Bận rộn với công việc và giao tiếp xã hội nhiều, những tưởng người phụ nữ quyền lực và nổi danh không màng chuyện bếp núc. Hóa ra không phải, hầu như họ vẫn là người quyết định căn bếp nhà mình như thế nào.
Tuyệt chiêu của các đệ nhất phu nhân
Sài Gòn mùa này hay mưa, tôi trùm chăn đọc lại quyển sách cũ của Vũ Bằng: Món lạ miền Nam. Trong đó, ông tả một món lạ lùng là “canh rùa”. Thế nhưng món ăn này không lạ bằng câu chuyện nguồn cơn: “Cụ thân mẫu của ông Kennedy, năm đó gần tám mươi, chính là trưởng ban tuyên truyền của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống… Bà thống lĩnh các cô em gái của ông đi khắp các câu lạc bộ, hội liên đới phụ nữ để diễn thuyết và lấy lòng phụ nữ cho ông anh. Nhưng tài tình nhất là cụ thân mẫu và các cô em của ứng cử viên Kennedy khéo làm các bánh ngọt để biếu bạn gái ở từng quận xã và không quên gởi kèm theo cuốn sách mỏng trình bày rất đẹp. Một cuốn thơ xanh màu hy vọng? Hay một bản sao mấy bức danh họa của Gauguin, Van Dyck?…
Không, cuốn sách nhỏ bé gởi biếu các cử tri đó chứa đựng một bảo vật gia truyền của dòng họ Kennedy: bí quyết nấu canh rùa. Xin mời các bạn gái cử tri trên toàn nước Mỹ cứ y đó mà làm, các bạn sẽ tạo hạnh phúc cho chồng con và các bạn sẽ thấy thiên đường không ở đâu xa, mà chính ở ngay trên trái đất”.
Lịch sử cũng ghi nhận bà Mamie Eisenhower, phu nhân của tổng thống Dwight D. Eisenhower, hay đệ nhất phu nhân Nancy Reagan… là những người hết sức chú trọng đến gian bếp của ngôi nhà quyền lực nhất thế giới này. Đương kim đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà Michelle Obama, đã làm cuộc cách mạng vượt ra khỏi gian bếp Nhà Trắng: cuộc vận động ăn uống an toàn trên toàn nước Mỹ. Bà thiết kế khu vườn trồng rau cổ động ăn rau xanh, mang đầu bếp đến trường học hướng dẫn cách ăn uống, thiết lập quầy rau ở mỗi trường tiểu học. Mới đây, bà tổ chức cuộc thi thiết kế thực đơn ăn trưa dành cho học sinh tiểu học với phần thưởng là một bữa tiệc cho cả gia đình tại phòng ăn tổng thống. Thế mới thấy, chuyện bếp núc của các đệ nhất phu nhân đã góp phần không nhỏ trong chuyện quốc gia đại sự.
Trổ tài nấu ăn, trào lưu của các ngôi sao
Các siêu sao Hollywood giờ đang có mốt nghiên cứu món ăn và mở nhà hàng, chuỗi thức ăn. Nữ danh ca Beyoncé vừa giới thiệu dịch vụ thức ăn chay giao đến tận nơi của mình. Ngôi sao điện ảnh Gwyneth Paltrow vốn nổi danh với lối sống xanh và sạch đã quyết định cùng một huấn luyện viên thể dục nổi tiếng tại Mỹ xây dựng chuỗi dịch vụ ăn uống mang tên 3 Green Hearts. Còn ở Việt Nam, trào lưu mở nhà hàng, quán ăn đã trở thành niềm vui sáng tạo và thử nghiệm khả năng kinh doanh của những người nổi tiếng, như hoa hậu Mai Phương Thúy, MC Kỳ Duyên… Nhiều ngôi sao khi làm đại sứ, quảng bá cho các chương trình, nhãn hàng… còn đem theo cả câu chuyện về tài bếp núc của họ. Ca sỹ Thu Minh có tuyệt chiêu chiên cơm hải sản, Tăng Thanh Hà làm món chả giò rất đặc trưng hay Linh Nga vào bếp với món cá hấp xì dầu…
Tư duy “quản trị” trong căn bếp
Không nhiều thời gian làm bếp, nhưng căn bếp của các nữ chủ nhân quyền quý luôn là nơi các chị tỏ rõ sở thích, niềm kiêu hãnh ngầm của mình. Bếp nhà các nữ doanh nhân Thanh Loan, Thu Hằng thiết kế tối giản nhưng từ trang thiết bị đến thực phẩm, nguồn nguyên liệu luôn là những lựa chọn tối ưu, thể hiện đỉnh cao của sự tinh tế trong nghệ thuật nấu ăn và thưởng thức. Trên mạng xã hội, nhiều nữ doanh nhân cũng đang trổ tài nấu ăn với rất nhiều bí kíp sáng tạo và cập nhật các món ngon vật lạ khắp nơi. Giám đốc thương hiệu của một tập đoàn lớn, chị Điệp Giang, mở hẳn mục “bếp tí hon” trên Facebook để chia sẻ những món ngon tự làm phù hợp với cuộc sống bận rộn và di chuyển liên tục của mình. Điểm thú vị là những món ăn của các chị luôn kèm theo nhiều câu chuyện cuộc sống xúc động, tràn đầy nguồn cảm hứng, năng lượng tích cực và những hành trình kỳ lạ của loại nguyên liệu hiếm thấy.
Chị Hồ Thu, nữ doanh nhân gốc Việt tại Thái Lan chia sẻ: “Kể ra lăn vào bếp cũng học được khối điều, ứng dụng triệt để các yếu tố quản trị: Đầu tiên là tổ chức sắp xếp trình tự các khâu. Sau đó là nghệ thuật “nghiên cứu thị trường” vì vừa phải tìm công thức, vừa liên kết các món đang có sẵn trong tủ lạnh lại vừa nghĩ đến đối tượng “khách hàng” sắp thưởng thức: cho mẹ già, cho con nhỏ, cho bạn bè…”. Chuyện bếp núc của những nữ doanh nhân cũng làm tôi nhớ lại hình ảnh bà Phạm Thị Việt Nga, nữ tướng số 1 của Dược Hậu Giang. Bà tổ chức một chuyến xe, đến một vài nơi làm hội nghị khách hàng, sau đó đổ bánh xèo kiểu Cần Thơ mời các bác sỹ, dược sỹ, nhà thuốc, đại lý… đã giúp công ty bà lâu nay thưởng thức. Quả nhiên, khi áp dụng công thức “cá nhân hóa việc chăm sóc khách hàng”, những thủ lãnh này đã chinh phục trái tim người đối diện rất nhanh…
Sau những dốc sức cho các mục tiêu ý chí, cảm giác nấu nướng “bằng cả trái tim” với sự tự do và ngẫu hứng (chớ không phải nghĩa vụ bắt buộc) quả là rất tuyệt! Như chia sẻ của chị Hồ Thu: “Lăn vào bếp làm một cái gì đó là một biện pháp rất hữu ích giúp mình thoát khỏi cái đống hỗn độn ngổn ngang công việc trong đầu. Và mình sẽ trở lại với một cái đầu mới, những ý tưởng mới và mình lại tiếp tục “chiến đấu” để tiến lên”.
Vì sao các nữ doanh nhân nên nấu ăn?
– Kiểm soát ăn uống là kiểm soát tâm trạng: Khi nấu ăn, chúng ta thực sự biết rằng mình đang nạp bao nhiêu năng lượng vào người so với lượng đã tiêu hao trong ngày. Điều này làm cho chúng ta luôn có cảm giác tốt hơn về bản thân.
– Quẳng gánh lo đi: Những suy nghĩ về công việc luôn hiện diện trong đầu những người bận rộn. Việc nấu ăn, vốn đòi hỏi sự tập trung của quá trình cắt tỉa rau củ, kiểm soát nhiệt độ… sẽ lôi chúng ta ra khỏi những lo âu thái quá, như một cách giải stress.
– Luyện tập các “tế bào sáng tạo”: Hầu như khi nấu ăn, ai cũng có chút “dấu ấn” của riêng mình. Vì vậy, những sự kết hợp ngẫu nhiên hay cố tình những thực phẩm, gia vị hay cách trình bày… nhìn tuy đơn giản nhưng có tác động đến sức sáng tạo của chúng ta, vốn bị bào mòn theo công việc rất nhanh.
– Tự tin hơn: Cho dù hôm ấy cảm thấy chán nản đến đâu, thì khi vào bếp, bạn có thể hoàn toàn kiểm soát được mọi thứ. Đây là cách nhắc nhở rằng: bạn hữu ích và sẽ làm được cái mình muốn.
Ly cocktail của nữ hoàng thời trang Coco Chanel
Coco Chanel – biểu tượng đỉnh cao của thời trang thế giới, không chỉ lừng danh bởi nước hoa số 5 hay những bộ cánh lộng lẫy sang trọng, mà một trong những câu chuyện thú vị bà đã để lại chính là công thức ly cocktail huyền thoại của bà. Đơn giản vô cùng, chỉ có vài thành phần cơ bản: rượu Gin, Kahlua và kem đặc cùng với đá vụn, bà đã tạo ra món tráng miệng hoàn hảo: hình thức giản dị mà đa sắc màu trong hương vị chứa đựng sự lịch lãm kiêu sa của người thưởng thức.
Bài: Trần Nguyên. Ảnh: Radius/ CORBIS
Harper’s Bazaar