Chất liệu vải lụa họa tiết moiré đã trở thành tâm điểm của bộ sưu tập Dior Haute Couture Xuân Hè 2024. Nhưng lịch sử nhà mốt cho thấy rằng chất liệu này đã đi đôi cùng Dior từ trước – chính xác là từ thập niên 1950 khi quý ngài Christian Dior khởi nghiệp.
Được biết, chất liệu vải lụa moiré được xem là một loại vải biểu lộ cho lối sống xa hoa của giới thượng lưu và quý tộc thời xưa. Quý ngài Christian Dior, cùng với những nhà thiết kế cùng thời điểm như Cristobál Balenciaga, Hubert de Givenchy… đã dân chủ hóa chất liệu để đưa nó đến với tủ đồ của giới mộ điệu thời trang một cách rộng rãi hơn.
Vậy bạn biết gì về chất liệu có kết cấu bề mặt lung linh với các hoa văn trông ngẫu hứng gợi nhớ đến kỹ thuật ảnh ba chiều này? Hãy cùng Harper’s Bazaar khám phá.
Kỹ thuật tạo nên chất liệu vải lụa họa tiết moiré là gì?
Moiré trong tiếng Pháp (bắt nguồn từ moirer, có nghĩa là tưới nước) ban đầu được dùng để mô tả hiệu ứng gợn sóng ngẫu hứng trên bề mặt chất liệu lụa tơ tằm.
Câu chuyện về lụa moiré bắt đầu ở Trung Quốc cổ đại vào thời nhà Đường (618-907). Những người thợ dệt lành nghề đã phát hiện ra rằng, bằng cách dệt hai lớp vải lại với nhau, mỗi lớp có hoa văn hơi khác nhau, sẽ tạo ra hiệu ứng quang học đáng chú ý. Hiệu ứng này giống như làn nước gợn sóng của một hồ nước.
Qua đến châu Âu, người ta phát hiện rằng có thể tạo ra hiệu ứng này bằng cách ép vải nóng. Sớ vải lụa có gân (ví dụ lụa taffeta) được làm ẩm, sau đó ép nóng dưới các trục có họa tiết đã định sẵn. Quá trình này, được gọi là calendering, nghiền nát một số sợi gân trên mặt vải, khiến chúng thay đổi cách phản chiếu ánh sáng. Kết quả là một sớ vải có kết cấu bề mặt kết hợp cả bóng và mờ, nhìn như những sóng nước lăn tăn – hay ở góc độ khác thì như sớ gỗ.
Do những mẫu vải moiré đầu tiên làm từ lụa tơ tằm, chúng khá mỏng manh. Với sự phát triển của ngành dệt may, các loại vải như rayon, polyester, cotton,… đều có thể được xử lý bề mặt để tạo hiệu ứng này, và có độ bền cao hơn. Sau này, hiệu ứng moiré còn được dùng để miêu tả nhiễu sóng hình ảnh trên phim ảnh hiện đại.
Chất liệu quyến rũ giới thượng lưu và quý tộc thời xưa
Khi giao thương giữa các lục địa phát triển thời kỳ Phục Hưng, lụa moiré đã lan tỏa từ Trung Quốc sang châu Âu. Lung linh, sáng bóng và huyền diệu, vải lụa họa tiết moiré mê hoặc giới thượng lưu và quý tộc.
Năm 1695, Vua William III đã dùng hàng nhiều mét lụa moiré để trang trí cho Cung điện Hampton Court, nơi nó được treo giữa những tấm thảm trang trí trong các phòng khách của hoàng gia. Vào những năm 1700 ở Pháp, Louis XV đã phủ kín các bức tường bằng những lụa moiré, kích động một cơn sốt thời trang trong giới thượng lưu. Song song, các xưởng sản xuất mọc lên ở Ý, Pháp, Anh…
Vào thế kỷ 18, vải moiré khẳng định vị thế vững chắc như một nguồn vải chủ lực trong mặt hàng thời trang cao cấp. Hoàng gia và giới quý tộc châu Âu dùng vải lụa moiré làm váy đầm, áo choàng, áo ghi-lê và trang trí trên trang phục trang trọng, đặc biệt là trong những bối cảnh lịch sự. Hiệu ứng lấp lánh của vải khiến nó trở nên lý tưởng để mặc vào buổi tối, là biểu tượng của địa vị xã hội, tài chính dư dả.
Ví dụ, nữ hoàng Victoria đã mặc khăn choàng màu xanh lam bằng lụa họa tiết moiré trong các tấm chân dung chính thức. Năm 1867, bà cử một phái viên đến St. Petersburg để ban tặng chiếc khăn choàng hoàng gia “đáng áo ước” này cho Hoàng đế Alexander II của Nga. Ông đã đeo nó trong đám cưới của con gái mình, và cả đám tang của chính mình.
Vải lụa tơ tằm họa tiết moiré cũng được sử dụng để phân định ranh giới các nhà lãnh đạo quân sự và tôn giáo: Chỉ các hồng y mới có thể mặc ferraiolo (áo choàng truyền thống của các giáo sĩ Công giáo) làm bằng lụa moiré.
Chiếc thắt lưng bằng lụa moiré gắn liền với tầng lớp quý tộc châu Âu đến nỗi vào năm 1776, khi nước Mỹ tuyên ngôn độc lập và tách khỏi Đế quốc Anh, tổng thống Mỹ George Washington đã phải ngừng đeo chiếc khăn vải moiré của mình, bởi chiếc khăn này quá giống với phụ kiện trang trí trong quân phục sĩ quan Anh và Pháp.
Chất liệu vải đại diện cho công nghệ hoá trong thời trang
Phải đến thập niên 1950, chất liệu vải lụa tơ tằm họa tiết moiré mới “thoát xác ve sầu” và được dân chủ hóa bởi những nhà thiết kế thời trang cao cấp như Christian Dior, Hubert de Givenchy, Cristobál Balenciaga… Họ sử dụng chất liệu này may váy thường ngày thay vì chỉ dùng cho váy đầm dạ hội.
Vải moiré thậm chí còn trở nên dễ tiếp cận hơn với sự phát triển của vải tổng hợp. Kỹ thuật tạo họa tiết này dễ dàng được áp dụng cho vải polyester và các loại vải tổng hợp. Điều này cho phép giảm giá thành sản phẩm, giúp đưa trang phục có họa tiết moiré đến đông đảo công chúng hơn.
Về sau, vải họa tiết moiré trở nên lỗi thời cho đến cuối thế kỷ 20. Nhưng bây giờ, chất liệu này lại một lần nữa trở thành tâm điểm bàn tán sau khi trở thành chất liệu chủ đạo trong bộ sưu tập Christian Dior Haute Couture Thu Đông 2024. Sự trở lại ngoạn mục của chất liệu vải moiré phụ thuộc vào sự vòng lặp trong thời trang. Khi những xu hướng cũ hồi sinh thì chất liệu vốn thịnh hành nay cũng được chú ý trở lại. Trang phục bằng vải moiré rất tuyệt để may theo phong cách retro, pop art, thậm chí là váy cưới.
>>> XEM THÊM: DIOR HAUTE COUTURE XUÂN HÈ 2024: THỜI TRANG CAO CẤP HIỆN ĐẠI PHẢI THANH THOÁT
Cách sử dụng chất liệu vải họa tiết moiré
Sau khi cán nóng, chất liệu vải moiré tạo cảm giác cứng cáp. Do đó, ngoài trang phục may mặc, vải moiré còn phù hợp để dùng trong trang trí nội thất, ví dụ làm rèm cửa hay vải bọc sofa.
Lưu ý khi bảo quản vải moiré, bạn cần cuộn vải tròn chứ không được gấp vải lại. Việc gấp dễ hình thành các nếp gãy trên bề mặt mà không thể ủi đi bằng hơi nước.
Trang phục làm bằng vải moiré cần được giặt khô, bởi nó sẽ mất đi độ bóng đặc biệt nếu bị nhúng nước ướt.
Từ nguồn gốc khiêm tốn ở Trung Quốc cổ đại cho đến sự phổ biến lâu dài trong thời trang và thiết kế đương đại, vải moiré đã vượt qua thời gian, thu hút trí tưởng tượng của mọi người ở mọi nền văn hóa và thế hệ. Vẻ đẹp vượt thời gian, hoa văn uyển chuyển và ảo ảnh quang học của nó đã đảm bảo vị trí của nó như một loại vải được yêu thích, tiếp tục truyền cảm hứng sáng tạo và mê hoặc trong thế giới dệt may và hơn thế nữa.
Trích dẫn Humphries, Smithsonian Mag
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar