Giải mã hành vi ngoại tình trong đời sống hôn nhân

Ngoại tình sẽ giết chết hôn nhân hay có thể khiến tình cảm vợ chồng thay đổi tích cực hơn? Trong mối quan hệ tay ba, Ai là người có thể chấm dứt tấn bi kịch ngoại tình?

Một trong những cuốn sách viết về mối quan hệ tay ba: chồng-vợ-người tình mà tôi từng đọc là cuốn Quan hệ không hợp pháp của nhà văn Ba Lan, Grazyna Plebanek. Tác phẩm phơi bày những mâu thuẫn cùng cực khi người trong cuộc dẫu sợ và biết mình “tội lỗi”, vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng.

Trong hôn nhân, ta luôn muốn có người bạn đời đồng hành và chia sẻ kinh tế. Trên hết, ta cũng muốn chính người đó cho mình cái cảm giác huyền bí, hào hứng và mới lạ giúp ta quên hết mọi buồn chán, mệt mỏi hằng ngày. Vấn đề là: Người đó ở đâu ra? Cái điều mang đến cho ta sự ổn định chưa hẳn sẽ mang đến cho ta những bất ngờ và thách thức, vốn là chìa khóa của ái tình. Cuộc sống gia đình với muôn ngàn biến cố có thể xảy ra cũng làm tiêu tan mọi mộng mơ hằng có trong mỗi con người.

Vì thế người ta đi ngoại tình để tìm lại những dư vị đã mất. Họ không muốn hủy hoại gia đình, họ yêu người bạn đời nhưng họ cần bước ra một không gian khác, với một người khác để có lại cảm giác cháy bỏng yêu đương. Nếu người ta có thể mang cái cảm xúc đó về nhà, nó sẽ tiếp sức cho hôn nhân rất nhiều. Mặt khác, khi tình yêu trong hôn nhân đã hỏng nhưng vì nhiều lý do vẫn phải giữ vững hôn nhân đó, người ta càng đến gần bờ vực của sự ngoại tình.

Ngoại tình là chuyện từ xưa đến nay Các mối quan hệ tay ba đã luôn tồn tại song hành với sự phát triển của xã hội, là một làn sóng ngầm tuy không nói nhưng ai cũng rõ. Gần đây, các chuyên gia còn tìm ra được bằng chứng cổ súy cho sự ngoại tình, đó là: Ngoại tình không hẳn giết chết hôn nhân mà còn khiến tình cảm vợ chồng mạnh mẽ hơn.

Nghiên cứu của Esther Perel, tác giả cuốn sách Mating in Captivity (tạm dịch: Quan hệ trong hôn nhân), cho thấy: Sau khi ngoại tình, một số người hồi tưởng về những đau đớn đắng cay đã qua và biết trân trọng nhau hơn trong hôn nhân. Ngoại tình đôi khi là chất xúc tác mạnh mẽ giúp các đôi vợ chồng thay đổi tích cực và làm mới hôn nhân.

Đầu năm 2014, trên diễn đàn giáo dục TED, nhà nhân chủng học người Mỹ Helen Fisher đã có một báo cáo bị phản ứng khá kịch liệt, dù bà chỉ nêu ra một cách khách quan về hành vi tính dục của con người, hay đúng hơn là phần “con” trong chúng ta. Theo đó, tình yêu không đơn thuần chỉ là cảm xúc mà do não bộ chi phối để con người thực hiện chức năng giao phối và sinh sản. Vì thế chúng ta dễ dàng sa đà vào hành vi ngoại tình kể cả khi ta coi trọng tình yêu.

BZ_Tamly_ngoaitinh

“Trong hôn nhân, ta luôn muốn có người bạn đời đồng hành, chia sẻ và trên hết, muốn chính người đó cho mình cái cảm giác huyền bí, hào hứng và mới lạ”

Ngoại tình chưa bao giờ được chấp nhận

Một đặc điểm của người ngoại tình là họ chắc mẩm vợ/chồng mình sẽ không bao giờ làm điều tương tự. Họ tự xây một hình ảnh hoàn hảo của chính mính và cho phép mình làm gì cũng được, còn bạn đời kia đâu cần ai ngoài mình nữa. Người ngoại tình ít khi mường tượng ra hậu quả hành động của mình, họ chỉ cảm thấy tức giận khi bị phát hiện.

Làm sao một cuộc hôn nhân có thể hạnh phúc khi lấy sự ích kỷ và phản bội là nguyên liệu chính? Dĩ nhiên ai cũng chỉ có một đời để sống. Vậy nếu không còn cảm thấy hạnh phúc nữa, hãy nói rõ cho bạn đời biết. Họ có quyền được biết để tự quyết định lấy phần đời còn lại của mình.

Ngoại tình chưa bao giờ được chấp nhận, như Marx và Engels từng viết: “Nếu chỉ riêng hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu mới là hợp đạo đức thì cũng chỉ riêng hôn nhân trong đó tình yêu được duy trì mới là hợp đạo đức mà thôi”. Nếu cảm thấy đời sống một vợ một chồng mà pháp luật quy định là quá ngột ngạt và áp đặt, ta đừng bao giờ bước vào đời sống đó.

Có bao nhiêu trường hợp ngoại tình?

Emily Brown, chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình ở bang Virginia, Mỹ, đã chia ngoại tình thành 5 trường hợp cơ bản. Trường hợp thứ nhất xảy ra ở những đôi vợ chồng trẻ. Việc ngoại tình thường kết thúc nhanh chóng và người thứ ba lập tức bị ra rìa do tình cảm không quá lớn. Kẻ phản bội cảm thấy ăn năn, nạn nhân tuy “rất hận” nhưng vẫn duy trì hôn nhân.

Trường hợp thứ hai rơi vào những đôi vợ chồng luôn trách móc, quát tháo nhau nhưng chưa bao giờ lắng nghe và thật sự hiểu nhau. Họ khiến mọi chuyện ầm ĩ và chẳng bao giờ giải quyết được gốc rễ vấn đề. Trường hợp thứ ba rơi vào thế hệ trước. Người đàn ông sống hai cuộc đời. Họ trân trọng cuộc hôn nhân chính thống nhưng cũng có nhân tình, thậm chí là một gia đình khác. Khả năng ly dị rất thấp và những người trong cuộc sống nhẫn nhịn nên không bao giờ đạt đến hạnh phúc. Trường hợp thứ tư rơi vào những người nghiện tình dục. Họ dùng ngoại tình như một cứu cánh để tiếp tục duy trì hôn nhân. Trường hợp thứ năm rơi vào những người có tiền và quyền lực. Họ quen với việc muốn cái gì là được cái đó và họ cũng là mục tiêu tấn công của nhiều đối tượng.

Trong tất cả 5 trường hợp trên, ngoại tình hầu như chỉ có tác dụng tích cực với trường hợp đầu tiên, giúp vợ chồng hiểu rõ cái khó của nhau hơn, thấu hiểu được nhu cầu của bạn đời và từ đó thay đổi để nâng đỡ nhau, để cuộc sống lứa đôi không cần phải có người ngoài “hỗ trợ” nữa.

BZTamly_ngoaitinh-4

ngoai tinh

Bản thân hai chữ ngoại tình đã là một khẳng định sắt thép: Người thứ ba chỉ là kẻ ở bên ngoài một hạnh phúc đích thực

Không phải của mình, có nên cố giành lấy?

Trong hầu hết các trường hợp, khi bạn đi tận cùng vấn đề, cả ba nhân vật trong chuyện ngoại tình đều vừa là nạn nhân vừa là kẻ có tội. Tuy nhiên, ai có thể chấm dứt tấn bi kịch này một cách rốt rẻng nhất? Đó chính là người thứ ba.

Mối quan hệ ngoại tình buổi đầu chỉ toàn mật ngọt, nên trong lòng người thứ ba, họ khao khát cái hiện tại ấy sẽ là mãi mãi. Nhưng họ sẽ ngay lập tức chạm phải thực tế phũ phàng. Cảm giác xấu hổ với người xung quanh, cảm thấy tội lỗi vì đã phá nát một gia đình nhưng hơn hết thảy, đó là cảm giác nhớ nhung đến điên dại cái kẻ không thể đường đường chính chính đến với mình… Một mối quan hệ trái ngang như vậy rồi sẽ đi về đâu? Hãy ngừng lừa dối chính mình. Nếu bạn là phụ nữ yêu phải một người đàn ông có gia đình, hãy loại bỏ 5 tư tưởng sau:

– Tôi là tình yêu đích thực của anh ấy: Nên nhớ vào một thời điểm nào đó trước đây, vợ của anh ta cũng từng là tình yêu đích thực và điều đó cũng không thể ngăn anh ta phản bội.

– Anh ấy sẽ ly dị vợ để lấy tôi: Điều này khó mà xảy ra, đặc biệt nếu họ đã có con. Anh ta đang trì hoãn chuyện vụng trộm này.

– Vợ anh ấy không biết chiều chồng: Bạn nghĩ rằng vợ anh ta xấu xí, khô khan, đòi hỏi, học vấn thấp…? Biết đâu đó lại là người phụ nữ hoàn hảo, biết tề gia nội trợ thậm chí thành công trong sự nghiệp. Trường hợp này chính anh ta mới là kẻ có vấn đề.

– Chỉ cần anh ấy ly dị vợ là được: Vậy còn con cái của họ? Bạn có chịu được cảm giác khi biết gia đình họ vẫn gặp gỡ nhau?

– Không có ai yêu bạn bằng anh ta: Sẽ có những chàng trai yêu và chấp nhận con người bạn chứ không xem bạn làm giải pháp. Nên đừng làm tổn hại chính mình và gia đình anh ta vì một mối quan hệ “ngõ cụt” như thế này.

Thử làm trắc nghiệm “Bạn có phải là người có khuynh hướng ngoại tình” ở đây.

Bài: Xuân Thảo, Nghi Lạc. Ảnh: Getty Images

Dựa theo bài Vợ, chồng và người tình trên Harper’s Bazaar số tháng 5/2015

Xem thêm