Trong văn hóa châu Á, vẻ nam tính không chỉ bị gói gọn trong tướng tá lực điền, vai u thịt bắp. Còn có vẻ thư sinh diện mạo dịu dàng, vóc dáng mảnh khảnh và tính cách hòa nhã. Hay những “em trai nhà bên” có cá tính dễ thương và vui vẻ. Vì sự khác biệt văn hóa ấy mà nhiều người đàn ông châu Á từng bị gọi là ẻo lả bởi người Tây phương.
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của mãnh hổ Á châu từ thập niên 1990 trở đi, làn sóng văn hóa châu Á lan tỏa đi khắp bốn phương. Lúc này, diện mạo đẹp trai kiểu Á lại chinh phục phương Tây. Hàng loạt sao nam Á Đông mảnh khảnh, từ G-Dragon, Jimin (BTS), Felix (Stray Kids), Yeonjun (TXT), Lộc Hàm, Lưu Vũ, Tiêu Chiến… đều rất nam tính dù chẳng sở hữu hình tượng lực điền. Một số chàng trai có vẻ vạm vỡ hơn như Bang Chan và Changbin (Stray Kids), Kai (EXO), Vương Hạc Đệ… lại không ngần ngại tỏ vẻ dễ thương, đốn tim các chị em.
Không chỉ ở ngôi sao châu Á, sao nam Âu Mỹ cũng bắt đầu chấp nhận trường phái nam tính mới này. Harry Styles, Jacob Elordi, Harris Dickinson, Dominic Sessa,… và thậm chí là những gương mặt lớn tuổi hơn như Oscar Isaac và Pedro Pascal là một vài tên tuổi tiêu biểu.
Thị trường Âu Mỹ đã đặt tên cho họ là “babygirl men”. Và điều đặc biệt là những ngôi sao này cũng mau chóng trở thành các biểu tượng thời trang.
“Babygirl men” có nghĩa là gì?
Theo nhà văn hoá đại chúng Evan Ross Katz: “Babygirl men được dùng để miêu tả một chàng trai có cá tính đáng yêu, phong cách thời trang có phần nữ tính, hơi ẻo lả”.
Hội fan cuồng của Kpop và Cpop lại cho rằng “babygirl men” là những chàng trai mà nhìn là chỉ muốn ôm, muốn bao nuôi.
Trong khi đó, cụm từ này cũng có thể được miêu tả những người đàn ông lớn tuổi, tối thiểu ngoài 30, nhưng có cá tính mềm mỏng, không gia trưởng và tạo cảm giác ấm áp (ví dụ như Pedro Pascal).
Nói để thấy rằng đến nay vẫn không có một sự nhất quán trong ý nghĩa của cụm từ này, ngoài việc nó dùng để miêu tả những người đàn ông có điểm chung là dễ thương.
Xu hướng tu từ tích cực phát triển từ mạng xã hội
Không ai rõ “babygirl men” thực sự xuất hiện từ đâu. Theo Phillip Hamilton, biên tập viên của Know Your Meme, thì nó xuất hiện phổ biến trên nền tảng sáng tác truyện Wattpad từ năm 2017, được những người viết fanfic (là nữ) dùng để miêu tả nhân vật nam có quá khứ đau khổ, bị tổn thương tâm lý, nên cho dù về sau họ có hắc hóa đi chăng nữa thì vẫn đáng được yêu thương.
Sau đó cụm từ này bắt đầu lan tỏa mạnh nhờ mạng xã hội, và dần dần thay đổi về ý nghĩa.
Một số chuyên gia cũng lưu ý rằng “babygirl men” đánh dấu một cột mốc thú vị trong ngôn ngữ học của Internet, trong đó thuật ngữ nữ tính được áp dụng cho hình tượng nam giới theo cách không mang tính miệt thị hoặc xúc phạm.
Trong quá khứ, những cụm từ để miêu tả phái nữ như “babygirl” (gái ngoan), “emotional” (dễ xúc động), “hormonal” (thay đổi tính cách do hoóc-môn)… thường mang hàm nghĩa tiêu cực, phân biệt giới tính và khinh thường phụ nữ.
“Nhưng khi phụ nữ dùng ‘babygirl men’ để miêu tả đàn ông, cụm từ này lại được diễn giải một cách tích cực, nêu bật những phẩm chất đáng yêu và dễ mến ở người ấy”, theo Sylvia Sierra, phó giáo sư về nghiên cứu giao tiếp và tu từ tại Đại học Syracuse. Điều này cho thấy một sự thay đổi trong phương thức nhận diện từ ngữ dùng để miêu tả giới tính.
Người dùng X/Twitter Din M’Rini, 25 tuổi, cho biết việc nhìn thấy ngôn ngữ mạng phát triển theo xu hướng tích cực đối với những từ ngữ nữ tính là một điều thật đẹp.
Phong cách thời trang của “Babygirl men” là gì mà gây xôn xao?
Đi cùng với sự chấp nhận dành cho từ khóa “babygirl men” là thẩm mỹ phi giới tính không bị đóng khung trong bất kỳ giới hạn nào. Những gã trai “babygirl men” được cho là đủ thoải mái với sự nam tính của mình để bẻ cong các quy tắc về giới tính khi ăn mặc.
Ở Hollywood, Pedro Pascal, Timothée Chalamet và Barry Keoghan đã gây chấn động tại thảm đỏ những lễ trao giải gần đây bởi xuất hiện trong phục trang vốn được thiết kế cho nữ.
Còn trong Kpop, nhiều sao nam thường xuyên diện phục trang nữ. Thậm chí Felix của nhóm Stray Kids còn được Louis Vuitton chọn làm đại sứ thương hiệu mảng thời trang nữ, hay RM (BTS) là đại sứ toàn cầu của Bottega Veneta không phân biệt giới tính và cũng thường xuyên chọn sản phẩm thời trang từ bộ sưu tập ready-to-wear cho nữ.
“Thật thú vị khi thấy những phụ kiện nữ tính truyền thống được đưa ra khỏi bối cảnh quen thuộc,” nhà tư vấn thương hiệu và nhà báo David Siwicki đồng tình.
LÀ NAM GIỚI NHƯNG G-DRAGON, KANG DANIEL, KAI (EXO) VẪN…CHUỘNG MẶC THỜI TRANG NỮ
FELIX (STRAY KIDS) TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ LOUIS VUITTON NHƯNG LẠI LÀ Ở DÒNG THỜI TRANG NỮ
Ở một khía cạnh nào đó, xu hướng “babygirl men” đã loại bỏ các định kiến về giới tính trong thời trang. Thời trang thường phản ánh những gì đang xảy ra trong xã hội, như là việc khám phá giới tính và bản sắc cá nhân đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, cả đàn ông và phụ nữ đều muốn thử thách nhiều phong cách thời trang trái với bản ngã của họ.
Phương tiện truyền thông xã hội là một động lực chính tạo nên sự thay đổi nhận thức của cả một công đồng văn hoá. Nhà tạo mẫu và nhà sử học thời trang Kim Russell cho biết: “Các video TikTok của người hâm mộ thực sự đã thay đổi nhận thức, ảnh hưởng và ý tưởng của chúng tôi về thời trang nam giới”.
Từ sàn diễn đến đường phố
Với sự lên ngôi của các “babygirl men”, các thương hiệu thời trang đang tích cực xem xét bổ sung các kiểu dáng phi giới tính vào các bộ sưu tập mới. Chẳng hạn như Bottega Veneta, Loewe và The Row, với những chiếc túi xách và trang phục mà nam hay nữ đều mặc được. Hay Gucci, với bộ sưu tập dành cho nam mùa Xuân Hè 2024 như phiên bản chiếu ngược với bộ sưu tập cho nữ mùa Thu Đông 2023.
Những hình ảnh đến từ thảm đỏ lễ trao giải danh giá cũng có tác động lớn đến nhận thức về thời trang của “babygirl men”. Tích hợp số liệu từ các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram, Twitter và các cơ quan báo chí, chúng ta biết rằng thời trang thảm đỏ có sức ảnh hưởng phổ cập rất lớn. Khi nhiều sao nam hàng đầu chọn khai thác trang phục nữ khi xuất hiện trên thảm đỏ, đây là tín hiệu tốt để các thương hiệu mạnh dạn khai thác yếu tố phi giới tính trong các bộ sưu tập.
BST GUCCI MEN THU ĐÔNG 2024 ĐỐI XỨNG VỚI PHIÊN BẢN NỮ
GUCCI BẮT TAY HARRY STYLES CHO BST MANG PHONG CÁCH SOFT BOY NƯỚC ANH
Xu hướng này tồn tại được bao lâu?
Cách ăn mặc phù hợp với giới tính không phải là điều mới mẻ và đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Việc những người đàn ông “babygirl” ưa chuộng trang phục nữ chỉ là một phần của sự thay đổi rộng lớn hơn đó. Thời trang nam giới đã quá nhàm chán trong thế giới giải trí quá lâu rồi.
Tại Tuần lễ thời trang Milan dành cho nam giới, nhiều bảng moodboard ở hậu trường có hình ảnh phụ nữ, một dấu hiệu cho thấy trang phục nam ngày càng hướng tới nữ tính.
Tiếng vang liên tục của “babygirl men” sẽ phụ thuộc vào thế hệ ngôi sao điện ảnh nam tiếp theo và mức độ hấp dẫn của họ. Nó phụ thuộc vào hình ảnh mà họ xuất hiện, và tầm ảnh hưởng của họ, đó có phải là một bộ phim hot hay một bài hát viral hay không?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam