Cứ mỗi độ cuối năm, mỗi người lại ngồi nghĩ về kế hoạch và mục tiêu cho năm mới. Đây cũng là thời điểm để nhìn lại những gì bản thân đã làm được trong năm cũ. Và “ngạc nhiên” thay, hầu hết những mục tiêu của năm ngoái vẫn sẽ là mục tiêu của năm nay. Hoặc thậm chí là năm sau và năm sau nữa!
Khảo sát cho thấy, phần lớn chúng ta không thể thực hiện một cách trôi chảy lời hứa với bản thân. May thay khoa học có thể đưa ra lời giải thích cho sự “ùn tắc” này. Và cả cách để bạn hiện thực hoá những mục tiêu một cách trôi chảy hơn. Cùng Harper’s Bazaar xem thử nhé!
Vì sao những mục tiêu năm mới bị ùn tắc?
1. Thiếu tính chính xác và cụ thể
Chúng ta thường đặt ra mục tiêu rất chung chung. Chính sự khái quát quá này làm nó trở nên vô cùng khó hiểu để thực hiện. “Năm mới, tôi sẽ tập thể dục”. “Năm mới, tôi sẽ dậy sớm”. “Năm mới, tôi sẽ chăm đọc sách hơn”. Đây là những mục tiêu rất nhiều người đặt ra cho bản thân. Và dĩ nhiên là cũng vô tình khiến bản thân cảm thấy mông lung khó tả. Cuối cùng là bỏ cuộc vì “quá khó để thực hiện”.
2. Không đặt mục tiêu vì bản thân
Không ít người quyết định không vì bản thân mình, mà vì bị tác động bởi ý kiến của những người xung quanh. Việc đặt ra mục tiêu cho năm mới có lẽ cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu năm mới không thật sự giúp cải thiện bản thân, và trôi vào quên lãng.
3. Quá hà khắc và tiêu cực
Khi lên danh sách những mục tiêu, hãy chắc chắn là bạn sẽ thực hiện chúng một cách tự nguyện và vui vẻ. Nhìn nhận đúng về tình trạng của bản thân để đưa ra phương án cải thiện không đồng nghĩa với sự hà khắc hay tiêu cực. Ngược lại, sự tích cực trong suy nghĩ và một chút nới lỏng sẽ giúp bản thân dễ thở hơn. Và những mục tiêu cũng trở nên gần gũi hơn bạn tưởng đấy.
Để thực hiện những mục tiêu năm mới dễ dàng hơn
Cụ thể hóa mục tiêu
Mục tiêu cần đi kèm với giải pháp! Hãy thử cụ thể hoá mục tiêu cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của bản thân hơn. “Giảm cân” là một cụm từ quá vĩ mô nếu bạn thật sự muốn đẩy bớt mỡ thừa khỏi bắp tay hay bụng. Một mục tiêu dễ chịu hơn có thể là “nhảy dây 200 lần/ngày” hay “chạy bộ 60 phút/ngày” chẳng hạn.
Chia nhỏ những mục tiêu lớn
Một kế hoạch lớn được chia nhỏ thành từng giai đoạn theo tuần, tháng, quý tuỳ theo hoàn cảnh của bạn. Đây là cách giúp bạn dễ theo dõi tiến độ và mức độ khả thi của mục tiêu. Đọc 12 đầu sách một năm nghe có vẻ khó nhằn hơn là nhâm nhi 1 cuốn sách mỗi tháng vào mỗi cuối tuần chứ nhỉ!
Quan sát, đánh giá, chỉnh sửa
Ngoài ra, mục tiêu với độ khó tăng dần giúp cơ thể có thời gian thích nghi tốt hơn. Đừng quên dành thời gian quan sát và đánh giá phản ứng của cơ thể với mỗi mục tiêu đề ra. Khi đã hoàn thành mục tiêu nhỏ, bạn có thể điều chỉnh độ khó và tần suất. Chìa khoá thành công ở đây chính là không vội vàng, nhồi nhét. Bạn có hẳn một năm để hiện thực hoá ước mơ cơ mà.
Đề ra những món quà cho bản thân
Mọi cố gắng đều cần được tuyên dương. Không quên tự thưởng đôi điều nho nhỏ cho bản thân để khích lệ tinh thần nhé! Điều này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu nhanh và dễ dàng hơn bạn nghĩ đấy!
Harper’s Bazaar Vietnam