Hai tuần trước lễ cưới vào năm 2009, bác sỹ nói với ngôi sao truyền hình chương trình “Love in the City” Bershan Shaw rằng: “Cô chỉ còn ba tháng để sống”. Bệnh ung thư vú của cô tái phát và đã ở giai đoạn 4. Đây là giai đoạn mà tỉ lệ sống sót rất hiếm hoi. Bershan Shaw được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn 1 vào năm 2007, cô mới 33 tuổi. Lúc ấy, cô không muốn nói với ai vì không muốn bị xem là cô gái ốm yếu. Lần này, cô đã khám phá ra yếu tố “chiến binh” trong chính con người mình. Bershan chiến đấu bằng ý chí sống mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cô ăn uống lành mạnh, tập thể dục, thiền định và châm cứu.
Và rồi, cô đã bước qua cái ngưỡng “sống còn 5 năm” mà người ta thường chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư vú. Bershan có thế sống thêm 10 năm hoặc còn nhiều hơn thế nữa. Vượt qua ngưỡng 5 năm, Bershan Shaw có thể đã được xem là minh chứng cho việc chiến thắng bệnh ung thư vú ở phụ nữ.
Ung thư vú là căn bệnh lý ác tính do sự tăng sinh bất thường và không kiểm soát được của các tế bào bị đột biến gen trong tuyến vú. Nhìn vào độ tuổi mắc bệnh của Bershan Shaw và nhìn xung quanh mình; bạn hẳn sẽ giật mình: “Ung thư vú đang gia tăng và trẻ hóa”. Sự thật là thế nào?
Ung thư vú đang gia tăng và trẻ hóa?
Thạc sỹ, bác sỹ Võ Kim Điền – trưởng khoa Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV cho biết: “Theo thống kê của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC), Pháp, tỷ lệ mắc ung thư gia tăng trong những năm gần đây. Ung thư vú cũng có sự gia tăng. Cụ thể, trước năm 2008 có 1.380.000 ca ung thư vú mới. Đến năm 2012, số ca mắc mới là 1.670.000. Trong đó, số ca ung thư vú tăng rõ rệt ở các nước kém phát triển. Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng dân số và tuổi thọ.
Tiến bộ trong điều trị ung thư vú
Ung thư vú ngày nay không chừa một ai. Thật may khi việc điều trị đã có nhiều tiến bộ, giúp tăng khả năng sống và giảm tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật; xạ trị và hóa trị. Hiện tại, hai phương pháp chính để điều trị ung thư vú vẫn là điều trị tại chỗ (gồm phẫu thuật, xạ trị) và điều trị toàn thân (hóa trị, thuốc nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích).
Ngày nay, với khối u dưới 3cm, bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật bảo tồn. Bác sỹ cắt bỏ bướu vú nếu được phát hiện sớm chứ không cần phải cắt bỏ toàn bộ vú (đoạn nhũ) như trước đây. Điều này đã giảm đáng kể chấn động tâm lý khi bị mất ngực bởi với phụ nữ mất ngực chẳng khác gì bị biến thành… đàn ông.
Mục đích xạ trị là giảm hoặc triệt tiêu nguy cơ tái phát ung thư vú. Giải pháp này được tiến hành sau phẫu thuật. Xạ trị cũng gây vài tác dụng phụ như nám và cháy da. Xạ trị ngày nay đã tiến bộ đến mức có thể kiểm soát hoàn toàn các tác dụng phụ đó. Với hóa trị, nỗi kinh hoàng nhất của phái đẹp khi truyền hóa chất chính là rụng tóc. Hiện nay, công nghệ làm lạnh da đầu Paxman có thể giúp bảo toàn mái tóc cho người bệnh. Đội chiếc mũ lạnh Paxman giúp mạch máu co lại và làm giảm lưu lượng máu có chứa hóa chất trong da đầu đến 20–40% mức bình thường. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại cho tóc.
Vài năm gần đây, bạn nghe nhiều đến liệu pháp nhắm trúng đích. Theo bác sỹ Điền, đây chính là cuộc cách mạng trong điều trị ung thư vú. Thuốc chỉ tác động chủ yếu trên tế bào bướu ác và ít ảnh hưởng trên tế bào lành. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp giảm độc tính toàn thân, giảm tác dụng phụ và giảm tỉ lệ tái phát. Hơn thế nữa, liệu pháp nhắm trúng đích còn tăng tỉ lệ sống còn cho người bệnh.
Tuy nhiên, dù việc điều trị tiến bộ đến đâu thì chìa khóa để chiến thắng ung thư vú vẫn là tầm soát, phát hiện và điều trị sớm. Việc phát hiện sớm ung thư vú lại nằm trong tầm tay của bạn. Nếu bạn còn kinh nguyệt, hãy tự khám vú của mình sau khi sạch kinh hàng tháng. Lúc đó, tuyến vú mềm mại nhất, bạn sẽ dễ nhận biết bất thường. Nếu đã mãn kinh, bạn có thể tự khám bất cứ lúc nào.
Khi thấy vú có dấu hiệu bất thường như tuyến vú cộm lên một cục u, không đau, núm vú chảy dịch, có hạch vùng nách, da vú màu cam, đỏ… hãy đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời. Hoặc khi không có triệu chứng, nếu trên 35 tuổi, bạn nên tạo thói quen đến bệnh viện để được tầm soát ung thư vú.
Bạn có mang đột biến gen gây ung thư vú?
Ngoài khảo sát gien để xác định đột biến gen BRCA1, BRCA2. Những gười có khả năng mang đột biến gien là:
• Người bị ung thư vú dưới 20 tuổi.
• Mắc hai ung thư vú cùng lúc.
• Mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng.
• Người ở trong gia đình có nhiều phụ nữ mắc ung thư vú.
• Người có một thành viên trong gia đình mắc hai hoặc nhiều hơn hai ung thư khác nhau có liên quan đến đột biến gien BRCA1, BRCA2.
Biết sớm, chữa lành
Điều trị ung thư vú có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có giai đoạn phát hiện bệnh. Càng phát hiện sớm tỉ lệ sống càng cao.
Tỷ lệ sống còn 5 năm của ung thư vú qua 4 giai đoạn.
• 1. Giai đoạn 1: 90–95%
• 2. Giai đoạn 2: 85–90%
• 3. Giai đoạn 3: 50–60%
• 4. Giai đoạn 4: Dưới 20%
BÀI: MINH LÂM. ẢNH: TƯ LIỆU.
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam