Ngày nay, có một bộ phận giới trẻ mê đắm phong cách thời trang thể thao để mặc hàng ngày (athleisure). Mỗi ngày, khi bước chân ra đường, thể nào bạn cũng gặp ít nhất một người diện quần tập yoga Lululemon, giày Yeezy, áo lót thể thao Nike hay váy tập thể dục Outdoor Voices. Không chỉ là thời trang hay thể thao, đây còn là ngành công nghiệp quốc tế trị giá đến 300 tỉ đô-la Mỹ và sẽ tăng trưởng liên tục.
Cây bút thời trang Lisa Armstrong của Harper’s Bazaar Mỹ từng chia sẻ: “Ngay cả khi bạn chỉ yêu thích phong cách lãng mạn, hobo hay phong cách vương giả, bạn cũng sẽ nhập hội diện thời trang thể thao”.
Tại sao lại như thế? Sự phát triển của thời trang thể thao một phần liên quan đến khoa học. Ngày nay, các nhà thiết kế và thương hiệu dễ dàng tiếp cận với các chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, nhanh khô, dễ giặt. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng rất quan trọng trong thời hiện đại. Bởi người tiêu dùng ngày càng đề cao tính ứng dụng và linh hoạt của trang phục để có thể diện chúng ở nhiều dịp và địa điểm.
Nắm bắt xu hướng, nhiều nhà thiết kế ra mắt dòng thời trang thể thao cá nhân như Stella McCartney bắt tay cùng Adidas, Tory Burch ra mắt Tory Sport hoặc thường xuyên trình làng các thiết kế thể thao trong bộ sưu tập. Các ngôi sao cũng không nằm ngoài trào lưu trang phục thể thao này, như Kate Hudson thành lập Fabletics, Beyoncé trình làng Ivy Park, Rihanna hợp tác cùng Fenty Puma.
Phong cách thời trang Athleisure là gì?
Athleisure được ghép từ athletic (thể thao) và leisure (nhàn nhã). Từ đầu năm 1979, tạp chí Nation’s Business đã sử dụng thuật ngữ này, để diễn tả trang phục và giày dép cho đời sống hàng ngày mang phong cách thể thao. Gần hai thập kỷ sau, vào năm 1997, tạp chí Women’s Wear Daily định nghĩa giày theo phong cách Athleisure là “kiểu dáng không dành cho thành tích luyện tập thể thao, chế tác từ da lộn hoặc vải bạt”.
Ý tưởng chủ đạo của những định nghĩa ở buổi bình minh của Athleisure là trang phục mang phong cách thể thao, nhưng không chuyên dụng dành cho luyện tập. Tuy nhiên, khi phong trào luyện tập hay phong cách sống năng động lên ngôi, Athleisure vào năm 2016 là những “trang phục thiết kế cho cả khi luyện tập và dạo phố”.
Hãy nhìn Hailey Bieber, Kendall Jenner hay các ngôi sao biến trang phục tập luyện thành thời trang dạo phố, bạn sẽ nhận ra sự phát triển của trào lưu này.
Quá trình phát triển qua hai thế kỷ
Athleisure chúng ta biết ngày nay đã phát triển manh nha từ hơn một thế kỷ trước. Trang phục thể thao bắt đầu phát triển từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khi ấy, phụ nữ bắt đầu được công nhận và gia nhập vào nhiều hoạt động của xã hội.
Trang phục phải năng động để họ có thể đạp xe, chơi quần vợt hay khiêu vũ. Các trang phục này thường chế tác từ vải dệt kim hoặc jersey, cộc tay để tiện vận động. Năm 1921, nhà thiết kế lừng danh Jean Patou chính là người đầu tiên thiết kế nên váy quần vợt mà siêu sao Suzanne Lenglen diện tại Wimbledon. Năm 1926, ba phần tư thị phần thời trang ban ngày của Paris nghiêng về trang phục thể thao.
Ở bên kia bán cầu, các nhà thiết kế người Mỹ như Claire McCardell và Bonnie Cashin đã giúp thời trang Mỹ thoát khỏi cái bóng của thời trang cao cấp Pháp, nhờ phong cách thiết kế đơn giản, đề cao tính ứng dụng. Theo thời gian, xã hội ngày càng chấp nhận thời trang thể thao là phong cách độc lập, cần một thuật ngữ riêng biệt để diễn tả.
Đó là lúc Athleisure ra đời.
Từ thập niên 1990 đến nay, Athleisure trở thành một xu hướng thời trang ứng dụng riêng biệt, mang phong cách thể thao. Bạn có thể diện chúng đến phòng tập, nhưng cũng có thể diện như trang phục hàng ngày. Văn hóa luyện tập wellness của Mỹ lan rộng khắp thế giới, cùng với sự dịch chuyển tư tưởng về sức khỏe hậu đại dịch cũng là những tác nhân góp phần đưa Athleisure phát triển như hôm nay.
Công nghệ góp sức cho sự phát triển của phong cách athleisure
Công nghệ đóng vai trò quan trọng đưa Athleisure tách biệt thành trào lưu riêng và là một ngành kinh doanh khổng lồ. Athleisure phát triển nhờ công nghệ dệt may hiện đại, tạo nên những chất liệu vải giúp cải tiến hiệu suất. Năm 1986, chất liệu DuPont Dacron ra đời với đặc tính “cực kỳ mềm, nhanh khô và thoáng mát”.
Gần đây hơn, chất liệu Gore-tex® chống thấm nước và thoáng khí ra đời cũng được ứng dụng rộng rãi. Trong vài năm qua, các nhà khoa học còn phát minh chất liệu vải phản ứng với nhiệt độ cơ thể. Sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và thiết kế thời trang đã phản ánh tính chất đặc trưng của Athleisure: thời thượng và đầy đủ chức năng.
Tương lai của thời trang thể thao
Năm 2020, khi Covid-19 lan rộng toàn cầu, thời trang là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng thời trang thể thao thì ngược lại. Khi các cuộc họp chỉ diễn ra online, những lời cảnh tỉnh về sức khỏe được đề cao, doanh số thời trang thể thao vút bay. Theo thống kê trên nền tảng Statista, thị trường thời trang thể thao Hoa Kỳ trị giá đến 105,1 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020 và đạt 113,4 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2021.
Kênh Fashion Genome của True Fit (thông qua Thương mại trực tiếp), phân tích dữ liệu từ 17.000 thương hiệu và 180 triệu người dùng True Fit cho hay, các đơn đặt hàng thời trang thể thao đã tăng 84% kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chỉ riêng ở Vương quốc Anh, doanh số thời trang thể thao dành cho nữ vào tháng 12–2020 cao gấp năm lần so với tháng 4 cùng năm. Tổng đơn hàng thời trang thể thao cho nam cao hơn 20% so với năm 2019. Nhà bán lẻ Target của Mỹ đạt doanh thu 1 tỷ USD cho dòng quần áo năng động mang tên All in Motion dù chỉ mới ra mắt thương hiệu trước đại dịch. Theo công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, ngành công nghiệp thời trang Athleisure toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị gần 547 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2024.
Các thương hiệu tập trung phát triển các trang phục thể thao phù hợp cho cả môi trường công sở. Loại trang phục là giao điểm giữa thời trang Athleisure và công sở được dự đoán sẽ thu hút lượng khách hàng trung niên. Khi quần tập yoga đang gần bão hòa, cơ hội lại nằm ở giày thể thao. Năm 2021, giày thể thao đã vượt mặt giày công sở để trở thành kiểu giày được yêu thích nhất tại Mỹ, theo Forbes. Những thiết kế giày giúp nâng cao hiệu suất được ưa chuộng hơn cả.
Khi thị trường Athleisure liên tục phát triển, các công ty dành nhiều thời gian để mở rộng dịch vụ thể thao. Các thương hiệu như Girlfriend Collective, Wone và Onzie đang thành công tựa như Lululemon, Athleta và Adidas bằng cách tập trung vào mối liên hệ của thể thao với trách nhiệm xã hội đến sức khỏe và thể chất. Chẳng hạn như Girlfriend Collective sử dụng chất liệu nhựa tái chế vào các sản phẩm, để nâng cao nhận thức và thể hiện trách nhiệm bền vững của mình.
Khi thương hiệu bắt đầu kết hợp thời trang, tính ứng dụng cùng phong cách sống hay các trách nhiệm xã hội và sự bền vững, đó là lúc Athleisure sẽ ngày càng phát triển và trở thành một phần tất yếu của cuộc sống.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam