Ảnh: Instagram @Rhymastic
Rhymastic là một trong hai vị giám khảo quyền lực của chương trình Rap Việt. Tại vòng chinh phục, chàng rapper xuất hiện với mái tóc xoăn tít, chiếc áo in đa sắc và quần khaki. Chiếc áo vui tươi cực kỳ đối lập với những câu nói rất “phũ” của anh chàng.
Giới mê thời trang sẽ mau chóng nhận ra rằng đây là chiếc áo sơ-mi Aloha. Hay còn được gọi thuận miệng là áo Hawaii. Được gọi như vậy vì nó vốn xuất thân từ quần đảo Hawaii.
Chiếc áo này, từ một món đồ chuyên bán cho dân tourist, được mệnh danh là thứ gàn dở, nay lại được dân săn đồ phiên bản giới hạn Hypebeast truy lùng. Quả là một sự thay đổi quan niệm bất ngờ!
Nguồn gốc lai căng của chiếc áo Hawaii
Trên đảo Hawaii, từ xa xưa đã có nhiều dân nhập cư. Khí hậu và môi trường thích hợp làm đồn điền trồng trọt hoa quả và mía lau. Vì vậy rất nhiều dân nhập cư đến đây làm đồng, tận từ cuối thế kỷ 19.
Những người dân nhập cư đầu tiên ở đây đến từ các quốc gia châu Á. Văn hóa sắc tộc đủ cả. Nào là Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, và đặc biệt nhiều nhất là đến từ Nhật Bản. Sau đó họ định cư, sinh con đẻ cái, và mang văn hóa của quốc gia mình hòa nhập vào cộng đồng nơi đây.
Chiếc áo Hawaii cũng được cho là một sản phẩm lai căng giữa các nền văn hóa châu Á ở Hawaii.
Không ai thực sự biết được chiếc áo này do ai sáng chế ra. Chỉ biết rằng nó lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng thập niên 1920 – 1930.
Lịch sử gia cho rằng, những mẫu áo sơ-mi Hawaii đầu tiên được làm từ chất liệu đa sắc dùng để dệt yukata, một loại kimono mùa hè. Phom dáng thoải mái, rộng thùng thình lại lấy cảm hứng từ mẫu áo Barong Tagalog của Philippines.
Người đầu tiên sản xuất đại trà và quảng cáo chiếc áo này là một thương nhân gốc Hoa, Ellery Chun.
Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế trường đại học danh giá Yale, Ellery Chun trở về Hawaii để tiếp quản kinh doanh cửa hàng bách hoá gia đình ở Honolulu, thành phố lớn nhất toàn Hawaii.
Lúc ấy là năm 1931. Toàn bộ nước Mỹ tràn ngập trong khổ đau vì cơn Đại khủng hoảng. Những cửa hàng nhỏ như của gia đình Ellery Chun có nguy cơ phải đóng cửa bất cứ lúc nào vì kinh doanh thất bát.
Thế rồi, năm 1936, ông nảy sinh ra một ý tưởng. “Tôi muốn quảng bá cho một chiếc áo mang phong vị Hawaii. Như một món quà mang hơi thở tại đây theo chân khách du lịch”. Ông đã chọn mẫu áo sơ-mi rộng thùng thình nhiều màu sắc này. Giăng nó lên cửa kính cửa hàng tạp hóa gia đình, ông gọi nó là chiếc áo Aloha – “Aloha” trong tiếng thổ dân Hawaii có nghĩa là “Xin chào”.
Từ chiếc áo lưu niệm của du khách thành món đồ tượng trưng cho phong cách sống xa xỉ
Ban đầu, mẫu áo này chỉ là món đồ lưu niệm cho du khách vớ vẩn. Nhưng rồi, doanh thu bùng nổ. Những năm 1940, doanh thu đến từ chiếc áo Aloha này lên đến 11 triệu đô-la Mỹ, khi quy đổi về mức giá tiền tệ hiện tại.
Lý do nào khiến nó trở nên được ưa thích như vậy? Đầu tiên, có lẽ vì nó rất thoải mái.
Tại Hawaii, chiếc áo sơ-mi này rất được đón nhận. Phom dáng và chất liệu thoáng mát phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Rất dễ để cởi ra hay choàng nó nhanh lên người khi đi tắm biển. Những người đàn ông đến Hawaii, từ khách du lịch cho đến Thủy quân Mỹ, đều sắm cho mình một chiếc. Thế rồi, khi họ rời Hawaii, họ lại mang chiếc áo Aloha này theo mình. Nghiễm nhiên, chiếc áo này trở thành một loại “postcard di động” mang khí hậu Hawaii về đất liền Mỹ.
Thứ nhì, có lẽ vì chiếc áo Hawaii lại trở nên đồng điệu với lối sống của giới thượng lưu.
Như Harper’s Bazaar đã nói ở trên, chiếc áo này ra đời vào thập niên 1930 tăm tối của Mỹ. Những người có đủ tiền đến Hawaii du lịch vào thời điểm này đều là dân khá giả. Mà đã là người thành đạt thì họ đều nổi tiếng trong lĩnh vực của mình. Có thể là các ông trùm tài chính của phố Wall, hoặc vận động viên Thế vận hội, hoặc các ngôi sao.
Khi những người thành đạt này mặc áo Aloha trở về đất liền Mỹ, ngay lập tức họ khơi gợi trào lưu mặc chiếc áo màu mè này.
Cuối cùng, có lẽ vì nó mang lại chút gì đó tươi sáng cho cuộc sống ảm đạm thời kỳ hậu Đại khủng hoảng.
“Khách hàng tìm cách chút gì đó tươi vui vào cuộc sống của họ. Chút màu sắc, chút hoa cỏ. Tôi nghĩ đây là sức hút của áo Aloha. Nếu nó có thể khiến một ngày của người nào đó thêm tươi vui, chẳng phải chiếc áo này quá quyền lực hay sao?”
– Trích lời tổng giám đốc thương hiệu Kahala, một trong những nhà sản xuất áo Aloha lâu đời nhất (thành lập từ năm 1936) –.
Áo sơ-mi Hawaii và dân săn thời trang đường phố
Ngày nay, rất nhiều các ngôi sao như Bruno Mars, Tom Hardy, Jared Leto… vẫn diện chiếc áo Hawaii này ra đường. Mà item thời trang nào được các ngôi sao quảng bá, thì các thương hiệu thời trang sẽ mau chóng ăn theo, thiết kế sản phẩm tương tự.
Từ những thương hiệu thời trang cao cấp, như Gucci, cho đến các nhãn hiệu thời trang đường phố (streetwear), như The Supreme và A Bathing Ape, đều tung ra mẫu áo Aloha thời trang cho riêng mình. Được sản xuất với số lượng ít ỏi, đến từ các nhà mốt hot, chúng trở thành một sản phẩm thời trang được các tay săn thời trang Hypebeast đón nhận chẳng kém gì giày thể thao.
Mà đừng quên, những người ủng hộ gu thời trang đường phố chính là các rapper và dân chơi hip hop. Từ từ, mẫu áo Aloha này xuất hiện trên video ca nhạc hip hop, rap, R&B… Phối với vòng xích sắt vàng choé và những đôi giày thể thao hầm hố, bỗng nhiên chiếc áo Aloha này lại trở nên ngầu và thời thượng.
Hãy cùng ngắm những chiếc áo Hawaii của Rhymastic
>>> Xem thêm: GIẢI MÃ PHONG CÁCH MẶC ÁO HOODIE VỚI BLAZER CỦA JUSTATEE TRÊN RAP VIỆT
Trích Smithsonian Mag, Mental Floss
Harper’s Bazaar Việt Nam