Trang Hàn Nhạn, tiếng nói nữ quyền trong Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ)

Bằng lối kể chuyện cuốn hút và thông điệp nữ quyền mạnh mẽ, Khi Chim Nhạn Trở Về ngày càng đón nhận sự yêu thích của khán giả.

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Tập 21 của bộ phim Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng khán giả, đặc biệt là phái nữ, phim nhận được vô số lời khen ngợi và được ca tụng là đỉnh cao, xứng đáng với danh hiệu “phong thần”. Tập phim không chỉ chinh phục người xem bằng sự đột phá trong cốt truyện mà còn bởi cách xây dựng nhân vật đầy chiều sâu và tư tưởng xã hội mạnh mẽ mà nó truyền tải.

Trang Hàn Nhạn: Người phụ nữ dám thách thức định kiến

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất của tập phim Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) gần đây chính là cách khai thác chủ đề nữ quyền thông qua nhân vật nữ chính Trang Hàn Nhạn (do diễn viên Trần Đô Linh thủ vai). Trang Hàn Nhạn luôn rất giỏi trong việc thoát khỏi những tư duy truyền thống và suy nghĩ theo hướng ngược dòng. Cô không ngần ngại đặt ra những câu hỏi đầy thách thức, phản ánh sâu sắc bất công của xã hội phong kiến.

Bắt đầu với câu hỏi:“Vì sao đàn ông có thể tái hôn, nhưng phụ nữ lại bị xem là không đoan chính?”

Trong xã hội phong kiến, đàn ông có thể cưới vợ mới sau khi vợ mất hoặc bị bỏ mà không hề bị ai chỉ trích. Trong khi đó, phụ nữ nếu tái giá sẽ bị xem là thiếu đoan chính, không giữ trọn đạo nghĩa. Câu nói này phản ánh sự bất công khi phụ nữ bị áp đặt những chuẩn mực đạo đức khắt khe hơn so với đàn ông.

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục đặt vấn đề với câu hỏi: “Vì sao nam nhân có thể có nhiều thê thiếp, còn nữ nhân lại chỉ được có một phu quân?”

Chế độ đa thê trong xã hội trước cho phép đàn ông có nhiều vợ, nhưng phụ nữ chỉ được phép có một chồng và phải giữ trọn tiết hạnh suốt đời. Câu hỏi này của nữ chính thách thức tư tưởng gia trưởng khi mà quyền lợi chỉ nghiêng về nam giới, còn phụ nữ thì bị ràng buộc bởi những quy tắc bất bình đẳng. Tại sao chỉ đàn ông có quyền đó, phụ nữ thì không? Nếu bắt phụ nữ phải chung thuỷ một chồng, thì sao đàn ông không vậy?

Và câu hỏi đầy tính phản biện: “Vì sao khi nam nhân phong lưu thì được ngợi ca, còn nữ nhân tìm kiếm hạnh phúc lại bị chỉ trích?”

Khi đàn ông có nhiều tình nhân hoặc thường xuyên dạo chơi tại các tửu lầu, xã hội thường bao dung và thậm chí ca tụng họ là phong lưu, hào hoa. Nhưng nếu phụ nữ dám yêu hoặc theo đuổi hạnh phúc của mình, họ lại bị xem là lẳng lơ, không đoan chính. Câu nói này vạch trần sự thiên vị trong cách nhìn nhận của xã hội đối với hai giới.

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Cao trào của sự phản kháng được đẩy lên với câu khẳng định: “Nếu đây là ‘đạo làm vợ’ mà các người nói đến, vậy thì ta thà không theo!”

Xã hội phong kiến áp đặt những tiêu chuẩn khắt khe lên phụ nữ, yêu cầu họ phải tuân theo lễ giáo, nhẫn nhịn và phục tùng chồng. Trang Hàn Nhạn thẳng thắn tuyên bố rằng nếu làm vợ đồng nghĩa với việc bị tước đoạt quyền tự do và phải sống cam chịu, thì cô thà không theo những chuẩn mực đó. Câu nói thể hiện sự dũng cảm và tư tưởng hiện đại của nhân vật. Hôn nhân là ở hai người, cô không chấp nhận việc chỉ một người vun vén và hy sinh.

Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) là một bộ phim cổ trang mang tư tưởng tiến bộ

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Những câu thoại sắc bén và đầy dũng khí của nữ chính Trang Hàn Nhạn trong Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) không chỉ khắc họa chân thực hiện thực khắc nghiệt mà phụ nữ phải đối mặt trong xã hội phong kiến, mà còn làm nổi bật hành trình đấu tranh mạnh mẽ của nhân vật. Cô không cam chịu những bất công vốn đã ăn sâu trong tư tưởng xã hội mà dám đứng lên đặt câu hỏi, thách thức những quy tắc lỗi thời đã kìm hãm phụ nữ qua bao thế hệ.

Sự phản kháng của Trang Hàn Nhạn không chỉ đơn thuần là tiếng nói cá nhân mà còn là sự đại diện cho biết bao thế hệ phụ nữ bị trói buộc trong những định kiến hà khắc, những người khao khát được tự do, được làm chủ vận mệnh của chính mình.

Ảnh: Weibo “Khi Chim Nhạn Trở Về”

Bộ phim Khi Chim Nhạn Trở Về (Quý Nữ) không chỉ đơn thuần là một tác phẩm cổ trang giải trí mà còn mang trong mình hơi thở của thời đại, khéo léo lồng ghép những vấn đề xã hội quan trọng vào từng tình tiết. Những thông điệp về nữ quyền, về quyền tự do lựa chọn và đấu tranh vì công bằng được thể hiện một cách tinh tế, vừa đủ để lay động lòng người nhưng cũng đủ mạnh mẽ để khơi dậy suy ngẫm. Chính điều đó đã giúp bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ của một tác phẩm truyền hình đơn thuần, trở thành một tiếng nói mạnh mẽ về bình đẳng giới, về sự trỗi dậy của những con người dám phá vỡ xiềng xích để tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa thật sự của cuộc đời.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm