Chiếm trọn sảnh lớn của The Factory là những tác phẩm trên vải lụa và canvas của hai nghệ sỹ trẻ, Nguyễn Văn Đủ và Trần Nguyễn Trung Tín mang tên Khi Chất thể chống lại Mơ mộng. Hai nghệ sỹ đã tận dụng cách phối hợp chất liệu độc đáo để mở ra một hướng diễn giải mới cho những kỹ thuật cũ kỹ, vốn định hình khái niệm “tranh vẽ” tại Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Văn Đủ
Tranh canvas của Nguyễn Văn Đủ được trưng bày tại The Factory sẽ đưa người xem đến với những câu chuyện thật tại các lò mổ ở ngoại ô TP. HCM. Tất cả 6 bức tranh đều mô tả các cảnh diễn ra trong lò mổ, ngập tràn sắc đỏ. Các bức tranh như xoá nhòa ranh giới giữa sự mô tả và cái được mô tả, đưa ngươi xem vào một không gian vừa có tính gây nhờn gớm, bởi chất liệu vẽ của họa sỹ.
Loạt tranh của Đủ là một sự đối thoại ngầm ẩn nhiều chiều với chính lịch sử nghệ thuật thế giới. Nguyễn Văn Đủ đã mở ra một khả năng mới mẻ và thú vị của tranh vẽ: sự trộn lẫn thực tại vào hư cấu, đối tượng vẽ vào chính hình ảnh được vẽ của đối tượng ấy, thực hành tôn giáo vào không gian mỹ học.
Họa sỹ Trần Nguyễn Trung Tín
Tranh lụa của Trần Nguyễn Trung Tín được trưng bày cùng với âm thanh đặc biệt tại không gian đậm tính đương đại của The Factory, với bối cảnh hư cấu mà ở đó, mỗi bức tranh trở thành nhân vật chính trong câu chuyện tưởng tượng của tác giả. Trong các tác phẩm của Trần Nguyễn Trung Tín ta tìm thấy vô số truyền thống được trộn lẫn với nhau, từ animation, minh họa Nhật Bản đến tranh của Herman Broch.
Hội họa của Tín không bắt nguồn từ truyền thống và cũng không đơn giản sinh ra từ thế giới hiện tại. Nhìn ở góc độ nào đó, nó dựng nên một dạng truyền thống, một dạng Á Đông rất Việt Nam mà ở đó tương lai và quá khứ trộn lẫn. 9 bức tranh của họa sỹ chính là chân dung của 9 nhân vật do anh hư cấu ra. Mỗi nhân vật đều được minh họa bằng âm thanh bởi một bản nhạc nhỏ, do nhạc sỹ Tôn Thất An sáng tác riêng cho Tín.
Triển lãm của hai họa sỹ hiện đang mở cửa đến hết ngày 9–4–2017 tại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Q. 2, TP. HCM.
Harper’s Bazaar Việt Nam