Ấn tượng tối giản trong ngôi nhà của nữ doanh nhân Phạm Kiều Phúc

Chị Phạm Kiều Phúc, người sáng lập thương hiệu đồ nội thất Module 7 chia sẻ về căn nhà có thiết kế độc đáo của mình

Ngôi nhà của chị Phạm Kiều Phúc không quá nổi bật trên đường Xuân Diệu, thậm chí còn khiêm tốn lui sâu vào trong. Khoảng cách từ cửa đến mặt đường vừa đủ tạo thành một khoảng sân nhỏ với cây dâu da phủ bóng mát. Tôi đến gặp chị vào một buổi sáng đầu đông, nắng nhuộm vàng trên những lát gạch ở lối vào. Trong lúc chờ chị xuống, tôi đi dạo một vòng qua các tầng lầu. Ấn tượng đầu tiên là không gian rộng 700m² này được phân chia rất hợp lý. Tầng 1 là showroom trưng bày đồ nội thất Module 7 (thương hiệu do chị Phúc sáng lập năm 2002). Phía trên showroom là phòng triển lãm, phòng làm việc của chủ nhân. Phòng triển lãm được thiết kế thoáng rộng, nhiều ánh sáng. Đây là không gian dùng để tổ chức các sự kiện về kiến trúc và triển lãm hội họa, nghệ thuật sắp đặt. Tầng 3 là một studio. Chị Phúc đón tôi ở tầng thượng, nơi vừa là phòng ngủ, quầy bar và không gian thư giãn sáng tạo của chị với khu vườn ở hai ban công hướng ra hồ Tây lộng gió.

Xuất thân trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội, chị Phúc tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Pháp và trở thành nhân viên của hãng hàng không Air France, một vị trí mơ ước của nhiều người những năm 1990. Được tiếp xúc với văn hóa châu Âu trong các chuyến công tác, chị Phúc nhận ra đam mê của mình không dừng ở công việc hiện tại.

Phòng khách trang nhã. Chị mặc đầm của Kilomet 109, bốt do chị tự thiết kế

Phòng khách trang nhã. Chị mặc đầm của Kilomet 109, bốt do chị tự thiết kế

Say mê sáng tạo và yêu thích đồ nội thất, chị đã sáng lập ra hãng Module 7 chuyên thiết kế sản xuất đồ trang trí nội thất từ nguyên liệu Việt Nam. Không được đào tạo chuyên ngành nhưng chị có khả năng cảm nhận vẻ đẹp tinh tế và có gu thẩm mỹ riêng biệt. Điều này đã giúp chị thành công trong thị trường đồ nội thất Việt Nam. Chị được biết đến với danh hiệu “người thiết kế nhà cho các đại sứ”.

Bazaar_FashionableLife_Phuc_01_15-5

Phòng khách trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật

Không gian sống không giới hạn

Trước mặt tôi, Phạm Kiều Phúc không có nhan sắc rực rỡ nhưng rất duyên dáng. Chị mặc đầm dài kiểu milimalism màu xanh nổi bật khi đứng cạnh quầy bar hình bán nguyệt ở ngay cửa ra vào. Tầng lầu này ngay lập tức chiếm được cảm tình của tôi vì thiết kế khác biệt và vô cùng cá tính. Mái nhà hình tròn bằng gỗ và tre được tách rời khỏi các bức tường, kết nối nhau bằng những thanh gỗ chắc chắn. Mái nhà thu về điểm giữa để thu nước, tạo thành một dòng thác róc rách chảy từ tầng trên cùng xuống các tầng dưới. Những bức tường xen lẫn kính tạo ra không gian thoáng rộng, nhiều ánh sáng. Đây quả là một nơi kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo. Ban ngày, chủ nhân có thể ngồi làm việc trên chiếc bàn gỗ dài ở giữa phòng, đọc sách trên sofa cạnh cửa sổ nhìn ra ban công phía Tây, nấu ăn cạnh khu vườn ở ban công phía Đông. Buổi tối, chị có thể tự tổ chức bữa tiệc cocktail hoặc uống rượu vang bên quầy bar với ánh đèn mờ ảo và ngắm sao trời. Sống trong căn nhà đặc biệt này, chủ nhân luôn có cảm giác như được thiên nhiên bao bọc.

Trần nhà có thiết kế đặc biệt

Trần nhà có thiết kế đặc biệt

Phòng khách

Phòng khách

Phòng tắm cũng được đặt lộ thiên ở ngoài ban công phía Tây. Bồn tắm bằng gỗ được vây quanh bởi những bức rèm bằng vải màu trắng khẽ đung đưa trong gió. Hai ban công là hai khu vườn xanh mát với các cây cảnh, hoa rực rỡ. Đó là không gian thư giãn cuối tuần của chị Phúc cùng bạn bè. Chị thích ngồi ăn sáng, uống trà hoặc tổ chức tiệc BBQ với con gái, bạn bè vào cuối tuần.

Phòng tắm lộ thiên

Phòng tắm lộ thiên

Phòng ngủ được ngăn với không gian làm việc, hưởng thụ bằng một tấm rèm màu kem nhạt. Phía trong là tủ quần áo cách điệu từ tre, những hộc tủ gắn với tường bằng giá đỡ gỗ đựng các món phụ kiện, đồ lưu niệm của chị Phúc sưu tập trong nhiều năm đi du lịch trong và ngoài nước.
Góc đọc sách và vẽ tranh của chị Phúc nằm gần cửa hướng ra ban công phía Đông. Ở đó có một giá sách đựng đầy tạp chí, sách chuyên về kiến trúc, hội họa. Cạnh đó là các bức vẽ dang dở của nữ chủ nhân. Chị Phúc rất thích hội họa và dành nhiều ưu ái cho các họa sỹ Việt Nam. Chị treo nhiều tranh ở khắp các tầng, trong đó có cả những bức chị tự sáng tác. Tất cả làm nên một không gian mở được xếp đặt hài hòa, không phân chia khu vực. Thiết kế này khiến mọi thứ trong phòng được trưng bày một cách tinh tế và dễ chịu, như một cách khéo léo thể hiện tính cách và sở thích của chủ nhân.

Chị Phúc thư giãn trong góc đọc sách, vẽ tranh trên tầng thượng

Chị Phúc thư giãn trong góc đọc sách, vẽ tranh trên tầng thượng

Khi nghe tôi nói thế, chị Phúc cười bảo: “Đúng là nơi này phản ánh con người tôi 100%, phóng khoáng, duy mỹ và không thực tiễn. Điều tôi thích nhất trong căn nhà này là nó hướng đến một lựa chọn đồ đạc có ý thức. Ở đây, chỉ những thứ thực sự cần thiết mới có mặt và mọi thứ đều hướng tới thiên nhiên”.

Bazaar_FashionableLife_Phuc_01_15-12

Tinh thần Á Đông và sự tối giản

Căn nhà do một cộng sự người Pháp của chị Phúc, anh Gerald Verollet thiết kế với cảm hứng kết hợp giữa tinh thần Á Đông và xu hướng tối giản. Cảm hứng này được thể hiện nhất quán, mang đến sự ấm cúng và cảm giác bình yên nhưng vẫn thoải mái với các tiện nghi hiện đại.
Phần lớn đồ đạc trong nhà là do chị Phúc tự thiết kế với cảm hứng Á Đông và triết lý Thiền, thể hiện rõ sự hòa trộn giữa nét tinh tế truyền thống của châu Á với sự tối giản giàu tính ứng dụng của châu Âu. Bên cạnh đồ đạc tự thiết kế, chị cũng trưng bày nhiều món đồ chị mua trong các chuyến đi. “Chúng không phải là đồ đắt tiền, đơn giản là chúng chạm đến sự rung động trong tôi”, nữ doanh nhân 44 tuổi chia sẻ. Các vật dụng này được bày ở nhiều góc trong nhà một cách khéo léo. Trong đó có dụng cụ lao động hay đồ vật dùng trong sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.

Phòng làm việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc của chủ nhân

Phòng làm việc trưng bày các tác phẩm điêu khắc của chủ nhân

Tác phẩm thiết kế của chị Phúc trưng bày trong nhà

Tác phẩm thiết kế của chị Phúc trưng bày trong nhà

Phong cách sống của chị Phúc bị ảnh hưởng bởi văn hoá Pháp. Bản thân chị cũng thừa nhận: “Tôi cũng thường tự hỏi mình có bao nhiêu phần trăm là thuần Việt và bao nhiêu phần trăm còn lại là “pha” do va chạm với những văn hoá khác”. Dù bận rộn, chị vẫn sắp xếp thời gian để hưởng thụ cuộc sống, ưu tiên cho việc cân bằng giữa công việc và đời sống riêng. Chị sành rượu vang, yêu thời trang và thích thưởng lãm cái đẹp ở mọi nơi. “Tôi quan niệm thời trang không phải là bộ quần áo hay phụ kiện mà bao gồm những thứ rộng và sâu hơn như lối sống, văn hóa và cá tính của người mặc. Phong cách thời trang mà tôi hướng đến là sự thanh lịch và phóng khoáng. Kiểu dáng đơn giản nhưng chất liệu quý và các chi tiết phải hợp lý và hoàn hảo”, chị Phúc chia sẻ thêm. Chị đã tự mình thiết kế ra một số mẫu váy, giày bốt lấy cảm hứng từ hoa văn thổ cẩm và hình khối 3D.

Thời trang không chỉ là quần áo hay phụ kiện mà còn bao gồm lối sống, văn hóa và cá tính của người mặc

Thời trang không chỉ là quần áo hay phụ kiện mà còn bao gồm lối sống, văn hóa và cá tính của người mặc

Phạm Kiều Phúc là điển hình của hình ảnh người nghệ sỹ có thể dung hòa bản năng sáng tạo và sự tỉnh táo của người kinh doanh. Trước khi tạm biệt, chị nói: “Thời gian tới chị sẽ ưu tiên cho con người nghệ sỹ hơn vì nó mang lại nhiều niềm vui và sự thoả mãn hơn”. Tôi ra về và chờ đợi các tác phẩm mới của chị với niềm tin chúng sẽ có nhiều đột phá ấn tượng.

Bazaar_FashionableLife_Phuc_01_15-19

Bộ sưu tập phụ kiện của nữ chủ nhân

Bazaar_FashionableLife_Phuc_01_15-16

Bài: Dạ Thương. Ảnh: Mạnh Bi. Make-Up&Hair: Kevin, Stylist: Lina Gonyz

Xem thêm