đại cho rằng tất cả hoa hồng đều có màu trắng cho đến khi Aphrodite, Nữ thần Tình yêu, nhỏ máu lên cánh hoa hồng. Do đó, ý nghĩa của hoa hồng màu trắng thường là sự nguyên bản.

Dần dần, ý nghĩa này bao hàm cả sự trong trắng, thuần khiết và ngây thơ của người con gái. Vì vậy, hoa hồng trắng trở nên được yêu thích để dùng làm hoa cưới. Hình ảnh bông hoa hồng trắng và hồng pastel cùng được sử dụng bởi những cô gái vị thành niên trong bữa tiệc Debutante Ball của giới thượng lưu.

Còn trong văn hóa châu Á, hoa hồng trắng gắn liền với sự tưởng nhớ sau những mất mát. Cùng hoa cúc trắng, hoa hồng trắng có thể được dùng tặng trong đám tang.

>>> XEM THÊM: DẠ VŨ HOÀNG GIA LE BAL DES DÉBUTANTS: GIẤC MƠ CỦA MỌI THIẾU NỮ

Hoa hồng đỏ: Loài hoa của tình yêu, đam mê, nhiệt huyết

Tranh vẽ của Pierre-Joseph Redouté cho hoàng hậu Joséphine. Ảnh: Sotheby’s

Một câu chuyện gắn kết hình ảnh của hoa hồng đỏ và tình yêu như sau: Nữ thần tình yêu Aphrodite đã bị một bụi hoa hồng trắng đâm phải khi chạy đến giải cứu người yêu Adonis. Máu của cô nhuộm đỏ những cánh hoa trắng. Từ đó, hoa hồng đỏ đại diện cho niềm đam mê và nhiệt huyết.

Tương tự, trong văn hóa châu Á, màu đỏ là màu của sự hạnh phúc. Vì lẽ đó, hoa hồng đỏ cũng được dùng để trang trí nhà cửa dịp hỉ sự (lễ gia tiênn, đám hỏi, đám cưới).

Hoa hồng màu hồng: Nhan sắc và sự nữ tính

Tranh vẽ “Pink roses in vase” năm 1838 của Pierre-Joseph Redouté. Ảnh: Arthive

Như đã nói, truyền thuyết cho rằng nữ thần Aphrodite được cho là sinh ra trong vỏ sò khổng lồ màu hồng. Vì lẽ đó, những bông hoa hồng màu hồng ở đủ sắc độ gắn liền với vẻ đẹp của nữ thần và đến nay vẫn đại biểu cho sự nữ tính.

Hoa hồng vàng đại biểu cho tình bạn, nhưng cũng hàm ý sự ghen tuông

Pierre-Joseph Redouté. Ảnh: Arthive

Hoa hồng vàng được phát hiện mọc dại ở Trung Đông. Sắc màu tươi sáng này trở nên rất nổi tiếng khắp châu Âu vào thế kỷ 18 và mau chóng được lai tạo để tạo ra vô vàn phân nhánh hoa hồng mới.

Màu vàng là màu của hạnh phúc, lạc quan và hân hoan. Do đó hoa hồng vàng thường được dùng trong những lễ kỷ niệm tình bạn, sinh nhật hoặc lễ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, vào thời Victoria (giai đoạn 1837 đến 1901), hoa hồng vàng là biểu tượng của sự ghen tuông ở nước Anh. Những người nhận bó hoa hồng vàng như nhận một lời cáo buộc về sự thiếu chung thủy. May mắn thay, ý nghĩa này giờ đây không còn thịnh hành nữa.

Hoa hồng tím: Sắc màu của sự cao quý

Pierre-Joseph Redouté. Ảnh: Abe Books

Lịch sử của hoa hồng tím gắn liền với sức hấp dẫn của chính màu sắc này. Trong quá khứ, màu tím là màu đại biểu cho hoàng gia và sự xa hoa, bởi vì trước khi màu nhuộm tổng hợp được phát minh, không có nhiều nguồn thuốc nhuộm vải màu tím trong thiên nhiên.

Trong nhiều thế kỷ, nguồn màu nhuộm tím duy nhất đến từ loài ốc biển Bolinus brandaris ở thành phố Tyre cổ đại (nay là Li-băng). Sau khi thu hoạch ốc, thợ nhuộm phải đập vỡ vỏ ốc, chiết xuất chất nhầy tạo ra màu tím và phơi dưới ánh sáng mặt trời. Ước tính mất khoảng 250.000 con ốc mới tạo ra được một 30ml phẩm màu, nhưng nếu dùng nhuộm vải thì cực kỳ rực rỡ và bền lâu. Do đó mà thuốc nhuộm tím thiên nhiên có giá tính bằng vàng.

Quay về với hoa hồng tím. Những bông hoa hồng tím, từ tím mận, tím hoa cà đến tím oải hương, được lai tạo vào khoảng năm 1800, nhắm đến giới thượng lưu yêu thích sắc tím. Vì lịch sử này, hoa hồng tím luôn mang ý nghĩa cao sang, cao quý và vương giả.

Hoa hồng xanh lá cây: Biểu tượng cho hy vọng

Những ghi chép đầu tiên về hoa hồng xanh lá cây đến từ Trung Quốc vào thế kỷ 18. Chúng được trồng ở Tử Cấm Thành và là tài sản của hoàng đế. Sau đó vào năm 1856, vườn ươm Bembridge và Harrison ở Anh đã giới thiệu hoa hồng xanh tới công chúng một cách rộng rãi hơn.

Có lẽ vì có nguồn gốc từ Trung Quốc mà hoa hồng màu xanh lá cây cũng đại biểu cho hy vọng, sự khởi đầu mới và sự tươi mát.

Tuy nhiên hoa hồng xanh lá cây phổ biến trên thị trường hiện tại chủ yếu là hoa hồng trắng nhuộm phẩm màu xanh. Bởi hoa hồng xanh lá cây không đẹp.

Hoa hồng màu cam giúp mở lời hẹn hò

Poster vẽ năm 1967 theo phong cách Pháp. Ảnh: Etsy

Các giống hoa hồng cam mới chỉ được lai tạo trong thế kỷ 20, bằng cách kết hợp hoa hồng đỏ và vàng. Vì vậy, hoa hồng cam không có những mối liên kết trong lịch sử như các màu sắc hoa hồng khác.

Do hoa hồng cam được pha trộn giữa hoa hồng vàng và đỏ, ý nghĩa của màu hoa hồng này là tổ hợp của hai màu sắc trên, đại biểu rằng “Chúng ta đã đi qua giai đoạn của tình bạn (màu vàng), bây giờ tôi muốn tiến đến tình yêu (màu đỏ). Bạn có chấp nhận lời đề nghị của tôi không?”.

Bên cạnh đó, hoa hồng cam còn mang ý nghĩa nhiều năng lượng, bởi là sự hoà hợp của sự tươi sáng của màu vàng và sự nhiệt huyết của màu đỏ.

Hoa hồng xanh dương: Tình yêu đơn phương

Tranh vẽ hoa hồng xanh thế kỷ 18 của Zhang Ruoai. Nguồn: Raw Pixel

Trên thực tế, hoa hồng xanh dương trên thị trường là một sản phẩm nhân tạo, làm từ hoa hồng trắng ướp phẩm màu xanh.

Trong thiên nhiên, họ hoa hồng thiếu sắc tố tạo nên màu xanh dương. Tuy các nhà khoa học đã cố gắng cấy ghép và biến đổi gen, kết quả là hoa hồng màu tím nhạt thay vì màu xanh dương như ý muốn.

Vì lẽ đó, hoa hồng xanh thể hiện tình yêu đơn phương, không thể đạt được. Nếu bạn yêu một ai đó nhưng bạn biết rằng điều đó là không thể, vì bất kỳ lý do gì, thì một bông hồng xanh dương là sự lựa chọn hoàn hảo để biểu đạt cho cảm xúc của bạn.

Không chỉ là loài hoa cho nữ, hoa hồng còn đại biểu cho cá tính của người đàn ông

Tranh The Prince Enters the Wood (còn gọi là Briar Rose), do ngài Edward Burne-Jones vẽ vào khoảng năm 1871-73. Ảnh: Mutual Art

Rất lâu trước khi hoa hồng trở thành biểu tượng cho giới nữ (vào thế kỷ 19), hoa hồng đã được trao cho nam giới vì những hành động anh hùng và đức hạnh*.

*Tập tục này đã được tác giả George R. R Martin lấy cảm hứng để tạo bối cảnh cho tình yêu của Rhaegar Targaryen và Lyanna Stark trong series nổi tiếng Trò Chơi Vương Quyền (Game of Thrones) khi Rhaegar đánh bại tất cả các hiệp sĩ trong một giải đấu thương ngựa và tặng chiếc vòng hoa hồng của người thắng cuộc cho Lyanna tôn vinh nàng là “Nữ hoàng của sắc đẹp và tình yêu”.

Do đó, hoa hồng xuất hiện trong thời trang nam như trâm cài áo, boutonnière (hoa cài nút áo vest) hay khuy tay áo.

Hoa hồng trong lịch sử thời trang và nghệ thuật

Lily James trong vai Rose ở tiệc debutante trong phim Downton Abbey. Cô cầm trong tay bó hoa hồng. Ảnh: Nick Briggs, Carnival Film & Television Limited 2013 for Masterpiece

Vào năm 1860, ngành công nghiệp làm hoa nhân tạo ở Paris đã phát triển và đạt đến sự thể hiện tinh tế và tự nhiên nhất ở Paris, nghề thủ công này đã hình thành một hoạt động thương mại phụ trợ cốt lõi cho các nhà thời trang cao cấp. Nhu cầu về hoa hồng để trang trí mũ và váy của các nhà mốt lớn đến mức một số xưởng chỉ chuyên làm bông hoa hoặc nụ hoa. Vào thời điểm này, người Pháp không chỉ dẫn đầu xu hướng thời trang quốc tế mà còn tạo ra trào lưu nhân giống hoa hồng – cả hai ngành công nghiệp đều khơi dậy sự lôi cuốn mạnh mẽ với hàng loạt màu sắc, họa tiết và hình thức mới hấp dẫn.

Triển lãm Ravishing: The Rose in Fashion của FIT. Ảnh: Town & Country

Theo tiến trình phát triển của xã hội, hình ảnh hoa hồng đã trở thành xu hướng thời trang chủ đạo. Trong lịch sử, việc diện các bộ cánh có hoa thường vào thời điểm hoa nở rộ để thể hiện sự đương thời. Nhưng trong những năm gần đây, các bộ sưu tập, được trình bày trong bối cảnh của một ngành công nghiệp toàn cầu, đã trở nên ít mang tính thời vụ hơn.

Những bông hoa hồng được trừu tượng hóa trong thế kỷ 20 trở đi. Ảnh: Town & Country

Cho đến thế kỷ 20, hoa hồng được miêu tả một cách chân thực, sát với tự nhiên, trên các loại vải được vẽ, thêu, dệt và in. Sau đó, những cách diễn giải trừu tượng hơn đã xuất hiện và trở thành xu hướng.

Theo tiến trình phát triển của xã hội và thời trang, mỗi năm các nhà mốt đã không ít lần sử dụng hình ảnh hoa hồng làm cảm hứng chủ đạo cho bộ sưu tập của mình. Hoa hồng không chỉ tô điểm mà nay đã trở thành ADN của rất nhiều nhà mốt danh tiếng hàng đầu trên thế giới.

>>> ĐỌC TIẾP: CẢM HỨNG HOA HỒNG TRONG THỜI TRANG

Trích dẫn Floraly, Yales Book, American Rose Society
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm