Nếu là người yêu thích cách sống tối giản của người Nhật, hẳn bạn từng nghe về cái tên Marie Kondo. Nữ doanh nhân này đã truyền cảm hứng cho nhiều người với phương pháp KonMari. Xây dựng một tủ quần áo tối giản nhưng phù hợp với nhu cầu hàng ngày, giúp bạn đỡ phải đau đầu khi phải đặt câu hỏi “hôm nay mặc gì?”.
Nếu chưa từng phân loại tủ quần áo theo phương pháp Marie Kondo, sao bạn không thử ngay cuối tuần này? Không mất quá nhiều thời gian đâu. Lại còn giúp làm tỉnh táo tinh thần, sẵn sàng cho một tuần mới.
Bước 1. Phân chia quần áo theo thể loại
Chúng ta hay có thói quen sắp xếp theo phòng. Ví dụ, phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn. Tuy nhiên, theo triết lý bạn nên sắp xếp theo thể loại. Cách này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát tốt hơn.
Khi phân loại quần áo, bạn có thể chia ra thành nhóm áo, quần, đầm, giày dép v.v. Sau khi đã phân loại các món đồ của mình, bạn không cần xếp chúng gọn gàng. Mà chỉ cần chồng đống chúng lại với nhau lên sàn nhà. Nhìn thì có vẻ càng bừa bộn, nhưng đây thực chất là bước đệm cho bước tiếp theo.
Bước 2. Làm trắc nghiệm “niềm vui”
Khi chồng đống mớ quần áo của mình lại, bạn sẽ thấy thực chất mình có bao nhiêu trang phục. Giữa hàng tá món đồ này, món nào khiến bạn lưu luyến không nỡ rời? Món nào khiến bạn cảm thấy tự tin vạn phần khi mặc? Đây là những món đồ bạn nên giữ lại, vì chúng mang lại cho bạn “niềm vui”. Tất cả những món đồ còn lại, bạn đừng nên tiếc. Chiếc áo blazer không còn vừa vặn. Chiếc quần jeans đã gião thun. Hãy từ giã chúng.
Bước 3. Đừng bị phân tâm bởi hồi ức
Chắc chắn có những món đồ kết liền với một mảnh ký ức nào đó của bạn. Như chiếc khăn mẹ tặng năm sinh nhật 18 tuổi; hay đôi bông tai từ bà ngoại. Chúng không thuộc thị hiếu của bạn, nhưng vì là quà từ gia đình nên bạn cứ cất mãi trong hộc tủ.
Đừng băn khoăn nữa, bạn à. Hãy mạnh tay bỏ chúng đi thôi.
Bạn cũng đừng buồn. Vì bước kế tiếp sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi bỏ đi những kỷ vật.
Bước 4. Quyết định vứt bỏ, hay mang tặng
Có nhiều món đồ nên được vứt đi, nếu chúng có lỗ thủng, phai nhạt màu, xù vải, hay bị mốc. Tuy nhiên, những món đồ bạn chưa từng mặc đến có thể được quyên góp hay bán lại. Chắc hẳn chúng sẽ tìm thấy một ngôi nhà mới hạnh phúc hơn là bị bỏ quên trong tủ quần áo của bạn.
Bước 5. Sắp xếp tủ quần áo đã tinh giản của bạn
Nói về phương pháp KonMari thì không thể không nhắc đến cách xếp quần áo. Vâng, triết lý Marie Kondo bao hàm cả cách xếp quần áo sao cho phẳng phiu, dễ tìm. Để bạn không cần phải lật tung cả tủ quần áo lên để tìm một món đồ. Marie Kondo tư vấn rằng bạn nên ưu tiên xếp quần áo thay vì treo. Vì phương pháp này ít tốn diện tích hơn.
Chúng ta thường có thói quen là xếp đồ thẳng từ trên xuống dưới trong ngăn kéo. Marie Kondo lại tư vấn khác: bạn nên xếp quần áo thành từng lô dọc, như kiểu xếp gáy sách, để tiện lấy ra khi cần mặc.
Bước 6. Hoàn thiện tủ treo quần áo
Marie Kondo tư vấn rằng phần tủ treo quần áo chỉ nên dành cho váy, hay những trang phục dễ nhăn (ví dụ lụa, linen). Khi ưu tiên xếp tất cả quần áo vào hộc tủ, bạn đã làm thoáng không gian của tủ treo.
Ngoài ra, phương pháp KonMari còn đề nghị bạn xếp theo…chiều dài của váy áo. Như vậy, các loại áo khoác dài, chân váy dài và đầm dài sẽ nằm ở phía trái. Các loại áo blouse lụa hay váy ngắn thì ở tay phải. Điều này vô hình chung tạo một đường xéo từ trái qua phải. Nó tạo cảm giác lạc quan cho bạn mỗi khi nhìn vào tủ quần áo của mình.
Các lợi ích của sắp xếp tủ quần áo theo phương pháp Marie Kondo
- Mang lại cho bạn cái nhìn tổng quát về tủ quần áo của mình. Bạn không còn phải mất quá nhiều thời gian để ăn mặc mỗi ngày, để tìm trang phục phối với nhau, khi có thể thấy rõ những trang phục mình đang sở hữu.
- Giúp bạn mua sắm hiệu quả hơn: Sau khi dọn sạch sẽ tủ đồ, bạn sẽ nhận ra những “sơ hở” trong tủ quần áo. Ví dụ, bạn chỉ có một chiếc blazer vừa vặn. Hay không có váy để vừa đi làm, vừa đi tiệc tiện lợi. Như vậy, khi đi mua sắm, bạn sẽ không mắc chứng bệnh mua lan man. Lại có thể tập trung tìm kiếm những sản phẩm mình cần.
>>> Xem thêm: ĐIỂM DANH NHỮNG ITEM BASIC MÀ PHÁI ĐẸP NÊN SỞ HỮU
Ảnh: OnesKingsLane
Harper’s Bazaar Việt Nam