Hành trình “đạp gió rẽ sóng” là vượt qua bạo lực mạng

Khi đứng ở vị trí có triệu người yêu mến, các ngôi sao, thần tượng phải xác định sẽ đối mặt với vạn phán xét khắt khe từ công chúng. Đó chỉ là một yếu tố nhỏ trong cuộc đời của người nổi tiếng

H’Hen Niê mới hôm trước được khen là hoa hậu quốc dân, hôm sau đã bị cư dân mạng xỉ vả không thương tiếc. Ảnh: Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng.

Từ ngày show truyền hình thực tế Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng công chiếu tập đầu tiên, các Chị Đẹp tham gia chương trình đã bị cuốn vào những drama trên mạng xã hội.

Tưởng như hành trình “đạp gió rẽ sóng” của các Chị Đẹp nằm ở phạm vi biểu diễn, phải vượt qua những gì mình đã làm được trước đây để làm mới bản thân. Ví dụ các người mẫu phải học nhảy và hát; các giọng ca chuyên đứng một chỗ hát thì phải năng nổ nhào lộn trên sân khấu; những người chưa từng rap thì phải rap; và những người bị xem là có giọng ca yếu thì phải nâng cấp kỹ thuật thanh nhạc.

Tuy nhiên, những sóng gió lớn hơn lại đến từ mạng xã hội, nơi người xem không thương tiếc bạo lực mạng những Chị Đẹp không được họ đánh giá cao.

MLee, Lệ Quyên bị bạo lực mạng khi tham gia show Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng 2023. Ảnh: Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng

Cụ thể, Hà Kino và H’Hen Niê bị chê bai không thương tiếc vì “dám” chiến thắng các vòng Công diễn cho dù không phải ca sỹ hay vũ công. Những anh hùng bàn phím không thể tin rằng visual của hai người mẫu là yếu tố giúp họ được tình cảm của fan và bước vào vòng công diễn sau.

Còn Lệ Quyên và MLee thì liên tục bị réo tên là được thiên vị. Đến nay đã có lắm lời đồn rằng Lệ Quyên mua giải hay đút lót cho ban tổ chức, còn MLee phải a dua theo thì được Lệ Quyên ưu ái nâng đỡ. Ngán ngẩm trước tình trạng vu khống và bạo lực mạng, Lệ Quyên phải chào thua: “Cho đến khi tham gia CĐ ĐGRS Quyên mới thấy mình quyền lực đến thế (sắp ảo tưởng bởi bị vu oan và tô vẽ)”. Sau công diễn 3, cô không còn đăng bài liên quan đến chương trình trên trang cá nhân nữa.

Bạo lực mạng và văn hóa tẩy chay là mặt trái của sự nổi tiếng

Văn hóa tẩy chay (cancel culture) là làn sóng bài trừ một nhân vật nổi tiếng khi họ khiến công chúng phật lòng. Hình thức này xảy ra chủ yếu trên mạng xã hội, đa phần là ngừng theo dõi và tương tác với các biểu tượng

Chuyện người nổi tiếng gặp sóng gió chẳng phải chỉ có tại Việt Nam. Trong quá khứ, nhiều ngôi sao từ Âu sang Á tan tành sự nghiệp vì những bê bối. Điển hình như Harvey Weinstein, Kevin Spacey, Ngô Diệc Phàm, Đặng Luân, Trịnh Sảng hay Seungri (cựu thành viên Big Bang)… Dù đang trên đỉnh vinh quang, những bê bối và văn hóa tẩy chay của thời hiện đại vẫn đủ sức để xóa tan sự nghiệp của các ngôi sao.

Tại Việt Nam, ca sĩ Hiền Hồ hay Jack–J97 vẫn tìm cách chật vật trở lại showbiz sau những bê bối đời tư. Từng là những gương mặt nghệ thuật nổi bật, có thực lực với lượng người hâm mộ đông đảo, nhưng sau những bê bối đòi tư, hai ngôi sao vẫn vấp phải sự phản đối, ghẻ lạnh của công chúng.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ vẫn muốn trở thành người nổi tiếng. Chẳng vì vậy mà các chương trình tìm kiếm tài năng vẫn nườm nượp người đăng ký. Vậy, nếu muốn trở thành người nổi tiếng, bạn phải lưu ý điều gì?

Trước hết, cần khẳng định rằng điều gì cũng có hai mặt, kể cả danh tiếng.

Danh vọng mang đến sự công nhận của công chúng và cuộc sống trên đỉnh cao sang mà nhiều người mơ ước. Nhưng đi cùng đó là những mặt tiêu cực phải chấp nhận. Ca sĩ Sơn Tùng M–TP từng có phát ngôn nổi tiếng: “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được”.

Cái khó của những biểu tượng

Kendall Jenner đã quen với việc bị soi mói. Ảnh: Harley Weir

• Phải đánh đổi sự riêng tư.

Kendall Jenner, một biểu tượng thời trang toàn cầu, là minh chứng sống. Lớn lên trong gia đình nổi tiếng, sống trước ống kính, Kendall hầu như không có sự riêng tư và luôn bị công chúng soi mói. Điều này tác động đến cả cách trò chuyện của cô và cách cô nhìn nhận về bản thân.

Khi là biểu tượng, bạn hầu như không có sự riêng tư. Có một quy luật bất thành văn rằng khi trở thành người nổi tiếng, bạn thuộc về công chúng. Nhất cử nhất động đều nằm trong tầm ngắm của công chúng (hoặc paparazzi). Đi đến đâu, họ cũng được mọi người chú ý và nhận ra. Họ buộc phải cẩn thận về mọi thứ khi là người nổi tiếng. Để duy trì hình tượng, đa phần các thần tượng luôn xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu, long lanh, bất chấp tình trạng sức khỏe thế chất và tinh thần. Trong một cuộc phỏng vấn, Sơn Tùng M–TP từng trải lòng: “Nổi tiếng đồng nghĩa việc phải trả giá bằng mệt mỏi”.

• Chấp nhận “gạch đá” của dư luận, thậm chí là bạo lực mạng

Là thần tượng đồng nghĩa với việc bạn không được phép mắc sai lầm.

Trong thế giới đang có văn hóa “thần thánh hóa” những người nổi tiếng, có thể xem các biểu tượng như những tượng đài được tôn thờ. Do đó, những phát ngôn hay động thái dù là nhỏ nhất không nhận được sự đồng tình từ đám đông đều rất dễ bị đả kích, bình phẩm.

Có lẽ chưa bao giờ trách nhiệm và áp lực của người nổi tiếng khi đứng trước công chúng trở nên nặng nề như lúc này. Ngày nay, văn hóa tẩy chay (cancel culture), cùng mạng xã hội làm nên những hiệu ứng cánh bướm. Một hành động, dù là nhỏ nhất, cũng có thể gây nên khủng hoảng diện rộng. Nhẹ thì đối mặt với sự chỉ trích dai dẳng, sụt giảm người hâm mộ hay nặng hơn là biến mất khỏi làng giải trí như một số ngôi sao Hoa ngữ.

Cuộc đương đầu giữa một thần tượng với đám đông gần như không hồi kết. Những ý kiến chỉ trích xuất hiện trên mạng xã hội, núp bóng một tài khoản không có thật, khiến công chúng dễ dàng buông mọi ý kiến công kích, chỉ trích với người nổi tiếng.

Cần trang bị gì khi là người nổi tiếng

Lệ Quyên tâm niệm “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”. Cô dửng dưng trước những lời đàm tiếu Ảnh: Facebook Lệ Quyên

Trước tiên, cần xác định rằng khi đã là người có danh vọng, bạn “làm dâu trăm họ”. Mỗi khán giả với một cách đánh giá và nhìn nhận khác nhau. Để làm hài lòng tất cả là chuyện không thể.

Vướng vào chuyện thị phi, không hài lòng là chuyện khó tránh. Vấn đề chính là cái tâm của bạn đối với nghề, với khán giả, và đặc biệt với bản thân bạn có trong sáng hay không. Hãy cố gắng nỗ lực mỗi ngày, giữ cái tâm toàn vẹn với nghề, ngọn lửa bừng cháy với nghiệp. Mọi chuyện còn lại cứ để thời gian, những sản phẩm và đặc biệt là nhân cách thể hiện qua văn hóa, hành vi ứng xử của bạn trả lời.

Làm biểu tượng đồng nghĩa với khả năng định hướng và tác động đến đám đông. Điều cần thiết là phải giữ gìn chuẩn mực trong tuyên ngôn, hành động, nhất là ở nơi công cộng. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như một cách chấn chỉnh những hành vi trên mạng xã hội, nhất là của những ngôi sao.

Làm biểu tượng dễ hay khó?

Điều này chỉ có các ngôi sao mới có thể trả lời. Tuy nhiên chỉ khi kính nghiệp, tôn trọng khán giả và luôn nhận thức được vị trí, tầm ảnh hưởng của bản thân để chọn cách ứng xử phù hợp, bạn mới có thể thăng tiến trong sự nghiệp và trở thành hình mẫu.

ĐỌC TIẾP:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm