Vẻ đẹp hoa mỹ của phong cách nội thất Art Nouveau

Mềm mại và phóng khoáng, pha lẫn giữa cổ điển và một chút hiện đại, phong cách Art Nouveau đã thổi làn gió mới vào lĩnh vực thiết kế, thoát khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc trước đó

Một áp phích quảng cáo của danh họa Alphonse Mucha năm 1987 mang phong cách Art Nouveau

Art Nouveau (Nghệ thuật mới) còn có tên gọi khác là Jugendstil – Nghệ thuật trẻ trong tiếng Đức. Ở Anh, nó được biết đến với cái tên Modern Style. Phong cách nghệ thuật này ra đời từ cuối thế kỷ 19. Đến năm 1920, nó dần được thay thế bởi phong cách Art Deco. Song, Art Nouveau vẫn có ảnh hưởng sâu sắc trong việc định hình lại các phong cách kiến trúc trên toàn thế giới. Nó được xem là cầu nối giữa phong cách tân cổ điển và hiện đại.

Đặc trưng của Art Nouveau

Phong cách Art Nouveau kết hợp hình thức hình học và hữu cơ. Nhắc đến phong cách này, người ta nghĩ ngay đến những đường cong mềm mại, phóng khoáng như vòng cung, parabol hay hình bán nguyệt.

Trần nhà cao với những họa tiết cầu kỳ, cầu thang xoắn với những thanh thép uốn lượn giúp cho không gian thêm lung linh huyền ảo

Trong đó, các họa tiết hình khối lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Họa tiết hoa lá, cỏ cây cách điệu từ động vật và tiên nữ được khai thác triệt để. Phong cách Art Nouveau mang đến vẻ đẹp sang trọng, nữ tính cho ngôi nhà. Khác với Art Deco, Art Nouveau thiên về tính thẩm mỹ, trang trí hơn là ứng dụng.

Những đường cong mềm mại, lấy cảm hứng từ tự nhiên như hoa lá, côn trùng và tiên nữ

Đồ nội thất và trang trí

Nội thất trong không gian theo phong cách Art Nouveau mang thiên hướng mềm mại và nữ tính. Đồ trang trí thường được làm từ các chất liệu đắt tiền. Những món đồ này có đường nét phức tạp, hoa văn tỉ mỉ và mang đậm cảm hứng tự nhiên. Điển hình là những bức tượng được khắc từ đá cẩm thạch sáng bóng, đèn Tiffany đầy màu sắc với họa tiết hoa lá.

Bên cạnh đó là trần nhà cao với kết cấu phức tạp, hay những thanh thép uốn lượn được trang trí trên cầu thang và những khung cửa sổ…

Đèn Tiffany là một trong những món trang trí mang tính biểu trưng của phong cách Art Nouveau

Tủ kiểu dáng Art Nouveau của nhà điêu khắc Alexandre Charpentier

Sắc màu chủ đạo

Vàng và bạc được xem là gam màu chủ đạo trong phong cách Art Nouveau. Tường và trần nhà thường hướng đến những gam màu trung tính như trắng, xám, nâu, beige hoặc những tông màu pastel nhẹ nhàng. Để không gian thêm sinh động, những mảng tường thường được trang trí bằng giấy dán tường với họa tiết hoa lá và cây cỏ. Với sàn nhà, tùy theo mục đích sử dụng và sở thích của gia chủ, mà có thể là sàn gỗ tối màu hoặc gạch mosaic với màu sắc phong phú, mang tính nghệ thuật cao.

Sàn gạch lát đá mosaic theo phong cách Art Deco

Chất liệu của đồ nội thất và trang trí là yếu tố đặc biệt cần được quan tâm. Theo đó, chất liệu của đồ trang trí rất đa dạng. Nhưng chúng phải có tính chất ánh kim hoặc phát sáng. Chẳng hạn như kính màu, thủy tinh màu, tranh khảm, men, đồng, bạc, đá cẩm thạch, gốm sứ, các loại gỗ quý hoặc mạ vàng ánh kim. Kim loại được rèn theo kiểu hiện đại cũng thường được tìm thấy trong phong cách Art Nouveau.

Cầu thang uốn lượn theo phong cách Art Nouveau. Ảnh: Impressive Interior Design

Ngoài ra, ánh sáng từ đèn, đặc biệt là đèn Tiffany và những ô cửa kính nhiều màu góp phần không nhỏ trong việc xây dựng sắc màu chủ đạo cho phong cách này. Ánh sáng tím, hồng hoặc xanh nhạt sẽ tạo ra những chuyển động mềm mại, thổi hồn vào không gian sống theo phong cách Art Nouveau.

Cổng vào ngôi nhà Vũ Cẩm Nhung có hình mái vòm, với hoa văn Art Nouveau trên trần

Bí quyết trang trí nội thất theo phong cách Art Nouveau

TIP 1: TẬN DỤNG NHỮNG MÓN ĐỒ NHO NHỎ

Bên cạnh những món trang trí cầu kỳ, đắt tiền, những món đồ nho nhỏ như chén, dĩa, ly, tách, khăn trải bàn theo phong cách Vintage cũng góp phần xây dựng phong cách Art Nouveau cho ngôi nhà.

TIP 2: TRANH TREO TƯỜNG

Treo tranh theo trường phái Art Nouveau cũng là cách để định hình phong cách cho ngôi nhà. Họa sỹ Alphonse Mucha là một trong những cái tên nổi bật nhất.

TIP 3: TRUNG HÒA BẰNG PHONG CÁCH TỐI GIẢN

Kết hợp phong cách Art Nouveau với phong cách tối giản sẽ giúp trung hòa tính cổ điển và hiện đại. Không gian sống từ đó cũng mang tính ứng dụng hơn.

Bài: Kỳ Duyên
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm