Cùng xem lịch sử thời trang nam phát triển như thế nào qua từng giai đoạn nhé!
1. Thời săn bắt hái lượm: Quần áo là phương tiện bảo vệ cơ thể
Từ xa xưa, con người đã sống theo lối du mục để tìm kiếm thức ăn và chỗ trú. Lúc ấy họ dùng da động vật, lá cây và chất xơ tự nhiên để tạo thành quần áo và giày dép. Mục đích không phải làm đẹp mà là chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Lúc ấy quần áo thể hiện rõ ràng nhất chức năng của nó, và không hề liên quan đến sự tự tin hay vẻ ngoài.
Khi những người dân du mục chuyển qua lối sống định cư và bắt đầu chăn nuôi trồng trọt, họ không còn phải săn bắt hái lượm nữa mà đã tự chủ nguồn thức ăn, từ đó họ cũng có nhiều thứ để trao đổi buôn bán hơn.
Làng mạc hình thành, xuất hiện những người trưởng làng. Giai cấp xã hội xuất hiện, những người ở cấp cao sẽ muốn giành lấy thứ tốt nhất cho mình và gia đình. Từ đó mới xuất hiện phong cách ăn mặc. Quần áo là thứ trực tiếp nhất giúp phân biệt một anh tá điền và một vị vua.
2. Thời cổ đại: Dùng trang phục để chứng minh địa vị
Người Ai Cập cổ đại chính là minh chứng cho việc nâng tầm thời trang nam. Họ xem trang phục như một loại vũ khí để khiến người khác kính sợ. Đồng phục cũng được thiết kế riêng cho quân lính và những tùy tùng phục vụ các Pharaoh. Trang sức và các vật liệu quý được tận dụng để phô bày địa vị, sự giàu có cũng như lòng trung thành.
Khi một triều đại mới xuất hiện, những quý tộc giàu có nhất sẽ mặc những chiếc áo tunic dài tới gối và váy, phụ kiện có vòng tay, băng tay và ốp bọc ống chân. Những phụ kiện này chỉ dành cho người có đặc quyền. Đàn ông càng giàu có và quyền lực thì vật liệu để chế tạo trang phục cho họ càng đắt đỏ và quý hiếm hơn.
Phong cách ăn mặc này bắt đầu lan sang các quốc gia cổ đại khác như Assyria, Hy Lạp, La Mã ở thời Trung Cổ. Dân thường mặc đồ rẻ tiền, nhưng người trong hoàng thất và tùy tùng của họ mặc những trang phục đắt giá nhất có thể, do những thợ may lành nghề nhất làm ra.
>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG QUỐC TẾ VIỆT NAM (VIETNAM INTERNATIONAL FASHION WEEK) A-Z
3. Thời trang nam những năm 1700: Quần áo phản ánh tính chất công việc
Trải qua nhiều thế kỷ, một bộ trang phục dành cho nam phải thể hiện được hai mục đích rõ ràng:
• Bảo vệ người mặc giữa môi trường sống.
• Thể hiện được địa vị, độ giàu có, tính chất công việc của một người.
Chẳng hạn, người ta có thể nhận biết một mục sư nhờ cổ áo, một quan tòa nhờ áo choàng, một công nhân xây dựng nhờ áo vest an toàn và mũ bảo hộ.
Đến đầu những năm 1700, quần áo bắt đầu có một mục đích đáng kể khác. Người ta không chỉ dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mà bắt đầu chuyển qua tích lũy tiền tệ. Con người phân chia giai cấp dựa trên sở hữu đất đai, sự giàu có, những mối quan hệ.
Để tách bạch tầng lớp quý tộc và dân lao động, những nghi lễ phép tắc bắt đầu hình thành. Thời trang nam chính là một phần trong cuộc cách mạng này. Những tầng lớp cao quý trong quân đội bắt đầu đề ra quy tắc dress code.
Đến những năm 1730, thời trang mang một ý nghĩa hoàn toàn mới khi người Anh tạo ra những bộ trang phục tiện ích hơn dành cho người lao động. Trang phục của họ bao gồm một chiếc áo khoác dài đơn giản, dễ mặc khi cưỡi ngựa, dễ tăng tốc khi đua ngựa.
Các môn thể thao liên quan tới ngựa ngày càng phổ biến từ thời vua George III ở England, cũng dần trở thành thú tiêu khiển trong giới thượng lưu.
4. Thời trang nam thời kỳ Nhiếp Chính (1811 – 1820): Sự ra đời của áo đuôi tôm
Đến thời kỳ Nhiếp Chính (Regency Era), áo đuôi tôm xuất hiện và được mặc vào buổi tối. Sau đó, những chiếc áo đuôi tôm cầu kỳ bắt đầu tiến hóa thành trang phục đơn giản và tinh tế hơn khi nhu cầu giao lưu giữa các tầng lớp xã hội tăng nhanh.
Và rồi một người đàn ông tên Beau Brummell xuất hiện. Dù không đủ tiền để ăn mặc sang trọng, nhưng nhờ sự khéo tay và tinh tế trong thời trang, ông đã tự tạo ra những trang phục không kém phần thanh lịch và bắt mắt, được cả giới quý tộc bắt chước.
Ông nhanh chóng trở thành thân tín của hoàng tử xứ Wales, người sau này là vua George IV. Ông đã thay thế kiểu trang phục lòe loẹt của người Pháp bằng những bộ trang phục đầm tính hơn, phù hợp với phong cách của người Anh, dù đơn sắc nhưng vẫn thời thượng. Trang phục do ông thiết kế tập trung vào sự vừa vặn phù hợp thay vì chạy theo xu hướng. Trang phục cũng nhấn mạnh vào vóc dáng khỏe mạnh và nam tính của người đàn ông, thay vì các phụ kiện rườm rà.
>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG THƯỢNG HẢI (SHANGHAI FASHION WEEK) TỪ A – Z
5. Cách mạng Công nghiệp: Nam giới muốn ăn mặc chỉn chu, cơ bản
Đến giữa những năm 1800, cuộc Cách mạng Công nghiệp là một trong những sự kiện quan trọng nhất ảnh hưởng đến thời trang nam. Nam giới muốn xuất hiện một cách nghiêm túc, chỉn chu hết mức có thể. Họ muốn mặc những trang phục cơ bản cổ điển, tránh mọi thứ rườm rà hoặc quá gây chú ý.
Lúc này đàn ông quan tâm đến năng lực, họ dùng năng lực để chứng minh địa vị thay vì dùng quần áo để chứng minh quyền lực. Do đó họ ăn mặc lịch sự cả ngày lẫn tối và chỉ mặc đồ thường khi đi ngủ.
6. Thời đại của xe cộ và nhạc jazz: Sự phổ biến của áo tuxedo
Với sự ra đời của xe cộ, lần đầu tiên trong lịch sử, thời trang Mỹ đã tìm được đường đến England. Lúc này ở Anh bắt đầu xuất hiện áo khoác dạ (tuxedo). Dù áo đuôi tôm vẫn phổ biến giữa những người lớn tuổi bảo thủ, nhưng lớp trẻ đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên jazz và tuổi 20 nổi loạn.
Cùng với sự phát triển của xe cộ, áo tuxedo cũng được lựa chọn cho những buổi gặp gỡ thân mật, trong khi áo đuôi tôm chỉ xuất hiện trong những bữa tối trang trọng. Nam giới được thoải mái ra ngoài trong loại trang phục thuận tiện nhất, thay vì phải lên kế hoạch và đóng gói trang phục rườm rà.
Giới trẻ uống rượu, tiệc tùng và chơi bời trai gái hỗn loạn hơn trước kia rất nhiều. Trong khi những bậc cha ông nhấm nháp ly rượu vang trong phòng khách và tâm sự về thời quá khứ tốt đẹp, giới trẻ nổi loạn lại dành thời gian với bạn bè và nhảy nhót quay cuồng trong âm nhạc.
Nước Mỹ trở thành trung tâm của thời trang thế giới. Dù phần lớn cảm hứng thời trang vẫn xuất phát từ England, Italy và Pháp, nhưng những nhà thiết kế châu Âu lại tạo ra quần áo dựa trên sở thích của người Mỹ.
Thế giới bắt đầu chấp nhận thời trang thoải mái và thuận tiện. Tuxedo là trang phục dành cho buổi tối, ban ngày nam giới thường mặc suit.
>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG NEW YORK (NEW YORK FASHION WEEK) TỪ A – Z
7. Những năm 1950: Xu hướng thời trang tự do trong các trường Ivy League
Sang đến những năm 1950, người Mỹ bắt đầu thích ý tưởng đàn ông không phải sống để làm việc, mà là làm việc để sống. Trong ký túc xá của các trường Ivy League ở miền Đông Bắc Mỹ, nhiều xu hướng mới xuất hiện dựa trên phong cách truyền thống, gọi là trad style.
Chẳng hạn, thay vì mặc tuxedo cứng nhắc như cha của họ, các chàng trai trẻ tạo ra những dress code nổi loạn hơn, nhưng vẫn trong phạm vi bố mẹ họ có thể chấp nhận được.
Nhưng theo thời gian, họ bắt đầu táo tợn hơn và cuối cùng đã loại bỏ hoàn toàn việc mặc suit như một trang phục hàng ngày.
Dù vậy, cha ông của các chàng trẻ này vẫn là người điều hành các ngân hàng và doanh nghiệp lớn, nên trang phục suit quy củ vẫn là đồng phục được doanh nhân Mỹ lựa chọn.
8. Thời trang nam những năm 1960: Phong cách Hawaii lan đến các văn phòng ở Mỹ
Đến năm 1962, Hiệp hội Thời trang Hawaii đã phát động một cuộc cách mạng mới. Họ muốn lăng-xê cho chiếc áo Hawaii nhiều màu sắc bằng cách giới thiệu nó đến những văn phòng làm việc ở New York, Washington và Los Angeles. Trong một chiến dịch quảng cáo, họ gọi đây là “trang phục thoải mái cho ngày thứ Sáu”.
Thứ Sáu trở thành ngày vui vẻ nơi các ông chủ cho phép nhân viên mặc áo Hawaii đi làm. Chiếc áo đã làm thay đổi quan niệm của đàn ông khi nói về trang phục văn phòng.
>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG SEOUL (SEOUL FASHION WEEK) TỪ A – Z
9. Lịch sử thời trang nam: Sự bùng nổ của Wall Street và suit cổ điển
Cho đến những năm 1980, Wall Street bùng nổ và được xem là Hollywood mới. Nếu bạn quảng giao và biết cách bán hàng, bạn có thể làm giàu ở Wall Street.
Những người muốn làm giàu ở Wall Street, họ copy phong cách của nhau. Họ lái fast car, dắt theo cô bồ tóc vàng, mặc suit bóng bẩy và dùng điện thoại di động cỡ lớn. Xu hướng ăn diện ở Wall Street lan ra khắp nước Mỹ.
Nhưng phong cách ăn mặc của nam giới không dừng lại ở đó. Xu hướng vẫn đến rồi đi, nhưng phong cách cổ điển vẫn ở lại và không biến mất. Từ những năm 1930 đến ngay nay, một bộ suit được biến hóa theo hàng trăm cách, nhưng vẫn là bộ suit căn bản đó. Bí quyết để trở thành người đàn ông phong cách quốc tế chính là trung thành với nguyên bản và bỏ qua những xu hướng mới tạm thời.
Nếu bạn mua được một bộ quần áo chất lượng cao trường tồn với thời gian, bạn sẽ mặc nó từ năm này qua tháng khác, đến hết đời. Nếu bạn chạy theo xu hướng, bạn sẽ tốn nhiều tiền hơn để bắt kịp nó. Đó là lý do kiểu tóc undercut vẫn thịnh thành đến ngày nay, trong khi kiểu mullet thì không.
Trên đây là những dấu mốc cơ bản trong lịch sử thời trang nam. Hy vọng các thông tin Bazaar Vietnam cung cấp sẽ hữu ích cho bạn.
>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG PARIS (PARIS FASHION WEEK) TỪ A – Z
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam