Phong cách thủy thủ có lẽ là một trong những xu hướng khởi nguồn từ rất sớm của lịch sử thời trang. Ngày nay, phong cách thủy thủ quay lại mỗi mùa hè, qua trang phục đi biển và du lịch. Chúng ta thường đánh đồng phong cách thủy thủ với những họa tiết kẻ sọc và combo màu xanh/trắng gợi nhớ sóng biển. Nhưng, liệu xu hướng này chỉ bị gói gọn trong những điểm ấy? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về phong cách thời trang này.
Khởi nguồn phong cách thủy thủ
Như nhiều phong cách thời trang khác, ví dụ như phong cách safari hay mẫu áo khoác bomber, xu hướng thời trang thủy thủ cũng có nguồn gốc bắt nguồn từ quân đội. Chính xác là đến từ hải quân Anh vào thế kỷ 19, dưới thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria.
Dưới triều đại của bà, đế quốc Anh bành trướng ra hàng loạt địa phận trên thế giới – Mỹ, Ấn Độ, Úc, v.v. Vì vậy mà đồng phục hải quân cũng tượng trưng cho sức mạnh của đế quốc. Khoác lên mình thứ đồng phục này chứng tỏ lòng yêu nước.
Nữ hoàng Victoria đã dùng đồng phục hải quân để mặc cho con trai bốn tuổi của mình (sau này là vua Edward VII) trên chiếc du thuyền Hoàng gia đến Ireland. Chính bà đã khơi mào nên xu hướng ăn mặc theo phong cách của những người thủy thủ đi biển.
Ban đầu, trang phục thủy thủ là một trào lưu trang phục trẻ em. Rồi dần dần, nó trở thành một trào lưu của thời trang nữ giới từ năm 1871.
Vẫn là kiểu phục trang rườm rà của thời kỳ Belle Époque (1880 – 1918) nhưng phong cách này được nhận ra ngay nhờ kiểu cổ áo thủy thủ. Ve cổ rộng dạng vuông hoặc tam giác với các viền sọc đặc trưng được tái hiện trên những thiết kế đầm phủ kín người, eo thít chặt và tùng váy phồng rộng.
Sau này vào cuối thời Victoria, phong cách hàng hải được ứng dụng vào nhiều mẫu đồ tắm dành cho nữ giới (vốn vẫn còn kín đáo với các mẫu đầm dài đến gối mặc kèm quần lửng). Dần dần, phong cách ấy được giản lược cho đơn giản hơn để phù hợp với phục trang gọn nhẹ của người phụ nữ thế kỷ 20.
Ngoài cổ áo thủy thủ, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của hàng hải lên thời trang còn thể hiện qua biểu tượng mỏ neo, bánh lái, dây thừng như một chi tiết trang trí trên trang phục và phụ kiện. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến kẻ sọc thủy thủ, một mô-típ đã trở thành biểu tượng thời trang.
Kẻ sọc thủy thủ, biểu tượng của phong cách thời trang hàng hải
Từ dưới thời của ông hoàng Mặt trời Louis XIV, Pháp đã trở thành kinh đô thời trang của thế giới. Hải quân Pháp cũng mạnh và đồng phục thì tất nhiên đẹp phong trần.
Ngày 27–3–1858, quân đội Pháp giới thiệu mẫu áo sợi dệt sọc trắng và xanh navy làm đồng phục cho toàn bộ lính hải quân đóng tại vùng Brittany. Đây chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời của áo sọc thủy thủ đình đám trong thời trang lâu nay.
Người ta gọi loại sọc này là Breton Stripe vì địa danh khai sinh nên nó: vùng Brittany của Pháp (Breton: ngôn ngữ của vùng Britanny). Thiết kế nguyên bản bấy giờ có 21 sọc kẻ tượng trưng cho mỗi chiến thắng của Napoleon. Sau đó chiếc áo dần trở thành trang phục của những người lao động trên biển khi ngày càng có nhiều thủy thủ, ngư dân và người đi biển khắp vùng Bắc Pháp ưa chuộng. Trang phục này không chỉ dễ mặc mà còn rất dễ được nhận ra giữa biển khơi nhờ những dải màu đặc trưng của nó.
Từ một thiết kế trang phục của hải quân rồi thợ tàu biển, áo sọc thủy thủ bắt đầu bước vào thế giới thời trang dưới sự bảo chứng của Coco Chanel.
Sau một chuyến đi đến miền biển nước Pháp, bà đã đưa cảm hứng đồng phục thủy thủ vào bộ sưu tập đầu tay của mình, ra mắt năm 1917. Bộ sưu tập mang ảnh hưởng menswear chính là một sự bứt phá cho thời trang nữ giới, giải thoát phái đẹp khỏi thời kỳ dài bó buộc trong những chiếc corset phom dáng mực thước.
Sự ra đời của một trang phục thoải mái dành cho nữ giới như áo sọc thủy thủ cũng xuất phát từ nhu cầu nghỉ mát ở những vùng biển xinh đẹp, như Saint Tropez chẳng hạn, ngày càng nhiều. Coco Chanel thiết kế mẫu áo kẻ sọc ngang kết hợp cùng quần dài ống loe và sau đó giới thượng lưu trong những năm 1930 đã biến tấu khi mặc nó với cà vạt, áo blazer và quần shorts.
Ánh hào quang đến từ màn bạc Hollywood
Hình ảnh Coco Chanel trong chính thiết kế của mình đã trở nên kinh điển. Nhưng chính những ngôi sao màn bạc như Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, Audrey Hepburn, James Dean và các nghệ thuật gia nổi tiếng như Picasso, Andy Warhol đã giúp lăng xê phong cách thời trang hàng hải này vào thế kỷ 20.
Từ một trang phục của người lao động, áo kẻ sọc bắt đầu sở hữu ánh hào quang của riêng mình khi bước lên màn ảnh Hollywood. Bộ phim đầu tiên có sự xuất hiện của nó là The Wild One (1953) do diễn viên Lee Marvin mặc. Thế nhưng, sự kiện nổi tiếng hơn cả là bộ phim đã tạo cảm hứng để biker Frank Sadilek chạy xe đến Hollywood chỉ để mua lại chiếc T-shirt của Marvin!
Nam diễn viên Lee Marvin thường diện hoa tai vàng, khoen mũi và áo kẻ sọc thủy thủ. Phong cách của anh đã ảnh hưởng lớn đến phong cách thời trang biker lúc bấy giờ.
Sau đó, không còn ai ngạc nhiên khi nhiều ngôi sao chọn mặc áo kẻ sọc lên màn ảnh như James Dean trong Rebel Without A Cause (1955), Cary Grant trong To Catch a Thief (1955), Audrey Hepburn trong Funny Face (1957)…
Tiếp cận thời trang cao cấp qua bàn tay Jean-Paul Gaultier
Ngày nay, kẻ sọc thủy thủ không chỉ là xu hướng lớn trên trang phục mà còn trên nhiều phụ kiện khác. Từ đường phố cho đến sàn catwalk danh tiếng của Gucci, Dior, Balmain, Givenchy, Tommy Hilfiger hay Jean-Paul Gaultier đều phản ánh sự thống trị của biểu tượng cho Parisian chic này.
Người có công đưa kẻ sọc thủy thủ vào thời trang, không ai khác, chính là nhà thiết kế Jean-Paul Gaultier. Gaultier luôn yêu cầu đội ngũ truyền thông của mình phải mặc một phiên bản áo kẻ sọc nào đó suốt các show diễn. Ông không chỉ cuồng sọc thủy thủ trong thiết kế thời trang mà còn đưa nó vào mẫu chai nước hoa Le Male trứ danh được giới thiệu từ năm 1995 của mình.
Những đặc trưng của phong cách thời trang thủy thủ là gì?
• Trang phục kẻ sọc ngang. Thuở nguyên thủy, những đường kẻ sọc phải tương đối mảnh, phối hai màu xanh trắng. Nhưng ngày nay thì trang phục kẻ sọc biến hóa đặc sắc hơn, với nhiều gam màu và sự to bản/mỏng manh tương phản.
• Quần ống bát. Mẫu quần đặc trưng của phong cách thủy thủ là quần màu trắng, làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi tốt như linen hay cotton.
• Áo khoác hai hàng nút với nút trang trí màu vàng đồng/vàng ánh kim. Đây là kiểu áo khoác đến từ quân phục Anh. Sự tương phản giữa màu xanh navy cùng hàng nút màu vàng đồng tạo vẻ sang trọng, nghiêm chỉnh cho người mặc.
• Giày dép làm từ chất liệu thiên nhiên. Có thể kể đến giày kín mũi làm từ vải bố (canvas) dệt từ cotton hay hemp. Các chi tiết trang trí có thể là mũi neo, hình phao cứu hộ, đèn hải đăng, sinh vật biển…
• Màu sắc dễ nhận diện nhất luôn là combo xanh dương và trắng. Tuy nhiên phong cách thủy thủ còn thường phối hợp thêm sắc cam (của phao cứu hộ) và vàng chói (của mặt trời). Về mặt sắc xanh, có sự dao động tùy ý từ xanh cổ vịt, xanh turquoise sang đến xanh navy hay xanh da trời.
>>> Xem thêm: BẠN ĐÃ SỞ HỮU ESPADRILLES, ĐÔI GIÀY BIỂU TRƯNG CHO PHONG CÁCH SỐNG THƯỢNG LƯU MÙA HÈ?
Bài: Trinh Pak. Ảnh: Getty Images, Tư liệu
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam