Vì dịch cúm corona, nguồn cung kim cương tồn đọng vốn trị giá hàng tỷ đô

Các thương hiệu kim cương lớn nhất nhì toàn cầu, De Beers và Alrosa, đang cố gắng kìm giá bán kim cương, tránh tụt dốc không phanh

Ảnh: Alrosa

Thương hiệu kim hoàn và trang sức De Beers, nhà khai thác kim cương nổi tiếng nhất thế giới, ngao ngán nhìn trữ lượng kim cương của mình. Được bảo vệ tại một hầm mỏ nằm ở ngoại ô Gaborone, thủ phủ “quốc gia kim cương” Botswana, lượng kim cương được khai thác cứ nằm yên trong hầm mỏ suốt từ tháng Hai đến bây giờ.

Khi dịch cúm corona bùng phát toàn cầu từ tháng Hai đến giờ, De Beers hầu như không bán được mấy lượng kim cương đã khai thác. Đối thủ của hãng, Alrosa PJSC từ Nga, cũng gặp tình cảnh tương tự.

Bây giờ, khi thế giới đang từ từ hồi phục, các nhà kim hoàn và mỏ khai thác phải tìm cách đẩy mạnh sức tiêu thụ kim cương mà không gây phá giá.

Dịch cúm corona đã tàn phá ngành kim cương

Kim cương thô tồn đọng ở hầm mỏ tại Botswana. Ảnh: De Beers

Các cửa hàng trang sức đóng cửa. Các viên kim cương thô không thể được xử lý khi Ấn Độ, đầu mối cắt kim cương của thế giới, giãn cách xã hội.

Bình thường, vào tháng Ba hàng năm, De Beers sẽ tổ chức một lễ hội kim cương và cơ hội sale lớn. Năm  nay, họ phải hủy bỏ kế hoạch vì các quốc gia đóng cửa biên giới, khách hàng không thể bay đến tham dự.

De Beers và Alrosa đã nhanh chóng tìm cách bảo vệ thị trường. Họ không cho phép cắt giảm giá thành mua kim cương, nhưng ngược lại cho phép các khách hàng đẩy lùi hoặc hủy hợp đồng. Họ cũng giảm số lượng khai thác. Nhưng sự thật là họ đang đối mặt với một trữ lượng dư thừa trị giá khoảng 3,5 tỷ đô-la Mỹ. Đến cuối năm nay, nếu tình hình không thay đổi, thì con số này có thể lên đến 4,5 tỷ đô.

Tháng Năm vừa rồi, De Beers vừa thành công tổ chức một buổi sale nhỏ. Tuy nhiên, thương hiệu không hề chia sẻ doanh số như cách họ vẫn làm hàng năm. Một nguồn tin tiết lộ với Bloomberg rằng con số chỉ vào khoảng 35 triệu đô, chỉ 1/10 so với con số 416 triệu đô năm ngoái.

Kim cương sẽ rẻ đi?

Hậu dịch cúm, hàng loạt tiệm kim hoàn và trang sức đã bị thiệt hại nặng. Ví dụ, tập đoàn Signet Jewelers, sở hữu các thương hiệu trang sức Zales, Jared và Kay Jewelers tại Mỹ, sẽ đóng cửa vĩnh viễn 400 cửa hàng toàn quốc. Việc người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng không phải là dấu hiệu tốt cho De Beers và Alrosa.

Ngoài ra, tuy hai ông lớn ngành kim cương, De Beers và Alrosa, giữ vững giá bán, thì hàng loạt các công ty khai thác kim cương nhỏ hơn đã giảm giá để tăng cường nguồn tiền mặt. Tại các trung tâm mua bán kim cương ở Antwerp, Bỉ, một số thậm chí giảm giá đến 25%.

Kim cương nhân tạo của Lightbox

Chưa kể, công nghệ sản xuất kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm cũng cho ra những viên đá quý trong suốt và có độ carat to không kém gì kim cương mỏ. Công nghệ kim cương tổng hợp chắc chắn sẽ chỉ trở nên ngày càng tinh vi, khiến giá thành kim cương toàn cầu giảm hẳn.

>>> Xem thêm: VÌ SAO KIM CƯƠNG TỔNG HỢP LÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TRANG SỨC

Theo Bloomberg Quint
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm