TRIẾT LÝ ANTI-OBJECT CỦA KIẾN TRÚC SƯ KENGO KUMA

Công trình mang triết lý Anti-object của Kengo Kuma hòa quyện vào vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên và tôn trọng tự nhiên nhất có thể.

Sân vận động Olympic Tokyo đang trong giai đoạn hoàn thành phục vụ cho Thế vận hội Mùa hè 2020. Đây là một thiết kế của kiến trúc sư đương đại Nhật Bản, tiến sỹ Kengo Kuma. Ông còn nổi tiếng với những công trình như Tổ hợp văn phòng Hikari thành phố Lyon nước Pháp, Bảo tàng thiết kế V&A Dundee, Scotland… Hiện tại, ông còn là giáo sư giảng dạy khoa Kiến trúc tại Đại học Tokyo.

Thiết kế của Kengo Kuma theo triết lý Anti-object, hay còn gọi là phản vật thể. Đầu tiên, để hiểu về triết lý này, chúng ta phải hiểu thế nào là Object. Kiến trúc của thế kỷ 20 chuộng cách tạo ra những hình khối đặc biệt, những tòa nhà vuông vức, những khu vườn được cắt tỉa thành đường nét hoa văn, hình dạng đặc biệt. Đó chính là cách tạo ra vật thể, hay còn gọi là Object trong không gian. Ngược lại, công trình mang chủ nghĩa Anti-object của Kengo Kuma sẽ không mang một hình dạng đặc biệt nào cả. Đồng thời, kiến trúc sẽ hòa quyện vào vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên và tôn trọng tự nhiên nhất có thể.

Kiến trúc sư – Nghệ sỹ đương đại Kengo Kuma

Hòa hợp với thiên nhiên

Cuộc suy thoái kinh tế 1992 khiến Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề. Sự kiện đó đã thay đổi tư duy của Kengo Kuma đối với kiến trúc. Suốt 10 năm, ông không tìm được việc làm ở Tokyo mà thiết kế những căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để ông học cách sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên. Ví dụ như gỗ, đá, giấy từ những làng nghề thủ công. Đồng thời ông khai phá được những khía cạnh tuyệt vời trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản trong hình dáng và chất liệu.

Tại Scotland, ông đã thiết kế bảo tàng V&A thành phố Dundee dựa trên sự kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc. Những nếp gấp trên vách đá của vùng biển Đông Bắc nước này truyền cảm hứng cho ông. Khoảng 2.500 tấm bê tông chồng ngang lên nhau tạo thành hai khối nhà. Tổng thể “vô định dạng” này được bao quanh bởi nước tạo nên sự phản chiếu với đất trời, thiên nhiên.

“Tôi cảm thấy như trái đất và đại dương có thể trò chuyện cùng nhau”, Kengo Kuma chia sẻ.

Những nếp gấp trên vách đá của vùng biển Đông Bắc Scotland đã truyền cảm hứng cho ông tạo nên V&A Dundee

“Với V&A Dundee, tôi cảm thấy như trái đất và đại dương có thể trò chuyện cùng nhau”

Tại một khu vực gần Vạn Lý Trường Thành của Bắc Kinh, Trung Quốc, ông đã thiết kế tổ hợp khách sạn, nhà ở bền vững Great Bamboo Wall. Đúng như cái tên của nó, vật liệu sử dụng chủ yếu là tre. Ngoài ra, khu vực này vốn là vùng đồi núi cao, không bằng phẳng. Tuy nhiên ông đã không san lấp, cải tạo nền bằng phẳng trước khi xây dựng. Ông tựa vào địa hình tự nhiên của dốc núi mà xây dựng công trình này. Những cột móng được đo đạc với chiều cao khác nhau để phù hợp với địa hình mấp mô nhưng vẫn tạo được sự kiên cố, bằng phẳng ở nền nhà.

Great Bamboo Wall: công trình thuộc vùng núi cao, địa hình không bằng phẳng. Tuy nhiên, ông không san lấp mà tựa vào địa hình tự nhiên để xây dựng

Trẻ hóa những giá trị truyền thống

Ông từng nhận dự án cải tạo khu thành cổ Qianmen, Bắc Kinh, Trung Quốc. Nơi đây là tổ hợp các ngôi nhà cổ thời Mãn Thanh và đã xuống cấp trầm trọng. Thay vì tháo dỡ những di sản mang tính lịch sử này, ông đã tìm cách trẻ hóa những giá trị truyền thống. Ông tìm những thợ mộc địa phương để phục hồi kết cấu căn nhà. Đối với những bức tường hư hỏng nặng, ông thay bằng kính và phủ bên ngoài bằng tấm chắn nhôm. Những mảng nhôm hình dạng giống như gạch bông gió, xếp vào nhau như trò chơi xếp hình puzzle. Nơi đây hiện tại là tổ hợp văn phòng, nhà hàng, khách sạn khá sôi động.

Thành cổ Qianmen, Bắc Kinh, Trung quốc

Những khối nhôm đan vào nhau như trò chơi xếp hình puzzle.

Ngay cả công trình Waterina Suites của ông tại Việt Nam cũng lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang Tây Bắc. Đây là công trình phá vỡ mọi lối mòn trong thiết kế trên thị trường Việt với những khối bê-tông vuông vức. Những đường sóng lượn mềm mại, chồng xếp lên nhau tạo phong thủy hài hòa, đón nắng, gió, mang thiên nhiên hòa nhập vào mỗi gia đình.

Chung cư Waterina Suites, thành phố Hồ Chí Minh

Những đường cong mềm mại trong thiết kế Waterina Suites lấy cảm hừng từ ruộng bậc thang Tây Bắc, Việt Nam

Ông chia sẻ với Harper’s Bazaar trong chuyến khảo sát công trình Waterina Suites vừa qua. “Ruộng bậc thang là một trong những công trình đặc biệt của con người. Đất nước các bạn có những ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, khi ánh sáng trải dài tạo nên cảnh quang vô cùng tuyệt vời”.

>>> Xem thêm: Kengo Kuma: ngôi nhà không chỉ là nơi ở mà còn là tác phẩm nghệ thuật

Nhịp điệu của ánh sáng

Đa số những công trình của ông đều yêu chuộng ánh sáng tự nhiên. Triết lý Anti-object thiên về vận dụng vật liệu tạo nên những hiệu ứng cảm quang tuyệt vời.

Trong bối cảnh đô thị sầm uất trên đại lộ Avenue de France nước Pháp, ông đã tạo nên một khách sạn theo phong cách eco-friendly để tạo ra lá phổi xanh cho khu vực. Đó chính là công trình khách sạn 1Hotel Paris. Từng tấm gỗ được sắp xếp đan xen cho ánh sáng xuyên suốt không gian. Tông màu trầm ấm của gỗ kết hợp với ánh sáng kim loại phản chiếu ánh sáng mặt trời. Từ đó, 1 Hotel Paris trở nên cực kỳ sống động.

Khách sạn 1Hotel Paris, Pháp: Từng khối gỗ chồng xếp lên nhau những vẫn tạo nên những khoảng trống xen kẽ cho ánh sáng xuyên vào không gian.

Triết lý dụng gỗ

Gỗ là vật liệu yêu thích của Kengo Kuma. Với ông, khai thác gỗ một cách đúng đắn mới là bảo vệ môi trường. Ông ví dụ về khu rừng Satoyama Nhật Bản bị bỏ hoang trong thế kỷ 20. Sự già cỗi tạo nên môi trường rất tệ cho khu rừng. Cây không quang hợp tốt, không nhả ô-xy, thải ra nhiều khí CO2. Đồng thời, cây mất dần khả năng giữ nước, giữ đất. Từ đó gây xói mòn, lũ lụt.

Do đó, con người phải chủ động tạo ra một vòng tuần hoàn cho khu rừng. Bằng cách trồng thêm cây mới vào vị trí những cây bị đốn hạ. Khu rừng được chăm sóc tốt sẽ cải thiện đáng kể tình trạng môi trường. Thậm chí góp phần chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Anti-object cũng phù hợp với sự xem trọng “kiến trúc xanh” của người dân xứ sở mặt trời mọc. Nhờ đó, ông đã lấy lại dự án sân vận động Olympic Tokyo từ tay nhà thiết kế ban đầu Zaha Hadid.

Sân vận động Thế vận hội Tokyo 2020

Thiết kế của ông có kinh phí thấp hơn do sử dụng vật liệu từ gỗ, kính. Trong khi đó, Hadid vẫn ưa chuộng sử dụng bê-tông và thép. Đặc biệt, ông sử dụng gỗ thông và gỗ tuyết tùng từ những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Ngoài ra, sân vận động được thiết kế với mái che một nửa để đón nắng. Đồng thời, ông trồng thêm rất nhiều cây xanh xung quanh. Đây là không gian lý tưởng cho các hoạt động thể thao của Thế vận hội Mùa hè. Các cột trụ bên ngoài được lấy cảm hứng từ ngôi chùa Horyu-ji 1.300 tuổi ở Ikaruga, tỉnh Naga, Nhật Bản. Đây một trong những công trình gỗ lâu đời nhất thế giới.

Theo ông Kengo Kuma, Anti-object chỉ đơn giản là giảm nhẹ vai trò của kiến trúc. Nó chỉ là công cụ, nền tảng để kết nối con người với tự nhiên. Một dạng kiến trúc tồn tại như không tồn tại.

Harper’s Bazaar Vietnam 

Xem thêm