Hemp – Vải sợi gai dầu: Chất liệu bền vững có thể khai thác ở Việt Nam

Hemp (lanh Mèo hay gai dầu) là loại sợi rất quan trọng cho sự phát triển bền vững trong ngành dệt hiện nay và được mệnh danh là siêu sợi (super fiber). Bạn đã biết gì về loại sợi mảnh, nhẹ và óng ả này?

Vải sợi gai dầu là gì? Một ví dụ được H’Hen Niê mặc trên sàn runway. Chiếc đầm thuộc BST Di Sản – The Heritage của Tuyết Lê sử dụng vải chưa qua nhuộm được thu mua từ Đồng Văn, Việt Nam.

Vải sợi gai dầu là gì? Một ví dụ được H’Hen Niê mặc trên sàn runway. Chiếc đầm thuộc BST Di Sản – The Heritage của Tuyết Lê sử dụng vải chưa qua nhuộm được thu mua từ Đồng Văn, Việt Nam.

Giới thiệu với các anh chị trang phục làm từ một chất liệu độc đáo – hemp. Đây là chất liệu của tương lai”. Tôi tò mò nhìn những bộ trang phục màu beige, màu chàm treo trên dàn kệ và lắng nghe những lời giới thiệu có cánh của nhà tổ chức. Đó là năm 1998 ở Munich, Đức, khi lần đầu tiên tôi tiếp xúc với chất liệu này.

Bẵng đi nhiều năm. Khi dự một hội chợ nội thất ở Los Angeles, Mỹ, năm 2017, tôi nghe câu hỏi: “Chị có tìm được hemp ở Việt Nam không? Bây giờ khách hàng rất chuộng các loại chăn, gối, nệm… làm từ hemp”.

Vải sợi gai dầu (hemp) là gì?

Ai cũng biết lụa tơ tằm là sản phẩm độc đáo của ngành vải sợi Việt Nam, nhưng gai dầu (hemp) là gì? Chúng ta có loại vải này không? Khi nghe được câu hỏi trong hội chợ nội thất, tôi chưa biết câu trả lời. Nhưng nó khơi gợi sự tò mò của tôi. Kể từ đó, tôi bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi thêm về loại vải này. Và tôi rất bất ngờ khi biết rằng hemp là một loại vải đã có lịch sử hàng chục ngàn năm trên khắp thế giới – kể cả châu Á, trong đó có Việt Nam.

Người Việt trước đây thường gọi vải hemp là lanh Mèo, bởi vải này do người dân tộc thiểu số phía Bắc, đặc biệt là người Mông, trồng và dệt để may trang phục dân tộc. Hiện nay, từ điển chính thức không dùng từ “lanh Mèo” nữa. Chúng ta gọi cây lanh là cây gai dầu. Tuy nhiên, trên các khu vực Tây Bắc nơi người Mông sinh sống, người ta vẫn có thói quen gọi vải cây gai dầu là vải lanh, do đó gây sự nhầm lẫn với vải linen.

Đến Quản Bạ, Hà Giang, nhớ ghé thăm HTX Lùng Tám, nơi lưu giữ kỹ thuật dệt vải gai dầu của người Mông

Lịch sử lâu đời của hemp

Cây gai dầu là một phần quan trọng trong nền nông nghiệp của loài người từ thuở sơ khai. Sợi gai dầu đầu tiên tìm thấy trong một mộ cổ ở vùng Lưỡng Hà có niên hạn 8.000 năm trước Công nguyên. Người ta tin cây này đã được trồng làm thuốc ít nhất 10.000 năm trước, có nghĩa gai dầu là một trong những loài cây đầu tiên loài người đưa vào canh tác.

Cây gai dầu có tên khoa học là Cannabis sativa. Trong thành phần nhựa cây có chất tetrahydrocannabinol (THC), và một số chất gây nghiện khác, gọi là các cannabinoids. Đây mới là mục đích chính cây này được trồng rộng rãi khắp châu Á và châu Âu. Mãi đến đầu Thời Đại Đồ Sắt (Iron Age), khoảng 3.000 năm trước, người ta mới biết sản xuất vải gai dầu.

Đầu thế kỷ 16, cây gai dầu theo những con tàu thực dân đến Mỹ và bắt đầu trồng thành công ở Chile. Nhiều nhân vật cộm cán trong lịch sử Mỹ như tổng thống George Washington hay Thomas Jefferson đều là các chủ trang trại trồng và khai thác cây gai dầu cho mục đích sản xuất công nghiệp.

Kể từ năm 1930, ngành nông nghiệp này không được phát triển nữa. Có nhiều lý thuyết giải thích tình trạng này, nhưng có thể nguyên nhân chính là từ sự cạnh tranh của những nhà sản xuất vải tổng hợp. Họ cố tình rêu rao về tính gây nghiện của gai dầu.

Những hình hài khác nhau của gai dầu, từ sợi sang vải. Ảnh: Shutterstock

Phân biệt giữa cây gai dầu (hemp) và cây cần sa (marijuana)

Thực ra, không phải cây họ Cannabis sativa nào cũng dùng để sản xuất chất gây nghiện được. Tùy mục đích sử dụng mà có hai dòng Cannabis sativa khác nhau.

Để sản xuất ma túy, người ta lai tạo ra cây cần sa (marijuana) có hàm lượng tinh dầu THC cao hơn 0,3%. Những cây này kết ra những nụ hoa có nhiều lông và sờ rất dính tay. Chất dính đó chính là nhựa cây giàu THC và các cannabinoids khác. Nụ càng dính thì càng có nhiều nhựa.

Cây gai dầu (hemp) để lấy sợi dệt vải lại khác. Hàm lượng THC trong cây rất thấp, dưới 0,3%, có nghĩa là gần như không có chất gây nghiện.

Người ta truyền tai nhau rằng sợi hemp lấy từ cây đực của Cannabis sativa, còn cần sa khai thác từ cây cái. Nhưng thực ra điều này không đúng. Đa số sợi gai dầu khai thác khắp thế giới lấy đều từ cây cái. Dòng gai dầu này không có khả năng phát triển những nụ dính nhựa.

Cây gai dầu mọc khắp nơi trên vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam. Ảnh: Thiên Hương

Đặc tính và công dụng của sợi gai dầu trong ngành vải vóc là gì?

Thân cây gai dầu có hai lớp. Lớp vỏ dạng sợi và lõi cây gỗ cứng. Sau khi khai thác, phần vỏ được tước sợi để dệt vải, còn phần lõi dùng cho xây nhà hay làm củi.

Sợi gai dầu rất bền chắc, do đó ngày xưa người ta dùng làm dây thừng sử dụng cho tàu thuyền.

Kim Duyên và Lalela Mswane cùng diện thiết kế làm từ vải gai dầu Tây Bắc trong BST Di Sản – Heritage của NTK Tuyết Lê

Kim Duyên và Lalela Mswane cùng diện thiết kế làm từ vải cây gai dầu Tây Bắc trong BST Di Sản – Heritage của NTK Tuyết Lê

Vải gai dầu thoạt trông hơi giống vải cotton, nhưng sờ vào lại giống vải bạt từ cây đay. Gai dầu bền hơn cotton nhiều. Một chiếc áo thun cotton giặt ít lần đã thấy hơi giãn hoặc xuống nước. Trang phục may bằng gai dầu khác hẳn. Không co, càng giặt càng mềm mịn. Đặc biệt, mặt vải không bao giờ bị sùi bông. Chiếc áo cotton bền lắm được 10 năm. Áo gai dầu bền gấp ba lần thời gian đó.

Lý thú là dù bền vững, vải gai dầu lại nhẹ và thấm mồ hôi, vì thế rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới. Vải cũng có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm mốc tự nhiên.

Vì sao vải sợi gai dầu thân thiện với môi trường?

Khung cửi dệt vải gai dầu truyền thống của người Ý

Do việc không phân biệt chính xác giữa cây gai dầu và cần sa, nhiều nước vẫn chưa cho phép trồng và khai thác cây gai dầu rộng rãi. Điều này làm hạn chế việc khai thác những ích lợi rất lớn của gai dầu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia cho phép trồng trọt gai dầu ở diện rộng. Có lẽ sẽ sớm đến ngày loài cây này được trả lại giá trị của nó.

Khoảng trên 30 quốc gia đang sản xuất gai dầu cho mục đích công nghiệp. Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng gai dầu trên toàn thế giới. Pháp là nước đứng thứ hai. Kế đó là Áo, Chile và Anh.

Thực ra trên thế giới hiện nay, ngành dệt vải mới sử dụng gai dầu ở số lượng nhỏ. Đa số được khai thác để làm giấy và các sản phẩm công nghiệp khác. Điều cần biết là mọi thành phần của cây gai dầu đều có thể sử dụng, không có phần nào bị bỏ phí. Do đó đây là loại cây thân thiện với môi trường, đặc biệt khi không tiêu tốn nhiều nước để trồng và không cần phun thuốc trừ sâu.

Khả năng khai thác vải cây gai dầu ở Việt Nam

Cụ Vàng Só Pó ở xã Vần Chải, Đồng Văn và chiếc quần dệt từ vải cây gai dầu nhuộm chàm đã 30 năm tuổi. Tình trạng còn nguyên của chiếc quần cho thấy độ bền của vải sợi gai dầu.

Ở Việt Nam hiện không có quy định rõ ràng về cây gai dầu. Bộ luật của chúng ta cấm trồng các loại cây gây nghiện như cần sa hoặc thuốc phiện. Cây gai dầu không có tên trong danh mục cấm, nhưng vì trong cây có tỷ lệ nhỏ chất gây nghiện nên công chúng vẫn hiểu chung là cây bị cấm trồng.

Trong thực tế, cây gai dầu mọc khắp nơi trên núi rừng Tây Bắc. Cây không cần chăm sóc nhưng lớn rất nhanh. Sau ba tháng có thể cao đến ba mét. Tháng Bảy, người dân chặt cây tước vỏ để se sợi.

Người phụ nữ Mông thoăn thoắt cuốn và nối sợi gai dầu. Ảnh: Thiên Hương

Khi đến những phiên chợ vùng Tây Bắc, bạn sẽ thấy phụ nữ dân tộc, đa phần là người Mông, dù đang bán hàng, mua hàng, hay nói chuyện, đôi tay cũng luôn thoăn thoắt quấn và nối sợi.

Chợ nhóm họp vào ngày Chủ nhật. Từ đêm hôm trước, mọi người đã nhộn nhịp chuẩn bị. Đến với phiên chợ, bên cạnh những mặt hàng quan trọng như dao đi rừng, trâu bò, lợn gà, các mặt hàng nông sản, trong danh mục hàng của các bà, các cô bao giờ cũng có vải gai dầu.

Vải thô dệt tay chưa xử lý nên còn cứng. Khổ vải 45 cm, mỗi miếng dài 9 mét. Cần ba tháng mới dệt xong một miếng vải, nhưng giá bán rất thấp. Vào lúc người viết bài này đi nghiên cứu thì giá chỉ khoảng 500.000 đồng/miếng.

Vải gai dầu là một trong những mặt hàng người phụ nữ Mông mang xuống bán ở chợ phiên. Ảnh: Thiên Hương

Do quy trình làm vải gai dầu của chúng ta còn thô sơ và tốn công, việc sản xuất gai dầu lại chưa được quan tâm, không khỏi lo rằng ngành nghề truyền thống độc đáo và rất quý này rồi sẽ biến mất.

THÔNG TIN CHO BẠN

Bạn có thể tham khảo một số cách sợi gai dầu được áp dụng vào thời trang qua những vật phẩm trưng bày tại triển lãm Vietnam’s Fashion Journey 2000 – 2023 do Harper’s Bazaar tổ chức.

Địa điểm: The Global City – Trung tâm mới của TP. Hồ Chí Minh
Đỗ Xuân Hợp, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian: Từ 15 đến 23/12/2023

Vào cửa: Triển lãm mở cửa miễn phí, từ 9h00 đến 18h00 hàng ngày.

CÁC LOẠI VẢI THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG KHÁC:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm